Học sinh Hà Nội sáng tạo bài tập Lịch sử theo phong cách báo chí
(Dân trí) - Với bài tập nhóm là tìm hiểu sách, tài liệu về một sự kiện lịch sử, sau đó thể hiện dưới dạng một bài báo, các em học sinh lớp 11 trường THPT FPT (Hà Nội) đã khiến cho môn Lịch sử vốn khô khan trở nên hấp dẫn, đẹp mắt.
Đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử là chủ đề được Bộ Giáo dục & Đào tạo đặc biệt quan tâm những năm gần đây, khi mà phổ điểm trung bình của môn này vẫn thấp nhất trong các môn thi THPT. Bởi phần lớn các em học sinh thường vướng phải tâm lý ngại học lịch sử hay không hứng thú với môn học này.
Tuy nhiên mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh về bài tập lịch sử của các em học sinh, được thể hiện dưới dạng các ấn phẩm báo phí đầy sáng tạo, bắt mắt.
Ngay dưới bài viết, rất nhiều ý kiến tích cực khen ngợi phương pháp học sáng tạo, sẽ góp phần giúp các em học sinh thích học và hiểu về lịch sử hơn.
“Nhìn môn Lịch sử được học như thế này sẽ có cảm hứng học!”, “Đẹp mắt quá, nhìn các bài tập thực sự bị thu hút!”, “Tự nhiên lại thấy thích học môn Lịch sử hơn!”... là những bình luận cộng đồng mạng nhận xét về các bài tập đẹp mắt này.
Liên hệ với chủ nhân bài viết, bạn Nguyễn Hoàng Thảo cho biết đây là bài tập Lịch sử lớp 11 của các em học sinh trường THPT FPT Hà Nội.
Với yêu cầu làm bài tập theo cá nhân và nhóm, đề bài: Tìm hiểu sách, tài liệu lịch sử về một sự kiện được phân công, sau đó mỗi bạn viết một bài đánh giá cá nhân về sự kiện, rồi thể hiện dưới dạng một bài báo.
“Các em học sinh sau khi tìm hiểu về sự kiện đã gom các bài cá nhân lại và biên tập, thiết kế như một tờ báo giấy. Về mặt hình thức, tất cả đều do học sinh thực hiện.
Các em tự sưu tầm những mẫu báo thời xưa rồi thiết kế theo, sử dụng các phần mềm thiết kế miễn phí trên mạng, được học từ lớp 10. Vì vậy hầu hết các em học sinh đều không gặp quá nhiều khó khăn khi làm bài tập”, chị Hoàng Thảo chia sẻ.
Được biết, bài tập này do cô giáo Nguyễn Thanh Ngọc tổ chức triển khai cho các lớp khối 11. Qua bài tập này, mục đích là để các em học sinh hứng thú, quan tâm và tìm hiểu về Lịch sử một cách hứng thú nhất.
Không chỉ với góc độ tìm hiểu trên sách giáo khoa, mà các em còn có dịp thể hiện góc nhìn, quan điểm cá nhân về các sự kiện lịch sử.
Kim Bảo Ngân
Ảnh: Nguyễn Hoàng Thảo