Họa sĩ trẻ hành nghề tự do và vấn nạn “quỵt tiền”

Được đánh giá là công việc có mức thu nhập cao so với mặt bằng chung của xã hội, tuy nhiên các nghệ sĩ tự do gặp phải rất nhiều khó khăn khi hành nghề. Không ít lần họ bị quỵt tiền thù lao vì dây vào “khách đểu”.

“Freelance artist” và khát vọng sáng tạo

 

Màn hình laptop của Nguyễn Tiến Hoàng (bút danh QT) không tắt suốt nhiều đêm. Cặp kính cận phản chiếu thứ ánh sáng màu mè của những bản vẽ dang dở. Mồ hôi trượt từ sống mũi xuống đám ria mép chưa cạo đã nhiều tuần. Cậu sinh viên Mỹ thuật công nghiệp gần như không rời mắt khỏi máy tính, đôi tay luôn rộn ràng với bàn phím và wacom. Một tác phẩm nữa lại sắp hoàn thành…

 

Nhận về những đơn đặt hàng lớn nhỏ, rồi những ngày làm việc suốt sáng thâu đêm đã trở thành nếp sống quen thuộc của Tiến Hoàng. Là freelance artist (họa sĩ tự do), anh luôn đặt tài năng và tâm huyết của mình vào từng sản phẩm. Không có văn phòng hay trụ sở, chỉ cần điện thoại, email và Facebook là đủ để kết nối họa sĩ với khách hàng.

 

Không phải “chạy chọt” để có mức lương “ba cọc ba đồng” trong một doanh nghiệp nào đó. Cũng không cần giam mình trong văn phòng 8 tiếng một ngày và 6 ngày 1 tuần trong suốt cả năm. Các sinh viên mỹ thuật có năng lực và bản lĩnh, chủ động làm việc cho các đối tác lớn và nhận được những mức thù lao “khủng”.

 

“Mình chuyển sang làm tự do vì cảm thấy chán lối làm việc gò bó ở các cơ quan, công sở. Người nghệ sĩ cần phải luôn đề cao tính nghệ thuật và tự do sáng tạo trong từng tác phẩm của mình. Tuy nhiên, một môi trường làm việc quá kỉ luật thì không còn chỗ cho những sáng tạo chân thực nữa”, Đào Quang Huy – họa sĩ có tên tuổi trong giới freelance artist, chia sẻ.
 
Họa sĩ trẻ Thành Phong trong phòng làm việc của mình. Ảnh: Ngọc Tân
Họa sĩ trẻ Thành Phong trong phòng làm việc của mình. Ảnh: Ngọc Tân

 

Thành Phong (Phong Ronin) là nghệ sĩ tự do có nhiều tác phẩm nổi tiếng, được giới chuyên gia mỹ thuật đánh giá cao, như “Sát thủ đầu mưng mủ”, “Bé lợn, lớn bò”,… Bộ truyện tranh “Hà Nội, Thành phố của tôi” do anh sáng tác đã được phát hành tại nhiều viện Goethe trên thế giới.

 

Tính đến ngày 20/5/2014, sau gần 2 tháng kêu gọi vốn cộng đồng, Thành Phong đã gây quỹ được hơn 240 triệu đồng cho dự án truyện tranh Long Thần Tướng – một bộ truyện dã sử kể về thời kì chống giặc Nguyên Mông của quân dân nhà Trần.

 

Các họa sĩ trẻ như Thành Phong, Thái Mỹ Phương(Tamypu), Đỗ Hữu Chí (Bút Chì), Đào Quang Huy, Mai Anh (Tuyệt Đỉnh Sinh Vật)… được biết đến không chỉ vì tài năng, mà còn bởi cái tâm của người làm nghệ thuật.

 

Ngoài việc vẽ tranh phục vụ khách hàng, họ còn có nhiều tác phẩm độc đáo được cộng đồng mạng tán thưởng vì sự phá cách trong những nét vẽ và nội dung tác phẩm gợi tả chân thực cuộc sống đương thời.

 

Đối xử bất công, bị quỵt tiền

 

Hồi tháng 3/2014, họa sĩ Trần Thu Hương (Ndoll Trần) từng bị khách hàng “im thin thít và lặn mất tăm” sau khi giao một đơn hàng trị giá gần 1 triệu đồng. Hương đã đăng tải những bức xúc của mình lên Facebook và nhận được nhiều sự cảm thông của cộng đồng mạng. Ngay sau đó, phía khách hàng đã phải gửi lời xin lỗi đến cô.

 
Tranh tự họa của Nguyễn Tiến Hoàng.
Tranh tự họa của Nguyễn Tiến Hoàng.
 

Đào Quang Huy cũng chưa quên câu chuyện vừa bi vừa hài của mình khi bị ban tổ chức của một triển lãm tranh quỵt tiền sản phẩm. Sau khi nhận 12 tác phẩm tranh 3D của Huy, bên này có rất nhiều lý do để làm chậm trễ việc thanh toán, thứ cuối cùng Huy nhận được là một bản scan UNC ghi rõ số tiền đã được thanh toán và có dấu xác nhận của ngân hàng, trong khi tài khoản của anh chưa nhận được một đồng nào (!?).

 

Về phía khách hàng, gần như không thể liên lạc được vì những người đại diện công ty cố tình trốn tránh và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Nói nôm na  là Huy đã bị “bùng” mà không ý kiến gì được.

 

Họa sĩ Đỗ Hữu Chí bức xúc lên tiếng: “Cung cách làm ăn chộp giật, mua rẻ, coi thường sức lao động sáng tạo của các họa sĩ đã và vẫn đang tồn tại dai dẳng. Cuộc chiến vẫn còn kéo dài. Nhưng chúng ta mới là người quyết định thắng bại. Những kẻ lừa đảo sớm muộn sẽ không còn đất sống, nếu mọi người đều cẩn trọng và chuyên nghiệp”.

 

“Phải luôn làm hợp đồng với khách”, “không gửi toàn bộ sản phẩm khi chưa nhận thù lao”, “kiên quyết tố cáo khi bị lừa đảo”,… là những biện pháp “tự vệ” tạm thời của các freelancer khi xã hội còn thiếu ý thức tôn trọng thành quả lao động của người nghệ sĩ.

 

Ngành công nghiệp mỹ thuật ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu giải trí và truyền thông bằng hình ảnh tăng cao đòi hỏi một đội ngũ họa sĩ thiết kế năng động và có trình độ.

 

Những Freelancer tài năng như Thành Phong, Đào Quang Huy, Đỗ Hữu Chí,… vẫn đang miệt mài sáng tạo những tác phẩm có ích cho cộng đồng. Nói đi cũng phải nói lại, những đồng tiền thù lao có thể là động lực để theo đuổi đam mê, nhưng không bao giờ là mục đích cuối cùng của các họa sĩ chân chính.

 

Theo Bùi Ngọc Tân

Tiền phong