Hoa khôi ĐH Đà Nẵng với vấn nạn “vạch áo cho người xem lưng”

(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều trường hợp “vạch áo cho người xem lưng” gây ầm ĩ trong giới trẻ. Hãy cùng lắng nghe cô gái tài sắc của ĐH Đà Nẵng Trần Nga chia sẻ cách nhìn về vấn đề này nhé!

 

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Trần Thị Nga

 

Năm sinh: 1994

 

Hiện đang học năm thứ 2 khoa Báo chí, trường ĐH Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

 

Cộng tác viên (vị trí MC) cho kênh ANTV.

 

Thành tích:

 

- Giải Bạc Người dẫn chương trình trong cuộc thi Tài năng nghệ thuật TP. Đà Nẵng Xuân năm 2011.

 

- Hoa khôi khoa Ngữ văn, Hoa khôi trường ĐH Sư phạm năm 2012.

 

- Miss U- League (Người đẹp Văn- Thể- Mỹ) khu vực miền Trung, giải khuyến khích toàn quốc năm 2012.

 

- Giải Nhất đơn nữ cuộc thi “Sinh viên duyên dáng ĐH Đà Nẵng” năm 2013.

 

Tham gia và gặt hái được khá nhiều giải thưởng ở các cuộc thi tài sắc, Nga có cảm thấy bị áp lực nhiều không?

 

Không hề dễ dàng khi giành được các giải thưởng. Và khi đạt được những giải thưởng đó rồi…để giữ cho nó vẫn sáng và xứng đáng thì là điều còn khó hơn.

 

Thật ra, mới ngày đầu Nga khá căng thẳng bởi có nhiều áp lực, nhưng sau một thời gian, bằng sự nỗ lực, mình cảm nhận, bản thân đã được mọi người công nhận hơn. Và chính sự thừa nhận của mọi người là niềm vui mà Nga mong muốn còn hơn cả giải thưởng.

 
Trần Thị Nga trong một cuộc thi tài sắc.
Trần Thị Nga trong một cuộc thi tài sắc.
 

Theo Nga, những giải thưởng đó có đồng nghĩa với sự nổi tiếng hay danh hiệu “hotgirl”?

 

Bản thân Nga không có được gương mặt hay ngoại hình nổi trội hơn các bạn thí sinh khác. Các cuộc thi đó đều dựa trên yếu tố toàn diện, tức là phải có cả tri thức, ứng xử, sự nhạy bén trong giao tiếp qua quá trình tham gia các hoạt động do cuộc thi tổ chức, sự tự tin, cách trình diễn trên sân khấu… Đó là cách để các thí sinh tự giác hoàn thiện mình chứ không chỉ bó buộc ở vẻ đẹp bên ngoài.

 

Việc nổi tiếng hay được nhiều người biết đến thật sự không dễ dàng, mỗi người một ý, có quá nhiều dư luận, nếu không vững tâm, chắc chắc sẽ khó chịu nổi áp lực. Sự nổi tiếng đôi lúc còn khiến ta thấy rất mệt mỏi, mà điều này mình hoàn toàn không muốn.

 

Cũng giống như cụm từ “hot girl” là điều các thiếu nữ muốn ở vài năm trước nhưng gần đây, chính bởi sự “đổ xô” và nhiều chiêu trò, mà dần dần nó không còn nhiều ý nghĩa nữa.

 

Hiện tại, đó cũng chỉ như danh xưng mà ai thích cũng có thể tự đặt cho mình được. Vì vậy, Nga nghĩ rằng để giá trị bản thân luôn xứng đáng thì ngoài gương mặt ưa nhìn, ngoại hình đẹp thì cần nhất vẫn là cái đầu với tri thức và hiểu biết.

 
Trần Thị Nga trong một cuộc thi tài sắc.
 

Gần đây không ít bạn trẻ dùng mạng xã hội để “vạch áo cho người xem lưng” (như chuyện khoe thân hay chị dâu tố em chồng đánh vợ, đòi quà...), Nga suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

 

Có lẽ các bạn trẻ muốn gây sự chú ý của cộng đồng, nhưng lại dùng sai cách, khiến mọi việc đi theo chiều hướng tiêu cực. Facebook với hiệu ứng rộng rãi, khiến thông tin trở nên tràn lan, bởi vậy mà khó khăn trong việc ngăn chặn thông tin sai, tiêu cực. Nó còn nằm nhiều hơn ở ý thức cá nhân.

 

Chỉ có điều nó không tồn tại lâu được, bởi mỗi ngày họ sẽ nghĩ ra nhiều cách gây chú ý khác nhau, vì vậy sự việc cũng qua nhanh. Tuy nhiên Nga nghĩ chính cộng đồng mạng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này trở nên phổ biến, khi mà họ tung hê, thêm vào. Việc này lại lần nữa trở về ý thức con người.

 

Việc dùng “sai cách” của những nhân vật đó mang lại hậu quả gì?

 

Việc dùng sai cách, trước nhất có thể tạo được dư luận, gây được chú ý nhưng nó chỉ diễn ra, tồn tại trong thời gian ngắn, vì gần đây, những kiểu "shock" như vậy đã trở nên quá phổ biến, cộng đồng cũng thừa hiểu sự việc đó là cố ý, là giả tạo nên có khi không mấy mặn mà, hay quan tâm đến nó.

 

Tuy nhiên đối với nhân vật tạo ra tình tiết này, vết nhơ họ để lại sẽ nhiều hơn, không có sự tôn trọng trong cộng đồng thì chắc rằng họ cũng không thể "nổi" như mình mong muốn.
 
Trần Thị Nga trong một cuộc thi tài sắc.

 

Theo Nga,“vạch áo cho người xem lưng” là cách gây chú ý sai lầm của cộng đồng mạng. Vậy đâu là cách khôn ngoan và đúng đắn?

 

Nga nghĩ muốn có sự nổi tiếng lâu dài, ai cũng cần phải bỏ ra thời gian, công sức và phải mất một quá trình, như một vài nghệ sĩ thực thụ có tên tuổi, chỗ đứng nhất định, khó lay chuyển được, hơn nữa khán giả cũng không bao giờ quên họ.

 

Họ đều đi từ bước nhỏ nhất, phấn đấu không ngừng. Tài năng là một phần cho sự thành công, còn nỗ lực có khi phải gấp 2,3 lần.

 

Ở đây, Nga không thể gọi là cách khôn ngoan hay đúng đắn, bởi lợi dụng “cách” thì chẳng khác nào đi vào lối mòn cũ là “cố ý tạo scandal”. Chỉ bằng nỗ lực của bản thân, cố gắng, không nản lòng, đó mới là cách thông minh và lâu dài nhất.

 

Nếu có một ngày nào đấy, trở thành “nạn nhân” của vấn nạn này, Nga sẽ xử lý thế nào?

 

Trước tiên Nga phải tự chủ được hành động bản thân làm và giữ im lặng, không làm gì sai thì khó có ai có cơ hội hại mình.

 

Hơn nữa, như Nga đã nói, nếu có khả năng thật sự, thay vì ganh ghét, hãy chú ý cách hành xử của cá nhân, trong giao tiếp để mọi người xung quanh yêu mến mình hơn.

 

Cảm ơn Nga về những chia sẻ thú vị này!

 

Hoàng Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm