Hết Tết là hết…tiền
Khá nhiều bạn có hầu bao rủng rỉnh vì được lì xì vào ngày Tết. Nhưng khi Tết hết thì họ lại tiếp tục…rỗng túi và mọi kế hoạch bị đổ vỡ. Tại sao?
Tiền đi ra đường nào?
T.P (sinh viên năm 2 ĐH Hồng Bàng) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là mình lại có rất nhiều tiền. Nhưng đến khi chuẩn bị đi học trở lại, nhìn vào ví và…hoảng hồn vì không biết mình đã tiêu xài thế nào mà tiền hết nhanh thế”.
“Trong Tết có rất nhiều hoạt động và mình luôn nghĩ, cứ chi ra một ít, chẳng sao đâu. Mình cũng rất hào phóng khi sẵn sàng “lì xì” cho ai đó. Hết Tết, kiểm kê lại, thì mình chẳng còn tiền để đi học thêm, mua cây đàn guitar mới, và sắm thêm quần áo, sách vở như mong đợi”, Mỹ Lan (lớp 12 trường THPT Nguyễn Du) kể.
Đối với chúng ta, ngày Tết thường nên tiêu xài thoải mái một chút để được may mắn cả năm. Nhưng nếu không biết cách quản lý chi tiêu thì rất có thể bạn sẽ ngạc nhiên và tự hỏi: “Tại sao tiền lì xì của mình lại hết mau đến vậy. Tiền đi ra đường nào?”
“Vung tay quá trán” khi đi chơi bên ngoài
Tố Anh (sinh viên năm 1 ĐH Công Nghiệp) luôn dành thời gian để đi chơi bên ngoài khi những ngày Tết sắp hết. “Mình không có thói quen tiết kiệm. Những ngày Tết, dù đồ ăn có đắt, vé xem phim có cao hơn ngày thường, thì mình vẫn cảm thấy thoải mái khi đi chơi không phải lo về chi phí. Hơn nữa, ngày Tết đi vui hơn, nhộn nhịp hơn, đi ăn ở ngoài cũng cảm thấy khác”.
Vì vậy, dù đồ ăn ở nhà còn chất đầy tủ lạnh nhưng cô nàng vẫn thích ra ngoài ăn vặt, với những món ăn giá trên trời mà Tố Anh có thể thấy tại nhà
“Mình cảm thấy phát hoảng khi cô bạn mình gọi ra một đống thức ăn như…tiệc cưới. Cô ấy bảo: “Cứ thoải mái đi, không sao đâu!”. Lúc nhìn hóa đơn, mình…xanh mặt vì 1 bữa ăn hôm đó có khi bằng 1 tháng tiêu xài của sinh viên.
Cô nàng phẩy tay: “Có tiền lì xì để làm gì! Xài hết rồi lại được lì xì tiếp. Thiếu thì qua Tết xin ba mẹ!”. Đi coi phim, cô ấy có thể coi…3 phim cùng 1 lúc, ở ghế ngồi đặc biệt và lúc nào trên tay cũng có một phần nước ngọt, bắp rang”, Kim Xuân (sinh viên năm 2 ĐH Tôn Đức Thắng) kể lại
Hãy tránh xa những trò đỏ đen vô bổ, tốn tiền, teen nhé.
Nghiện “đỏ đen”
H.Nam (lớp 12 trường THPT Lạc Hồng) năm nào cũng sẽ “từ hai bàn tay trắng làm nên tất cả”. Có tiền lì xì, Nam chơi bài mạnh bạo và sẵn sàng “đỏ đen” ở bất cứ đâu: nhà người thân, nhà bạn bè, nhà hàng xóm… Anh chàng chơi không biết tiếc là gì.
Có lần cao hứng, Nam còn đề nghị chơi 50 ngàn mỗi ván. Trong khi bạn bè khuyên không nên lạm dụng quá mức, thì Nam bảo: “Tiền của người ta chứ có phải tiền của mình đâu mà tiếc. Tết mà, thoải mái đi!”. Càng thua, Nam càng cay cú gỡ. Và hậu quả là, Tết năm nào anh chàng cũng “rỗng túi”, thậm chí có khi lỗ một khoản tiền khá lớn. Nam luôn tự nhủ: “Kệ, có gì năm sau…gỡ lại chẳng muộn!”
Còn Tuấn Trần (sinh viên năm 1 ĐH Mở) coi việc “đỏ đen” ngày Tết là một thú giải trí giúp…giải tỏa căng thẳng. Anh chàng cho biết: “Cảm giác dù thắng hay thua cũng thật thú vị.
Khi thắng thì gom lại được một đống tiền, còn thua thì cũng lỗ nhiều, nhưng cái cảm giác chi tiền thoải mái thế này chỉ xuất hiện vào ngày Tết. Tuy lên đại học rồi nhưng tiền lì xì của mình còn cao hơn thời cấp 3. Qua Tết có ba mẹ cho tiền đóng học phí, tại sao phải tiết kiệm?”
Hãy biết chừng mực
Tiền không phải kiếm được dễ dàng trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Người lớn đã phải rất vất vả mới tạo ra được đồng tiền. Họ lì xì cho bạn, bạn nên biết trân trọng.
Hơn nữa, có thể ba mẹ bạn phải lì xì lại người khác và món tiền bạn có cũng chính từ “hầu bao” của ba mẹ mà ra. Hãy biết sử dụng hợp lí, có ích, để tiền lì xì mang lại may mắn và hạnh phúc cho bạn một cách đúng nghĩa.
Theo Mực Tím