Hậu quả đau lòng từ những cuộc liên hoan chia tay

(Dân trí) - Liên hoan uống say tự gây tai nạn giao thông, đâm chém nhau, thậm chí bị tước đi đời con gái… Những bài học nhãn tiền đó vẫn không ngăn được các học sinh THCS, THPT tổ chức những cuộc liên hoan “hoành tráng” và hậu quả đau lòng lại tiếp tục xảy ra...

Dư luận vẫn còn bàng hoàng sửng sốt trước cái chết oan nghiệt của em Nguyễn Văn Bé mùa liên hoan năm ngoái. Để chia tay nhau, các học sinh lớp 12 trường bổ túc văn hoá Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) góp 100.000đ/em dựng rạp mắc loa tổ chức trong hai ngày tại nhà ông Chu xóm 12 xã Quỳnh Thanh. Cả hội ăn uống từ 16h cho đến 19h thì ngắc ngư. Nam uống cố thêm 1 ly nhưng bị sặc vung hết rượu ra.

Bé ngồi cạnh cho rằng Nam uống gian liền cùng 2 đứa bạn Đè xuống đổ rượu vào miệng. Nam chống cự thuận tay vớ con dao gọt trái cây đâm nhàu một nhát thủng bụng Bé dẫn đến tử vong.

 

Một câu chuyện khác ở huyện miền núi nghe kể lại còn đau lòng hơn. Với suy nghĩ các em học 12 năm ngày chia tay không thể không có liên hoan, nhưng để chắc ăn hội cha mẹ học sinh đã đưa về nhà mình tự đứng ra tổ chức. Cuộc liên hoan được tiến hành trong trật tự vui vẻ, chỉ uống bia hơi và nước ngọt nhưng rồi giữa cuộc, không biết từ đâu, rượu cứ ngấm ngầm được “tải” về các mâm.

Thôi thì trước giờ chia tay, ai nỡ từ chối bạn bè, không những con trai mà con gái cũng “dzô” tới bến. Bí thư chi đoàn Hà Thị Thuỳ T. được chúc nhiều nhất nên say mèn. Chủ nhà cẩn thận đưa vào buồng nằm. Một tiếng sau, nữ sinh khác vào chăm sóc bạn kinh hoàng chững lại khi thấy T đã bị lột trần từ bao giờ nhưng vẫn ngủ... ngon lành.

Còn Đỗ Thị N. thì được hai ông bạn tốt bụng đưa về nhà, và trên đường về đã kéo vào lùm cây ven đường “hành sự”.

 

Tang thương hơn, hai học sinh Nam trường Bắc Quỳnh Lưu dỡ tiệc vui xung phong đèo nhau đi mua bia tiếp, khi đến đường liên hương Thạch Tân, do quá say đã tự lao vào đuôi xe công nông dẫn đến một em tử vong, em  khác hơn một năm qua vẫn nằm bán thân bất toại.

 

Cũng có một số trường rút kinh nghiệm chỉ cho tổ chức liên hoan ngọt tại lớp trước mùa thi bằng hoa quả. nhưng rồi từ các “con đường bí mật” rượu bia ở đầu cứ thế chảy về và cuối cùng là “ghế, bàn vật dụng do tụi tao đóng góp, nay hết học thì... phá”. Cả ngôi trường sau đó chẳng khác gì một bãi chiến trường.

 

Tuy vậy, so với anh chị thì các đàn em lớp 9 tổ chức “hoành tráng” hơn nhiều. Các em mang loa thùng, bóng nháy, nồi niêu xong chảo đến ngay tại lớp học “đón giao thừa” ngủ tập thể một đêm rồi kéo đến hết ngày hôm sau. Giờ chia tay, trai gái vô tư ôm nhau khóc như mưa như gió. Có em khóc đến ngất tại chỗ phải đưa đi cấp cứu.

 

Một mùa thi mới đã đến, các học sinh “rút kinh nghiệm” không tổ chức tại lớp, cũng không tổ chức trước mùa thi mà “thầy đổi chiến thuật” bí mật góp tiền cho thủ quỹ, lớp ít 100.000đ, nhiều 200.000đ/em, sau mùa thi sẽ “xả hơi” 2 ngày tại nhà một phụ huynh “rộng lượng” nào đó. Vậy là trách nhiệm không còn ở nhà trường mà là chính quyền sở tại. Bởi thế ngay từ bây giờ chính quyền các cấp, các xã phải lên kế hoạch bảo đảm an toàn hoặc giải tán những cuộc liên hoan “thâu đêm suốt sáng” này.

 

Nguyễn Đình Lộc