Hành trình ngoài “vùng an toàn”

Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên, Tôn Nữ Tường Vy (cựu sinh viên trường ĐH Mở TP. HCM) đã có cơ hội tiếp xúc với nền văn hóa rất đặc biệt – văn hóa Hồi giáo Trung Đông. Đi và trải nghiệm nhiều nơi, cô dần tò mò và mong muốn tìm hiểu văn hóa Hồi giáo nhiều hơn nữa.

Sự khác biệt làm tổn thương

Năm thứ tư đại học, Tường Vy là sinh viên Việt Nam duy nhất có cơ hội tham dự “Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới giáo dục quốc tế” (World Innovation Summit for Education) tại Qatar (Trung Đông). Chuyến đi giúp Vy nhận ra bản thân còn nhiều điểm yếu so với bạn bè quốc tế.

Sau chuyến đi, cô quyết tâm rèn luyện tiếng Anh, đọc nhiều sách, trau dồi thêm kỹ năng nói trước công chúng và tư duy phản biện. Vy nói: “Chuyến đi đó tạo cơ hội để mình học hỏi những điều hay từ bạn bè quốc tế, với các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau.

Khi tiếp xúc với các bạn Hồi giáo, Vy tự đặt câu hỏi: “Các bạn ấy cũng bình thường như bao người. Nhưng tại sao cứ nhắc đến người Hồi giáo thì mọi người lại có cái nhìn không hay nhỉ?”. Từ sự tò mò ban đầu, mình bắt đầu mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về Hồi giáo”.

Từ chuyến đi đầu tiên, Tường Vy dần “kết duyên” với các chương trình, hội nghị quốc tế. Đến năm 2013, cô nhận được 6 tấm vé tham gia các chương trình, hội thảo, hội nghị, tình nguyện viên quốc tế ở các nước như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản…

Tại đây, Vy tìm hiểu nhiều sách vở, trò chuyện và thắc mắc với nhiều bạn bè, các lãnh đạo theo văn hóa Hồi giáo. Chẳng hạn, Vy đặt câu hỏi rằng, các bạn nữ trùm khăn đen có cảm thấy bị áp bức hay không? Họ chia sẻ với Vy rằng, tấm áo đó chỉ nói lên danh tính tôn giáo chứ không thực sự nói lên mức độ quyền lực của họ.

Trong nhiều gia đình, người quyết định là phụ nữ chứ không phải đàn ông. Đạo Hồi cho rằng, vẻ đẹp của phụ nữ nằm trong tâm hồn. Vì thế, người nào quý mến, tôn trọng họ thực sự sẽ không vì ngoại hình phô bày của họ mà kết giao. Tấm áo che kín đáo ấy vừa là một thử thách, vừa là một cách bảo vệ an toàn cho phụ nữ…


Tôn Nữ Tường Vy thích đi và tìm hiểu các vấn đề xã hội.

Tôn Nữ Tường Vy thích đi và tìm hiểu các vấn đề xã hội.

Trong quá trình tìm hiểu, Vy tự đặt bản thân vào tâm thế của người theo đạo để hiểu cuộc sống của người dân và có góc nhìn vấn đề khách quan hơn. Vy chia sẻ, có lần, ở Campuchia, cô đi với một nhóm bạn Hồi giáo người Indonesia. Theo quy định, vào 12h trưa thứ Sáu, tất cả nam giới Hồi giáo sẽ phải có mặt ở thánh đường để cầu nguyện. Phụ nữ thì không bắt buộc và có thể tham gia cùng.

“Khi đó, mình cũng đi cùng mọi người. Lên xe, mình ngồi xuống cạnh một anh bạn. Đột nhiên, anh bảo mình: “Em phải đảm bảo đừng có chạm vào người anh, ok?”. Mình đơ người, sốc khủng khiếp và cảm thấy bị tổn thương. Chẳng lẽ, sinh ra là con gái thì dơ bẩn lắm hay sao?

Đến thánh đường, Vy cầu nguyện chung với cô bạn Indonesia. Cô bạn thấy Vy buồn nên hỏi thăm. Sau đó, bạn ấy giải thích là có thể do anh đó đã làm lễ tẩy rửa trước khi đi nên không được phép chạm vào người khác giới, dù vô tình hay cố ý. Và do cách nói không khéo nên anh ấy khiến Vy hiểu nhầm.

Nếu không được chuẩn bị kiến thức và tâm lý, những khác biệt văn hóa nhỏ có thể khiến mình dễ tổn thương khi giao tiếp. Tuy nhiên, những tổn thương đó sẽ biến thành kinh nghiệm để mình hiểu hơn về văn hóa của họ hơn”, cô gái sinh năm 1990 kể lại.

Lao vào vùng xung đột

Những năm đầu, Tường Vy tìm kiếm thông tin, nộp đơn ứng tuyển liên tục để lựa chọn các chương trình, hội nghị quốc tế yêu thích. Đa phần, các chương trình mà Vy tham gia đều đài thọ toàn bộ chi phí (vé máy bay, ăn, ở, bảo hiểm, di chuyển trong toàn bộ thời gian diễn ra chương trình…). Đến năm 2015, Vy mong muốn thử thách điều mới mẻ hơn, nên tự thiết kế mục tiêu du lịch “bụi” một mình để tìm hiểu những vấn đề xung đột ở các quốc gia khác.

Trong những chuyến đi, Vy tận dụng hết thời gian để tạo mối quan hệ, học hỏi và kết thân với nhiều bạn bè quốc tế. Đến vùng đất mới, Vy luôn hỏi thăm người dân địa phương, ghi chép lại những trải nghiệm.

“Một số người bảo rằng, Hồi giáo là vấn đề nhạy cảm và không liên quan đến Vy thì phí thời gian tìm hiểu làm gì? Mình suy nghĩ, tôn giáo là thứ ảnh hưởng rất lớn đến cách sống và hành vi của từng người. Mình tò mò sự khác biệt đó nên muốn tìm hiểu chứ nó không liên quan đến lợi ích cá nhân.

Vy sẽ không chịu sự bó buộc vào một quan điểm, góc nhìn từ truyền thống nơi mình sinh ra hay sự định hướng của truyền thông. Mình muốn trải nghiệm thực tế để biết người dân bản địa đang trải qua những gì. Từ đó, Vy sẽ hiểu vấn đề rõ ràng, đa diện hơn và tránh được sự cực đoan”, cô giải thích.

Để vào được những vùng xung đột, Vy phải nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè địa phương. Hoặc cô sẽ kết nối những mối quan hệ đã quen trong các chương trình, hội nghị quốc tế trước đó. Đầu tháng 5/2017, Vy vừa đặt chân đến đảo Mindanao (thuộc miền Nam Philippines).

Vùng này là nơi có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan đòi tự trị vì lý do tôn giáo, kinh tế và chính trị. Buổi sáng sớm, Vy không may gặp một trận động đất. Sau đó, Vy phải đi luân chuyển 4 chuyến xe đò để tới một làng chài nghèo ở bán đảo Zamboanga.

“Vùng này vốn nổi tiếng với khủng bố và thuốc phiện. Nơi đây cũng là quê hương của một người bạn mà mình kết thân. Khi đến đây, mình đã nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè và lãnh đạo địa phương. Họ giúp mình kết nối với người dân, cảnh sát, lính của quân nổi dậy…

Khi trò chuyện, mình mới biết được 2 tuần trước, làng chài này đã xảy ra một trận đọ súng giữa lực lượng cảnh sát và dân buôn thuốc phiện. Đến ngày cuối cùng, lịch trình đi của mình bị lộ nên một số người đối đầu chính trị với làng đã biết. Để đảm bảo an toàn, ông thị trưởng đã sử dụng xe riêng và nhờ cảnh sát hộ tống mình đến sân bay. Nhờ thế, mình về lại thành phố an toàn”, Vy cho biết.

Học những điều “bên kia ranh giới”

Qua những chuyến đi thực tế, Tường Vy nhận thấy, đa phần người theo đạo Hồi có quan điểm ôn hòa. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một bộ phận cực đoan. Điều này xuất phát từ việc họ diễn dịch kinh sách theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Khi nhắc đến Hồi giáo, mọi người chỉ nghĩ đến đánh bom, khủng bố… Vì lẽ đó, những người Hồi giáo ôn hòa phải chịu cái nhìn phán xét quá khắt khe từ mọi người trên thế giới. Tiếng nói của họ chưa được nhiều người hiểu và cảm thông.

Khi đến những vùng xung đột, Vy mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực hòa bình và xung đột. “Vy nghĩ, hòa bình và xung đột đi từ nội tâm con người, các mối quan hệ xã hội rồi đến vấn đề toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là, tại sao con người luôn muốn sống hòa bình mà lúc nào cũng gây hấn, xung đột với nhau.

Bởi vì, nó xuất phát từ lòng ganh tỵ, ích kỷ của con người. Họ luôn muốn bản thân đúng nhất và áp đặt quan điểm đó lên người khác. Khi xung đột xảy ra, đa phần mọi người chỉ biết nhìn nhận và xâu xé. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn có những tổ chức xã hội luôn hoạt động để chữa lành vết thương từ xung đột. Bằng những chuyến đi, Vy muốn tìm thấy dòng suối chữa lành vết thương xung đột đó”, Vy bộc bạch.

Đi nhiều nơi, Vy còn trải nghiệm cách ăn mặc, văn hóa của người Hồi giáo. Điều mà Vy cảm thấy thích nhất là được ăn bốc món bánh “roti canai”, ở Malaysia. Tính đến nay, Vy đã đặt chân đến 14 quốc gia và tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề tôn giáo, văn hóa, giáo dục.

Cô bạn tâm sự: “Những trải nghiệm ngoài vùng biên giới giúp mình trưởng thành hơn, có cái nhìn đa chiều để tiếp nhận và tôn trọng cái khác biệt. Hiện tại, mình đang đi làm và tìm kiếm học bổng du học thạc sĩ về giáo dục để học tập kiến thức bài bản, chuyên sâu hơn”.

Tôn Nữ Tường Vy:

Đồng sáng lập CLB Học thuật Lan Tỏa và giáo viên tại Friends English Center (TP. HCM).

Đại biểu Việt Nam duy nhất tham dự Khóa học mùa Hè của Liên Hợp Quốc (UNAOC – EF Summer School 2014), tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Mỹ.

Đại biểu tham dự chương trình “Mekong Peace Journey” tại 3 nước: Thái Lan, Lào và Myanmar.

Đại biểu “Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới Giáo dục Quốc tế” (World Innovation Summit for Education 2011), tại Doha, Qatar.

Theo Bình Nguyễn

Sinh viên Việt Nam