Hành trình khó quên của chàng võ sư đất Việt

(Dân trí)- 5 năm tập luyện Vĩnh Xuân Quyền, Vovinam và Karatedo, giành huy chương đồng giải Vô địch Quốc gia 2007 lần thứ 16 môn Vovinam Việt Võ Đạo, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Tuấn hy vọng sẽ đưa Vovinam đến với tất cả các bạn đam mê võ thuật.

Hành trình đến với võ thuật của Tuấn rất tự nhiên như đã có duyên từ trước vậy. Bắt đầu chập chững học Vĩnh Xuân Quyền năm 19 tuổi, tiếp đến là Vovinam Việt Võ Đạo và Karatedo, Tuấn không nghĩ mình có thể đam mê với nó lâu đến vậy. Võ thuật như một người bạn không thể tách rời với anh chàng này và cuối cùng Tuấn đã chọn Vovinam (Vvn) - môn võ cổ truyển Việt Nam đã được công nhận là Võ quốc để gắn bó.

Duyên nghiệp nhà võ

Chị gái Tuấn là Nguyễn Thị Thu Hiền - VĐV Karatedo, còn anh rể là Nguyễn Mạnh Thắng - trưởng môn, Hồng đai nhất cấp Vvn (tương đương đai đen ngũ đẳng thế giới) chính là những người đem đến cơ hội được gặp thầy dạy võ của Tuấn.

Võ sư Nguyễn Khắc Chương, thầy giáo truyền giảng Vĩnh Xuân Quyền và khí công cho Tuấn từ những ngày mới nhập môn. Tuấn đã rất thông minh và tỏ ra có tố chất của “con nhà võ”: “Môn này hay lắm, đặc trưng của môn là dựa vào linh giác của cơ thể, sự mềm dẻo, nhanh nhẹn. Mà theo lời thầy, Vĩnh Xuân Quyền là môn võ rất thích hợp với phụ nữ”.
 
Hành trình khó quên của chàng võ sư đất Việt - 1
Tuấn còn thích đọc, nghiên cứu các sách về võ thuật

Rồi cơ hội đã đến khi Tuấn được anh rể giới thiệu với thầy Phan Dương Bình (Niên trưởng, Bạch đai): “Ấn tượng đầu tiên khi gặp thầy, là mình không ngờ thầy “phong độ” thế. Đã bước sang tuổi thứ 81 nhưng các sư trưởng, võ sinh đều rất kính phục và ngưỡng mộ võ thuật của thầy. Mình vẫn thường gọi thầy là cụ. Cụ không chỉ là võ sư truyền dạy, cao thủ của Vovinam Việt Võ Đạo mà còn là cao thủ Vĩnh Xuân Quyền nữa”.

Những ngày tháng sau đó, Tuấn được cụ truyền dạy về khí công và lịch sử của môn võ cổ truyền được coi là Võ quốc này. Được sáng lập bởi thầy Nguyễn Lộc (1912-1960), Vvn ra đời năm 1938 được tổng hợp của các môn võ và vật. Tuấn tự hào tâm sự về lý do Vvn được gọi là Võ quốc: “Vovinam có quá trình phát triển gắn liền với lịch sử bảo vệ đất nước. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, để đào tạo phát triển lực lượng chiến đấu, cụ Bình, cụ Lê Sáng - Trưởng môn đều đã từng bị giặc Pháp bắt giữ nhiều năm vì tập và dạy võ. Hiện tại môn võ này được đưa vào giảng dạy trong quân đội và lực lượng cảnh sát”.
 

Đôi nét về Nguyễn Đức Tuấn

 

Ngày sinh: 26/10/1985

Tốt nghiệp Đại học TDTT, đang tập luyện và thi đấu cho Sở Văn hóa thể thao và du lịch.

Huy chương đồng giải Vô địch quốc gia môn Vovinam Việt võ đạo 2007 lần thứ 16.

Hồng đai Vovinam (đai đen tứ đẳng thế giới).

 

Tâm niệm và ước mơ: "Học võ trước tiên là học đạo. Học để giữ cái tâm mình trong sáng, sau mới đến võ. Mình muốn bất cứ ai đến Việt Nam đều biết đến Vovinam Việt Võ Đạo”.

Cho đến ngày hôm nay, khi Tuấn đã thành công với huy chương đồng giải Vô địch quốc gia năm 2007 lần thứ 16, đạt chuẩn Hồng đai (tương đương đai đen tứ đẳng) Tuấn lại mang trong mình trọng trách cùng các thầy, các huynh đệ sư môn phát triển môn võ cổ truyền của dân tộc.
 
“Quê mình ở Bắc Ninh, trong suốt thời gian tập luyện, ngày nào cũng phóng xe từ đó về Hà Nội không quản nắng mưa. Lại vẫn phải học tại ĐH Thể dục thể thao, nhưng càng khó khăn, mình lại càng ham thích và quyết tâm vượt qua cho bằng được”.
 
Có những ngày, Tuấn nhịn đói để kịp về võ đường, người mệt mỏi rã rời, thi đấu xong bị bong gân, mắt thì sưng húp và rớm máu nhưng nhìn thấy bạn đồng môn hăng say tập luyện thì cậu lại như quên hết để lao vào đấu võ.

Tham vọng lớn với Vovinam Việt Võ Đạo

Môn võ này có xuất phát từ miền Bắc nhưng lại rất phát triển ở miền Nam. Nhưng rất tiếc các bạn trẻ ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung lại chưa có cơ hội được tiếp xúc và tìm hiểu về bộ môn này trong khi các môn võ khác như Penkasilat, Tawondo, Karatedo thu hút đông đảo các bạn tham gia tập luyện.
 
Khi các thầy và anh em đồng môn nảy ra ý tưởng phải thống nhất kỹ thuật Vvn miền Bắc với hệ thống kỹ thuật Vvn toàn quốc cũng như trên toàn thế giới. Tuấn chia sẻ: “Định hướng trong tương lai của Vvn còn là kết hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội xây dựng hệ thống môn Vvn vào học đường và hệ thống vận động viên chuyên nghiệp”.
 
Tháng 5 vừa qua, Đại hội võ sư thế giới môn Vovinam tổ chức tại Pháp đã thành công tốt đẹp. Đây là dịp để tất cả các võ sinh trên 43 nước theo học môn võ này được gặp gỡ và trao đổi với nhau.
Hiện tại, Tuấn cũng đang giảng dạy môn Vvn miễn phí cho các em nhỏ tại Nhà thi đấu Từ Liêm và Khách sạn Hà Nội. “Lớp học của Tuấn vui lắm, các em rất ham học và chịu khó. Võ sinh bé nhất là 8 tuổi còn lớn nhất là 18. Nhưng ai cũng đều chăm tập để mong… đấu được với thầy”.
 
Hành trình khó quên của chàng võ sư đất Việt - 2
Màn biểu diễn Nhập môn quyền của các môn sinh nhỏ tuổi

Gương mặt cương nghị nhưng nụ cười lại rất hiền, Tuấn nói: “Mình rất mong trong tương lai Vnn sẽ trở thành môn võ thuật được nhiều bạn trẻ yêu thích. Thầy mình có nói, học võ trước tiên là học đạo. Học để giữ cho cái tâm của mình trong sáng, sau rồi mới đến võ. Và một ngày, bất cứ ai khi đến Việt Nam cũng đều biết đến Vovinam Việt Võ Đạo như khi nhắc đến Trung Quốc là nhắc tới Võ Thiếu Lâm vậy”.

Chúc Tuấn sẽ đạt thành tích cao trong giải đấu sắp tới và Việt Võ Đạo sẽ ngày một phát triển.
 
Ly Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm