Giọng nói vùng miền - Rào cản hay bệ phóng?

(Dân trí) - Từ giảng đường bước ra thực tiễn của đời sống và công việc, đa số sinh viên đều băn khoăn về việc làm sao để thành công? Bắt đầu từ đâu? Làm sao phá bỏ rào cản giao tiếp? Có nên lưu giữ bản sắc vùng miền trong khi nói không?...

Bắt đầu từ tập nói

 

“Em rất muốn nói chuyện với người khác nhưng đôi khi lại tự ti về giọng nói của mình. Giọng nói miền Trung của em rất khó nghe. Mỗi khi nói chuyện với người khác rất nhiều người nhìn và không hiểu em nói về điều gì”.

 

Đây là tâm sự của Mỹ Dung, sinh viên Đại học lao động xã hội CS2. Theo Dung giọng nói chính là rào cản giao tiếp của mình với mọi người. Nhiều lúc Dung muốn vượt qua nhưng không biết làm gì để phá bỏ hàng rào này.

 

Giọng nói vùng miền - Rào cản hay bệ phóng? - 1
Hãy hạn chế dùng từ địa phương khi giao tiếp với mọi người.

 

Nghe Dung chia sẻ, bà Hồ Thanh Hương, cố vấn phát triển kinh doanh LSH Group cho rằng, nói về tiếng vùng miền, đúng là giọng miền Trung nặng và hơi khó nghe. Để có thể giao tiếp tốt với mọi người và khiến họ không chú ý đến giọng nói của bạn hãy cố gắng tránh những từ địa phương.

 

Bạn hãy chuyển những từ “chuyên môn” đó thành ngôn ngữ chung nhất có thể. Đặc biệt là bạn hãy tập nói nhẹ và chậm lại bằng cách lấy cuốn sách hay tờ báo và thường xuyên tập đọc chậm Cách làm này vừa tăng vốn từ vừa có thể điều chỉnh giọng nói của mình chậm lại.

 

Ngoài ra mỗi khi nói chuyện với mọi người bạn hay luôn luôn khi nói dừng lại một chút, để xem mọi người có hiểu ko. Mới đầu sẽ cảm thấy khó khăn nhưng sẽ khiến mọi người hiểu chúng ta hơn.

 

Nhắc đến một nhà hùng biện nổi tiếng thế giới đã từng bị nói lắp nhưng với quyết tâm vượt qua đã ra biển, lăn đá và tập nói. Sau đó ông trở thành người hùng biện được nhiều người biết đến. Đây là minh chứng cho sự thật là mỗi người đều có thể vượt qua rào cản của mình, Chủ tịch Trí Tri Corp Lý Trường Chiến nhấn mạnh

 
 
Giọng nói vùng miền - Rào cản hay bệ phóng? - 2
Rất nhiều sinh viên học tại TP HCM đến từ miền Trung.
 

Tuy nhiên theo ông Chiến, dù biết là giọng miền Trung khó nghe nhưng đó cũng là bản sắc của mỗi người. Các bạn không nên gạt bỏ hết mà chỉ cần điều chỉnh lại tốc độ âm điệu và ngôn từ vùng miền.

 

Tôi thấy nhiều bạn nói tiếng anh giọng Huế rất hay, để lại ấn tượng cho người nghe. Hãy cố gắng sao cho người nghe hiểu mình mà vẫn giữ được bản sắc của người miền Trung

 

Tỏ rõ thiện chí hợp tác

 

Để phá bỏ rào cản theo các diễn giả, điều quan trọng hơn hết, nếu bạn cứ co lại trong vỏ ốc của mình thì mọi người sẽ không bao giờ chấp nhận bạn. Phải vượt lên sự tự ti của chính bản thân để thể hiện quan điểm của mình.

 

Hãy luôn có thói quen hỏi lại: mình nói thế các bạn có hiểu không, có cần nhắc lại không? Dần dần, bạn sẽ phá được hàng rào với mọi người

 

Giọng nói vùng miền - Rào cản hay bệ phóng? - 3
Tỏ rõ thiện chí trong giao tiếp bạn sẽ đạt nhiều thành công.

 

Khẳng định về điều này, bà Nguyễn Thi Minh Tâm, giám đốc Công ty tư vấn đào tạo Unity đưa ra một ví dụ, trong một cuộc phóng vấn của công ty, một bạn người miền Trung vừa ngồi vào bàn đã nói ngay: “Thưa chị, em là người miền Trung, giọng nói hơi khó nghe. Nhưng hiện nay, em đang tập và hôm nay sẽ cố gắng nói chậm rãi để chị hiểu”.

 

Bạn này đã gây ấn tượng cho tôi, sau đó bạn đã vượt qua cuộc phỏng vấn một cách dễ dàng. Như vậy, điều quan trọng không phải là khác biệt về giọng nói mà là cách bạn tạo ấn tượng với người khác. Nói cách khác là nếu nhận thấy mình có yếu điểm trong giao tiếp thì hãy thể hiện sao cho ấn tượng với người muốn nói chuyện.

 

Còn ông Huỳnh Minh Quân, tổng giám đốc NhanViet Management Group góp ý thêm: “Giọng địa phương có cản trợ nhưng không kéo bạn lùi bước. Khi đi làm người ta không quan tâm đến giọng nói của các bạn mà quan tâm đến việc truyền tải cái gì mà thôi”.

 

Hoài Lương - Thanh Xuân