Giới trẻ Việt Nam với cơn ghiền mua sắm

Với tiêu đề “Giới trẻ Việt Nam với cơn ghiền mua sắm”, The Straight Times (Singapore) ngày 26/3 đã ghi nhận một hiện tượng đang nổi lên ở giới trẻ Việt Nam: thích tiêu xài hơn là tích lũy. Xin lược dịch bài viết này.

Nguyễn Thị Thu Trà, làm nghề kinh doanh mỹ phẩm, trung bình mỗi tháng cô nhận được một khoản tiền lương khoảng 180 USD, và Trà vẫn thường tiêu xài hết khoản thu nhập đó.

Cô gái 26 tuổi này cho biết: “Tôi là một phụ nữ và tôi cho rằng không cần thiết phải tích cóp vào thời điểm này. Hãy cứ sống đã, tiết kiệm sau - đó là quan điểm của tôi".

Mức lương của Trà là trên mức trung bình so với lương của một công nhân (từ 70 - 80 USD/tháng) nhưng chỉ tương đương với mức thu nhập thấp nhất trong mức lương trung bình từ 100 - 500 USD mà những người trẻ có chuyên môn kiếm được.

Tuy nhiên, điều này không hề ngăn cản cô trước việc mua sắm. “Nếu tôi thấy có một đôi giày đẹp hoặc bộ đồ lót độc đáo nào đó mà tôi thích, tôi sẽ mua chúng. Đó là lý do vì sao mà tôi không thể tiết kiệm được xu nào”, Trà cho biết khi trả lời phóng vấn của phóng viên The Straits Times.

Trà là một trong số 85 triệu công dân Việt Nam có độ tuổi trung bình 24. Và trong số 85 triệu dân này chỉ có khoảng 6% có tài khoản ở ngân hàng.

Việc kinh tế Việt Nam bùng nổ trong những năm qua đã làm nổi lên một thế hệ trẻ giàu có nhưng không quan tâm đến việc tích lũy hoặc thực hiện việc đầu tư dài hạn. Họ muốn được hưởng thụ. Hưởng thụ ngay lập tức.

Thái độ tiêu xài vô tư này hiện đang phát triển mạnh ở giới trẻ, đặc biệt là các đô thị, mặc dù so với các nước trong khu vực, mức thu nhập của giới trẻ Việt Nam vẫn là tương đối thấp.

Trên thực tế, những người trẻ cùng thế hệ với Trà đã lớn lên trong một thời kỳ kinh tế bao cấp đầy khó khăn. Mãi đến giữa những năm 90, một thời gian dài sau khi chính sách đổi mới được thực hiện, ở Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện các sản phẩm thời trang với giá cả phải chăng.

Giờ đây những công dân Việt Nam trẻ tuổi, năng động muốn bù đắp lại cho khoảng thời gian đã qua. Có thể thấy họ "tràn ngập" trong các cửa hàng mua sắm; thích thú với đồ jean, váy bó, đồ trang sức hay các món đồ công nghệ cao thời thượng như laptop, DVD, iPod.

Họ đọc những tạp chí hào nhoáng, thẳng tiến tới các rạp chiếu bóng hiện đại để xem những bộ phim mới nhất và tụ tập đông nghịt tại các vũ trường, quán bar, quán cà phê ở trung tâm thành phố.

Tiên phong trong nhóm này là những phụ nữ trẻ có thu nhập cao. Tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng các cô gái lướt trên đường phố trên những chiếc Piaggio hồng với điện thoại Nokia áp trên tai và hướng tới những cửa hàng với những mẫu thời trang mới nhất.

Tiết kiệm là dành cho những người lạc hậu, bạn sẽ nhận được câu trả lời đó nếu đặt câu hỏi với họ. Cô Nghiêm Thu Hiền, một kế toán ngân hàng 27 tuổi cho biết: “Giới trẻ hiện nay có nhiều tiền hơn và phần lớn họ chi tiêu vào những thứ mà có thể cho thấy họ có phong cách như thế nào. Họ thích thể hiện mình”.

Ham muốn sở hữu những món hàng hiệu đã vượt qua sự cân nhắc về giá cả. Nguyễn Hoàng Hải, 24 tuổi, một kỹ sư làm việc cho một dự án xây dựng tại Hà Nội cho biết: “Tôi tìm kiếm những thương hiệu nổi tiếng và nếu thích tôi sẽ mua. Những người trẻ muốn lối sống của họ được phản ánh bởi những gì mà họ sở hữu, bởi điều đó cho thấy họ thuộc về tầng lớp xã hội nào”.

Và với một nền kinh tế đang phát triển đầy sức sống, giới trẻ Việt Nam tỏ ra không hề lo lắng về việc có thể mất việc làm bởi họ nói họ có thể dễ dàng kiếm được công việc khác. Kết quả là, chuyện nhảy việc đã trở nên khá phổ biến ở những người trẻ, đặc biệt là những người có năng lực chuyên môn và muốn kiếm được nhiều tiền.

Và ngày càng có nhiều người bắt đầu quan tâm đến thị trường chứng khoán đang phát triển khá nóng tại Việt Nam. Năm 2006, thị trường này đã tăng vọt lên tới 145% và tăng gần 50% trong những tháng đầu năm nay.

Bên cạnh việc tiêu xài vào quần áo và các sản phẩm phục vụ đời sống, giới trẻ Việt Nam đã chi khá nhiều tiền vào các chuyến du lịch nước ngoài. Cô Nghiêm Thị Ái Phương của công ty du lịch Saigon Tourist cho biết “số lượng các bạn trẻ du lịch ra nước ngoài đã tăng lên đáng kể và thông thường họ tiêu ít nhất 300 USD cho một chuyến đi”.

Theo T.Sơn
Thanh Niên/Lược dịch theo The Strait Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm