Giới trẻ Trung Quốc tẩy chay hàng hiệu nhập khẩu, chuộng đồ trong nước

Bùi Phương Thảo

(Dân trí) - Khi các thương hiệu xa xỉ phương Tây không còn chỗ đứng trong lòng giới trẻ Trung Quốc thì cũng là lúc hàng hiệu trong nước nắm lấy cơ hội.

Giới trẻ Trung Quốc tẩy chay hàng hiệu nhập khẩu, chuộng đồ trong nước - 1
Một cửa hàng của Li-Ning tại Thượng Hải, Trung Quốc. Thương hiệu nội địa khởi xướng làn sóng "guochao". (Ảnh: Bloomberg)

Xu hướng "Guochao" 

Việc quay lại yêu thích và ưu tiên sử dụng các thương hiệu mang đậm vẻ đẹp và văn hóa dân tộc là một xu hướng thời trang của Gen Z Trung Quốc thời gian gần đây. Xu hướng này được gọi là "guochao" (thường được hiểu là "mốt Trung Quốc"), thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với văn hóa, truyền thống và các thương hiệu nội địa của Trung Quốc.

Thuật ngữ "guochao" xuất hiện lần đầu tiên sau khi thương hiệu đồ thể thao nội địa Li-Ning ra mắt tại Tuần lễ thời trang New York năm 2018. Xu hướng này càng trở nên phổ biến hơn sau Thế vận hội mùa đông được tổ chức ở Trung Quốc vào đầu năm nay, phản ánh sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Giới trẻ Trung Quốc tẩy chay hàng hiệu nhập khẩu, chuộng đồ trong nước - 2
Bộ sưu tập thu đông của Li-Ning tại Tuần lễ thời trang New York năm 2018 (Ảnh: Goldthread)

Tình yêu của giới trẻ Trung Quốc đối với thương hiệu nội địa có thể được nhìn thấy thông qua sự bùng nổ doanh số các sản phẩm văn hóa liên quan đến Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

Giới trẻ Trung Quốc tẩy chay hàng hiệu nhập khẩu, chuộng đồ trong nước - 3
Gấu trúc Bing Dwen Dwen - linh vật Thế vận hội mùa đông 2022 (Ảnh: Baidu)

Wang rất ngạc nhiên vì Thế vận hội đã kết thúc được một thời gian nhưng việc mua chú gấu trúc Bing Dwen Dwen vẫn không hề dễ dàng. "Tôi đã phải xếp hàng hơn một giờ đồng hồ mới có được một chiếc tại một cửa hàng truyền thống", anh nói thêm.

Theo một báo cáo được công bố bởi Baidu (công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc) vào năm 2021, lượng người tiêu dùng truy cập "guochao" đã tăng đến 528% trong thập kỷ qua.

Bloomage Biotechnology, một nhà sản xuất chính của axit hyaluronic - được sử dụng trong chăm sóc da để tạo hiệu ứng căng mọng - ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, đã được hưởng lợi từ xu hướng "guochao" nhờ các sản phẩm son môi theo chủ đề Tử Cấm Thành.

Thương hiệu làm đẹp Florasis có trụ sở tại Hàng Châu đã kết hợp các nghi thức làm đẹp truyền thống và hiện đại của Trung Quốc để tạo ra các sản phẩm được người tiêu dùng trẻ trong nước ưa chuộng.

Giới trẻ Trung Quốc tẩy chay hàng hiệu nhập khẩu, chuộng đồ trong nước - 4
Thỏi son thuộc thương hiệu Florasis (Ảnh: Instagram)

Sự hồi sinh của văn hóa dân tộc

Thị trường quần áo thể thao của Trung Quốc từ lâu đã bị thống trị bởi các thương hiệu nước ngoài như Adidas và Nike. Nhưng sau khi nhiều công ty công bố bày tỏ lo ngại về các cáo buộc bóc lột lao động ở Tân Cương, một khu vực ở tây bắc Trung Quốc nổi tiếng với sản xuất bông, thì các thương hiệu nước ngoài đã không còn chỗ đứng trong lòng người dân Trung Quốc.

Do đó, các thiết kế sáng tạo mang yếu tố văn hóa truyền thống Trung Quốc và các sản phẩm chất lượng cao từ các thương hiệu nội địa như Anta và Li-Ning đã dần chiếm được sự yêu thích của người tiêu dùng trẻ tuổi và chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường quần áo thể thao ở Trung Quốc.

Giới trẻ Trung Quốc tẩy chay hàng hiệu nhập khẩu, chuộng đồ trong nước - 5
Quảng cáo của Florasis, sự kết hợp giữa nghi thức làm đẹp truyền thống và thẩm mỹ hiện đại của Trung Quốc (Ảnh: Florasis Cosmetics)

Số liệu do Anta Sports công bố cho thấy doanh thu năm 2021 của hãng đạt 49,3 tỷ nhân dân tệ (177 nghìn tỷ đồng), tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor, Anta Sports chiếm 16,2% thị phần trong lĩnh vực quần áo và giày thể thao của Trung Quốc vào năm 2021, vượt qua Adidas với 14,8% và tiến gần hơn với người dẫn đầu thị trường Nike với 25,2%.

Nền kinh tế dẫn đầu bởi Gen Z

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy thế hệ Z của Trung Quốc có khoảng 260 triệu người vào năm 2020 và chi tiêu của họ vào khoảng 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 14 triệu tỷ đồng), chiếm 13% tổng chi tiêu hộ gia đình ở Trung Quốc. Thế hệ này được kỳ vọng sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Trung Quốc.

Giới trẻ Trung Quốc tẩy chay hàng hiệu nhập khẩu, chuộng đồ trong nước - 6
Giới trẻ Trung Quốc mua sắm trang sức tại một cửa hàng miễn thuế ở Hải Nam, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Lai Yang, một chuyên gia của Phòng Thương mại Trung Quốc cho biết: "Động lực của giới tiêu dùng đang dần chuyển từ tầng lớp trung lưu sang thế hệ Z".

Wang Gao, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu, cho biết Gen Z của Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến nhu cầu cá nhân của họ và có khả năng mua hàng mạnh mẽ.

Giáo sư Wang nói: "Các công ty Trung Quốc thực sự tôn trọng những nhu cầu riêng biệt của Gen Z và đáp ứng nhu cầu của họ, vì vậy họ có thể giành được trái tim của Gen Z".

Hu Yu, từ Viện Sáng tạo Văn hóa tại Đại học Thanh Hoa, cho biết: "Guochao đã trở thành một động lực mới của tăng trưởng kinh tế".

Theo www.scmp.com