Giới trẻ Trung Quốc đổ xô lập di chúc

Quý Ba

(Dân trí) - "Em muốn đăng ký lập di chúc và để lại toàn bộ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của em cho mẹ. Nếu em đột ngột qua đời, em hi vọng khoản tiền nhỏ đó sẽ an ủi mẹ được phần nào".

Độ tuổi của người đăng ký lập di chúc tại Trung Quốc đang ngày càng trẻ hóa do tác động của đại dịch Covid-19. Theo sách trắng do Ngân hàng Di chúc Trung Quốc công bố hôm 21/3 vừa qua, có hơn 200 người sinh sau năm 2000 đã đăng ký lập di chúc từ năm 2020 đến 2021.

Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Di chúc Trung Quốc, tính đến cuối năm 2021, cơ quan này đã tiếp nhận khoảng 220.000 bản di chúc trong vòng 9 năm kể từ ngày thành lập, và độ tuổi trung bình của người đăng ký lập di chúc giảm từ 77,43 xuống 68,59 tuổi.

Lượng người đăng ký lập di chúc ở Trung Quốc liên tục tăng trong những năm gần đây - tăng 7,7% vào năm 2021 so với năm 2020 và 20,8% so với năm 2019.

Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021, đã có 223 người sinh sau năm 2000 đăng ký lập di chúc, với tài sản để lại chủ yếu là từ tiền gửi ngân hàng và các loại tài sản  ảo. Đa số là sinh viên đại học, độ tuổi từ 18 đến 20 tuổi.

Nhóm các bạn sinh vào những năm 1990 đăng ký lập di chúc cũng tăng lên, theo số liệu từ Ngân hàng Di chúc Trung Quốc. Năm ngoái, đã có 1.204 người đăng ký di chúc nằm trong nhóm tuổi này, tăng 80% so với năm 2019.

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô lập di chúc - 1

Người trẻ lập di chúc ngày càng nhiều (Ảnh: Shine).

Tổng cộng theo thống kê, đã có 71,64% di chúc được đăng ký mới vào năm ngoái, với độ tuổi của người đăng ký là những người sinh vào các năm 1990, tài sản của những người này chủ yếu liên quan đến nhà cửa, chủ yếu là thừa hưởng từ cha, mẹ.

Ngân hàng đăng ký di chúc cũng tiết lộ rằng những tài sản ảo đến từ Alipay, WeChat, QQ hay các tài khoản trò chơi cũng được những người trẻ này đăng ký để lại trong di chúc.

Đại dịch Covid-19 là một phần lý do dẫn tới xu thế trẻ hóa người đăng ký lập di chúc.

Ông Chen Kai - giám đốc ban quản lý Ngân hàng Di chúc Trung Quốc cho biết: "Khảo sát của chúng tôi cho thấy hơn một nửa số người trẻ đăng ký lập di chúc lo lắng về những điều sẽ xảy đến đối với họ, có thể là hôm nay hoặc ngày mai. Vì vậy, họ không muốn có bất kỳ gì hối tiếc bởi đã không làm được gì để lại trước khi chết".

Ông Chen Kai cũng đưa ra một ví dụ trước Tết Nguyên đán 2021, nhân viên của Ngân hàng đã nhận được một cuộc điện thoại đặc biệt từ một cậu bé 16 tuổi muốn đăng ký lập di chúc, để lại toàn bộ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của em cho mẹ.

Cậu bé này nói: "Nếu em đột ngột qua đời, em hy vọng rằng khoản tiền nhỏ đó sẽ an ủi mẹ được phần nào. Mẹ là tất cả của em".

Theo luật pháp Trung Quốc, trẻ từ 16 tuổi trở lên có thu nhập do chính mình tạo ra là đủ điều kiện để lập di chúc.

Nhiều người trẻ chứng kiến các bệnh nhân mắc Covid-19 qua đời trong thời kỳ đại dịch còn nhiều diễn biến phức tạp đã cho biết, nhìn thấy tất cả những điều này, họ không biết điều gì sẽ xảy ra trong một giây tới, một phút tới, hôm nay, hay ngày mai. 

Ông Chen Kai nói thêm: "Xu hướng người trẻ đăng ký lập di chúc phản ánh sự thay đổi phản ứng của con người đối với sự sống và cái chết. Điều đó không có nghĩa là họ quá lo lắng về cái chết nữa, họ có cái nhìn tích cực hơn về trải nghiệm cuộc sống, về quá khứ và tương lai".

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô lập di chúc - 2

Giới trẻ Trung Quốc có xu hướng lập di chúc sớm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo thống kê, đã có 982 bản di chúc được lập vào năm ngoái bởi những người sinh vào những năm 1980, so với số lượng chỉ 73 bản di chúc hồi năm 2017.

Ông Chen Kai nói thêm: "Sự gia tăng số lượng bản di chúc được lập cũng liên quan đến dịch Covid-19, vì những người sinh vào các năm 1980 trở đi hiện là trụ cột gia đình". Hơn 97% số di chúc có tài sản là nhà ở và các loại tài sản tiền gửi, 13% còn lại là cổ phần, cổ phiếu và quỹ, số tài sản này cao hơn các nhóm tuổi khác.

Theo Ngân hàng Di chúc Trung Quốc, nhu cầu đăng ký lập di chúc của những người ly hôn rất lớn, từ tăng 7,53% lên 11,82% trong 5 năm qua.

Một người phụ nữ 42 tuổi họ Ding đến từ Thượng Hải đã đăng ký di chúc để lại ngôi nhà của mình cho con trai: "Để ngăn ngừa rủi ro tài chính do việc ly hôn có thể xảy ra, tôi đã tìm cách cho con tôi thừa kế trực tiếp tài sản thông qua đăng ký di chúc".

Ngân hàng di chúc cũng cho biết một số các cặp vợ chồng cũng đã đăng ký di chúc trong thời gian gia hạn 30 ngày trước khi ly hôn nhằm tránh mất mát tài sản. 

Theo www.shine.cn