Giới trẻ thời nay không còn "xua đuổi" quần áo, túi xách nhái

Việt Trinh

(Dân trí) - Thay vì bỏ một khoản tiền lớn để mua đồ hiệu, người trẻ hiện nay không còn ngại dùng hàng nhái.

Trong nhiều thập kỷ, các hãng thời trang xa xỉ chật vật chống lại hàng nhái (thường được gọi là knock-offs) và hàng giả. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những mặt hàng giả cao cấp - superfake - khiến cho công cuộc này khó khăn hơn bao giờ hết.

Hiện nay, những sản phẩm giả cao cấp được sản xuất y hệt hàng chính hãng, khiến cả các chuyên gia hàng hiệu với nhiều kinh nghiệm cũng khó có thể phân biệt được.

Giới trẻ thời nay không còn xua đuổi quần áo, túi xách nhái - 1
Hàng giả thông thường (bên phải) có chất lượng kém, mức độ hoàn thiện thấp và dễ xuống cấp so với hàng chính hãng (bên trái) (Ảnh: Getty).

Theo SCMP, hàng giả đã tồn tại hơn một thế kỷ. Trong đó, đối tượng khách hàng chính là những người không đủ kinh tế để sở hữu đồ hiệu. Những món đồ này thường được bày bán trên vỉa hè, trong chợ với đường may cẩu thả, chất lượng da kém và nhanh xuống cấp.

Tuy nhiên, hàng giả cao cấp lại ở "tầm cao mới". Những người sản xuất đồ giả - hầu hết đến từ Trung Quốc - ngày càng có nhiều kỹ năng. Họ sao chép thiết kế giống thật đến mức có thể đánh lừa các chuyên gia kiểm chứng đồ hiệu.

Theo New York Times, giống như các thương hiệu thời trang cao cấp, những người sản xuất hàng siêu giả cũng lấy nguồn da từ nhà cung cấp tại Ý. Họ thậm chí bỏ ra số tiền lớn để mua các món đồ hiệu và học cách bắt chước sao cho y hệt.

Bên cạnh đó, thị trường hàng "bản sao" (hay còn gọi là dupe) được chú ý trong thời điểm đại dịch Covid-19 thông qua mạng xã hội và sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử.

Trong đó, những người tiêu dùng Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) lại không ngần ngại khi khoác lên mình những bộ đồ hay các sản phẩm được cho là "bản sao".

Giới trẻ thời nay không còn xua đuổi quần áo, túi xách nhái - 2

Người trẻ thời nay lựa chọn những sản phẩm "bản sao", được làm lại y hệt với các mặt hàng xa xỉ nhưng không đính kèm biểu tượng hay tên của thương hiệu gốc (Ảnh: Bloomberg).

Trái ngược với các thế hệ trước, khi đồ nhái bị coi là cấm kỵ, giới trẻ hiện nay cảm thấy việc mua những sản phẩm này là lựa chọn đúng đắn. Trên mạng xã hội TikTok có đến hàng nghìn video - nơi các bạn trẻ chia sẻ về những sản phẩm "sao y bản chính", từ túi xách, quần áo đến giày dép.

Tuy nhiên, hàng dupe và hàng giả là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Các mặt hàng dupe là có giá thành rẻ hơn, thiết kế tương tự với sản phẩm đồ hiệu, không có logo (biểu tượng) của thương hiệu thời trang gốc, do vậy không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bất kỳ sản phẩm nào sử dụng logo, tên hoặc tài sản trí tuệ của một thương hiệu cao cấp đều bị coi là hàng giả. Bán hàng giả bị coi là hành vi bất hợp pháp ở Mỹ. Tại một số quốc gia như Pháp và Ý, mặc chúng cũng bị coi là trái luật.

Giới trẻ thời nay không còn xua đuổi quần áo, túi xách nhái - 3
Rẻ hơn hàng chính hãng và đắt hơn hàng giả thông thường là đặc điểm của hàng giả cao cấp (Ảnh: AFP).

Mặc dù có giá thành rẻ hơn so với hàng chính hãng, sản phẩm siêu giả lại đắt hơn so với mặt bằng chung của thị trường đồ giả. Giá chính hãng của chiếc túi Birkin huyền thoại đến từ nhà Hermes là 10.000 USD (khoảng 237 triệu đồng), nay được làm giả y hệt với mức giá khá cao 2.000 USD (khoảng 47 triệu đồng).

Hơn nữa, việc mua hàng siêu giả cũng không phải là điều dễ dàng. Người có nhu cầu cần phải biết ai đã mua hàng giả cao cấp, từ đó tiếp tục xin thông tin liên hệ của người bán.

Năm 2020, ngành thời trang mất hơn 50 tỷ USD doanh thu tiềm năng vì hàng giả. Các thương hiệu và nhà phân phối đã đầu tư hàng triệu USD vào việc chống lại hàng giả, nhưng kết quả thu về lại không mấy khả quan.