Giới trẻ thích thú "xài" đài cổ, nghe nhạc đĩa than

Thú chơi loa kèn cổ, đầu đĩa than hay băng cối tưởng chừng chỉ dành cho những người hoài cổ, nhưng giờ đây nó cũng cuốn hút mãnh liệt nhiều người Việt trẻ tuổi.

Đĩa than "hút hồn" giới trẻ

 

Phải hơn hai năm rồi, tôi mới có dịp gặp lại Tuấn - ông chủ quán cà phê Phố Xưa trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội). Chừng ấy thời gian, góc "sành chơi" của ông cũng đã có thêm một vài chiếc băng cối - món đồ quý trong bộ sưu tập của dân chơi âm thanh. Quán cà phê Phố Xưa được bạn bè ông gọi với cái tên khá thú vị "góc Hà thành sành chơi".

 

Bước vào quán, mỗi người sẽ có cảm giác như lạc vào một gia đình thượng lưu theo phong cách Tây Âu những năm 70 của thế kỷ trước, với các loại máy hát, đầu băng cối, vô tuyến cửa lùa national, bàn ghế gỗ, tranh gỗ...

 

Không gian quán chỉ chừng 20m2, nhưng đó là tâm hồn của Phố Xưa nhạc cổ. Ở đây, mỗi người có một suy nghĩ, sự liên tưởng và cảm nhận riêng, nhất là khi khách được nhâm nhi ly cà phê, ngắm nghía những món đồ ấn tượng. Ông Tuấn cười: "Tất cả các đồ tôi sưu tầm đều được phục hồi và sử dụng tốt. Các loại máy hát, đầu CD, âm ly, đầu cối, loa… đều là những thứ cổ xưa".

 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuấn bảo rằng, thú chơi này tưởng chừng chỉ hợp với những người đã ở tuổi "xế chiều". Thế nhưng, thời gian gần đây, giới trẻ lại thích thú với những món "đồ cổ" này.

 

Trước đây, nhiều người lui tới quán thường là những người tuổi trung niên hoặc "sành" về băng cối, máy hát… nhưng giờ quán có nhiều bạn trẻ tìm đến, thậm chí có những cô chiêu, cậu ấm mới chòm chèm tuổi đôi mươi.

 

Ông Tuấn kể rằng, hơn một năm qua, có rất nhiều bạn trẻ tìm đến quán Phố Xưa của ông để được nghe những bản nhạc Trịnh từ đĩa than. Điều thú vị hơn, họ đến đây để được ông bật mí về từng món đồ và thú chơi hoài cổ này. Trong số hàng chục vị khách trẻ hay lui tới nhà ông, Xuân Dĩnh (21 tuổi, nhà ở Đại Từ, Hà Nội) và Thành Thái (Cầu Giấy, Hà Nội) là hai người ông quý mến nhất, bởi họ có chung niềm đam mê, "say" đĩa than giống như ông hồi trẻ.

 

Nhiều bạn trẻ thích nghe nhạc bằng đầu băng cối
 
Nhiều bạn trẻ thích nghe nhạc bằng đầu băng cối

 

Cũng vì thường xuyên lui tới "góc Hà thành sành chơi", Dĩnh và một số người bạn cũng trở nên "nghiện" những âm thanh du dương mà đầu đĩa than mang lại. Đặc biệt hơn cả, Dĩnh không chỉ thường xuyên lui tới quán để được ngắm nghía những món đồ mình thích và nghe một vài bản nhạc Trịnh, Dĩnh cũng đã "tậu" cho mình một chiếc băng  cối, đầu teac.

 

Dù thuộc lớp hậu sinh nhưng Dĩnh chỉ thích đến quán để được nghe thứ âm thanh mộc mạc, trầm lắng, chứ không phải các điệu nhạc theo kiểu "chát xình chát bùm" mà nhiều quán cà phê khác vẫn thường sử dụng.

 

Ông Tuấn hãnh diện: "Giới trẻ cũng… hoài cổ và say mê thứ âm thanh mộc mạc, trầm lắng. Họ bảo nghe những bài hát thu âm theo kiểu Analog thì rõ ràng tiếng hát của ca sĩ "đè" trên nền nhạc và phải là những ca sĩ thực thụ mới có thể thu âm được".

 

Chơi băng cối đối với ông là một thú vui, bởi đó không chỉ là món đồ âm thanh cổ mà còn vì tìm nội dung băng cũng khó. Nhiều người cho rằng, chơi băng cối là chơi thiên về đồ độc, thế nhưng thực sự không phải vậy. Chơi băng cối là hướng về âm thanh Analog mộc mạc của thuở ban đầu, khi giọng hát bao trùm lên nhạc đệm...

 

Ông Tuấn tâm sự, hiện nay dân chơi audio Việt Nam vẫn còn nhiều người thích sưu tầm và nghe băng cối, bởi thực chất âm thanh của băng cối rất mộc mạc, giản dị, nhưng có một bất cập lớn nhất hiện nay là tất cả các giàn máy băng cối đều quá cổ (chủ yếu trên 20 năm tuổi) và không có đồ thay thế. Bởi vì, sợi băng được làm bằng bột từ cho nên nó dễ bị nhiễm từ và ẩm. Vì thế, chơi băng cối dường như chỉ là một cách hoài cổ mà thôi!

 

Đã đam mê thì phải "săn" bằng được!

 

Tiếp chúng tôi bằng những bản nhạc Trịnh được "lọc" qua chiếc đầu đĩa than mà ông Tuấn "cưng" nhất, ông cũng say sưa lắng nghe những giai điệu mà theo ông bây giờ vẫn bản nhạc này, người ta sử dụng các kỹ thuật hiện đại làm ông không thể phân biệt được âm thanh của từng loại nhạc cụ.

 

Ông Tuấn đem khoe mấy đĩa than có từ những năm 1970 với những cái tên vang bóng một thời và mấy đầu đĩa than, đôi loa A.Kai; đôi loa đá màu trắng có xuất xứ từ Nhật… Tất cả những món đồ này ông mua về để phục vụ cho khách đến nghe nhạc.

 

Ông Tuấn quả quyết: "Chơi đĩa than có hai loại: Chuyên nghiệp và nghiệp dư. Song điểm giống nhau là ở chỗ, họ vô cùng đam mê. Tiền chỉ là một phần nhưng nếu không có đam mê thì không thể có thú chơi sang trọng này được".

 

Gia tài đầu băng cối, đầu teac có một không hai của ông khiến người xem nể phục, nhưng người ta càng trân trọng hơn, bởi hơn 30 năm qua, ông lặn lội đi tìm những chiếc băng cối, đầu teac cho bộ sưu tập của mình.

 

Ông bảo: "Từ năm 1975, tôi đã mê những món đồ này, xuất phát từ việc tôi thích nhạc Trịnh đến mê mẩn. Giờ đã có những người trẻ cũng "khoái" nhạc Trịnh, thích chơi đài cổ và đĩa than, khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc…".

 

Ông Tuấn bộc bạch: "Với những tay chơi kỳ cựu, cái tên "teac" không có gì xa lạ. Từ những chiếc đầu chạy băng cối quen thuộc hơn 30 năm về trước cho đến những sản phẩm cao cấp mang thương hiệu Tascam hay Esoteric lừng danh, nhiều năm nay, teac vẫn khẳng định được vị trí của mình trên thị trường thiết bị âm thanh.

 

Theo kinh nghiệm nhiều năm chơi đầu băng cối, ông Tuấn bảo rằng, muốn sưu tầm máy cổ, trước tiên cần tìm hiểu và tham khảo xem thương hiệu nào, model nào phù hợp với sở thích. Hiện nay, có hai dòng máy đang được mua, bán, trao đổi trên thị trường. Đó là những dòng máy được nhập, sử dụng trước năm 1975 và dòng máy mới được nhập vào thị trường vài năm gần đây khi phong trào chơi thịnh hành trở lại. Song, để có được chiếc đầu băng cối cũng không phải là chuyện đơn giản.

 

Hầu hết những loại đầu băng cối là loại cũ, được nhập về từ Nhật Bản - nơi sản xuất những chiếc đầu băng cối mang thương hiệu A.kai, Teac... nổi tiếng thế giới của thế kỷ trước. Những người muốn chơi thường phải đặt hàng từ Nhật Bản hoặc tìm mua lại của người khác với giá khá cao.

 

Dù có đắt đỏ đến mấy, ông Tuấn cũng "nghiến răng" để "tậu" những chiếc đầu quay băng cối có từ những năm 60; 70; 80 của thế kỷ trước; chiếc đầu đọc đĩa than hiệu Sharp, được đặt riêng cho tên gọi "ăn chơi ba món" để "chiêu đãi" bạn bè những bữa tiệc âm nhạc.

 

Ông Tuấn chia sẻ, ngoài đầu đọc, tìm mua băng cối cũng rất kỳ công, bởi chỉ những người sành chơi mới có. Các chương trình của băng cối chủ yếu là những bài hát cũ được thu âm trước năm 1975, nhưng chương trình được nhiều người tìm mua là bộ băng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và của một số nhạc sĩ khác.

 

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những chương trình được sao lại, chứ nếu bộ băng của Trịnh Công Sơn loại gốc, phát hành trong những năm 1970 giá sẽ lên đến vài triệu đồng/băng. Đó là số tiền khá lớn, song vẫn có nhiều người sẵn sàng móc hầu bao…       

 

Theo Ngân Giang

Đời sống & Pháp luật