Tác hại lâu dài của việc người trẻ thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa

Lương Hiền

(Dân trí) - Nhịn ăn, bỏ bữa là tình trạng của các sinh viên đi học xa nhà. Sinh viên bỏ bữa có nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên lý do nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và lâu dần có thể mắc nhiều bệnh.

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống thế hệ người trẻ trở nên bận rộn hơn, kéo theo đó sẽ thay đổi giờ ăn uống, chế độ dinh dưỡng. Ba bữa ăn một ngày trở thành hai bữa, một bữa, thậm chí không ăn. 

Một thực trạng của sinh viên hiện nay là sự chủ quan rằng còn trẻ có nhiều sức khỏe. Việc nhịn một vài bữa họ xem đó là điều bình thường mà không nghĩ đến tác hại lâu dài. Nhịn ăn, bỏ bữa, ăn vặt thay cho bữa ăn chính… lâu dần sẽ trở thành thói quen xấu gây ảnh hưởng đến bản thân người trẻ. 

Lười nấu và thói ăn tạm lấp bụng

Sáng dậy muộn, trưa lười đi chợ, đang dở công việc nhịn luôn bữa chính hay đi làm thêm về muộn và ăn tạm gói mì. Đó là các tình huống mà sinh viên ai cũng gặp phải.

Bạn Nguyễn Thị Hiền Anh, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Đợt này mình cũng đang giảm cân nên chủ yếu ăn hai bữa chính là sáng và trưa. Còn những hôm lười có thể mình sẽ bỏ bữa sáng vì dậy muộn hoặc cũng bỏ bữa trưa vì làm việc quá bữa trưa hoặc do mệt nên không nấu ăn".

Tác hại lâu dài của việc người trẻ thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa - 1

Bạn Nguyễn Thị Hiền Anh chia sẻ về chế độ ăn trong ngày (Ảnh: NVCC).

Lựa chọn duy nhất để sinh viên lấp đầy bụng mỗi khi không nấu ăn là ăn cơm ngoài. Hầu hết các bạn đều đặt những món phù hợp với giá tiền hoặc ăn tại các quán ăn bình dân. Việc lặp đi lặp lại một món ăn cũng phần nào gây chán ngán. 

"Mình cũng hay đặt đồ ăn hoặc ăn mì cho những bữa mà mình lười. Cơm bình dân cũng là sự lựa chọn, mỗi khi lười mình sẽ đi mua đồ ăn thay vì nấu cơm. Cũng có rất nhiều hôm mình nhịn không ăn. Còn tối mình sẽ ăn khoai, trứng hoặc ăn sữa chua với hạt đối với những hôm mình cảm thấy hơi đói", Hiền Anh cho biết thêm. 

Để lấp đầy chiếc bụng đói, mua đồ ăn vặt cũng là một trong những lựa chọn của sinh viên. "Thỉnh thoảng có vài hôm mình bỏ bữa và ăn vặt. Mình hay bỏ ăn vào buổi trưa vì ngủ dậy muộn nên đến chiều hoặc tối mình mới ăn. Những hôm lười nấu thì mình sẽ mua đồ ăn vặt để ăn", bạn Nguyễn Thị Hạnh, sinh viên năm 3, Đại học Thương Mại chia sẻ. 

Nhịn ăn vì tiết kiệm

Đặt đồ ăn là lựa chọn của sinh viên mỗi khi lười nấu. Việc đặt đồ ăn nhiều không thể đảm bảo hơn đồ ăn tự nấu. Bạn Lê Thị Thùy Dung, sinh viên năm 2 tại Đại học Phú Xuân, Huế bày tỏ: "Mình ăn chủ yếu buổi trưa và buổi tối. Nhiều lúc không dám mua đồ ăn sang vì sợ chi tiêu nhiều.

Tác hại lâu dài của việc người trẻ thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa - 2

Lê Thị Thùy Dung, sinh viên năm 2, Đại học Phú Xuân, Huế (Ảnh: NVCC).

Mới vào đại học mình cũng ăn uống nhiều nhưng sau đó tiết chế lại, tiết kiệm hơn, ăn ít hơn và cũng ít mua đồ ăn ngoài nữa. Vì đồ ăn ngoài đắt mà nấu thì lười nên nhiều hôm mình ăn tạm mỗi gói mì. Mình giảm chế độ ăn uống nhưng bù lại cũng tiết kiệm để mua vặt những thứ khác".

Thùy Dung cho biết, bỏ ăn, nhịn ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cô nàng đang cố gắng tự nấu ăn để có bữa ăn đảm bảo và tiết kiệm hơn.

Bỏ bữa ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, lâu dài mắc nhiều bệnh 

Nói về tác hại của việc sinh viên hiện nay ít ăn, bỏ bữa, Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Sinh viên bỏ bữa, ít ăn dẫn đến các bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống sẽ liên quan chủ yếu đến đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản, đại tràng co thắt.

Ảnh hưởng lâu dài liên quan đến chuyển hóa như dễ dàng mắc các bệnh lý mạn tính tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…".

Tác hại lâu dài của việc người trẻ thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa - 3

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: NVCC).

Đánh giá về việc người trẻ hiện nay bỏ bữa, nhịn ăn, bác sĩ Bách cho hay: "Do sự phát triển của xã hội, nhất là ở các thành phố. Người trẻ hiện nay cũng có nhiều áp lực trong công việc, học tập dẫn tới sinh hoạt không điều độ, không có thời gian để nấu ăn vì áp lực cạnh tranh. Ra ngoài ăn thì sẽ không đảm bảo được an toàn thực phẩm hoặc đủ các chất dinh dưỡng.

Tiết kiệm chi phí cũng là một vấn đề khiến các bạn trẻ đưa ra làm lý do. Nếu tiếp tục diễn ra như vậy mà không được truyền thông, giáo dục thì sẽ xảy ra các bệnh lý không đáng có, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống, cũng như tuổi thọ của các bạn". 

Theo bác sĩ Bách, thói quen ăn uống lành mạnh sẽ mang lại nhiều lợi ích để giúp chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Ăn uống tốt giúp giữ gìn được vóc dáng, nhan sắc, giúp xương và răng chắc khỏe, cải thiện trí nhớ và tăng cường tư duy, cải thiện tâm trạng và năng lượng, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái đường…

Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy những người ăn uống không theo thời gian cố định có tỷ lệ béo phì cao hơn so với những người ăn uống đúng giờ. 

"Nấu ăn tại nhà sẽ đảm bảo đủ chất và dinh dưỡng hơn so với sử dụng đồ ăn nhanh. Nhịn ăn cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đồng hồ sinh học của cơ thể gây giảm hiệu suất làm việc. Do vậy, hãy cố gắng ăn uống điều độ và thực hiện trong một khoảng thời gian cố định trong ngày để khỏe mạnh và làm việc hiệu quả", bác sĩ đưa ra lời khuyên.