Giáp Tết thời dịch bệnh, bạn trẻ lo lắng đường về quê lắm gian truân

Diệu An

(Dân trí) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều bạn trẻ lo lắng vấn đề phương tiện đi lại, phòng tránh dịch bệnh, cách ly khi về quê ăn Tết.

Thời gian vừa qua, một số địa phương trong đó có Thanh Hóa, Vĩnh Phúc đã có lời kêu gọi, tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống, học tập, làm việc xa quê tạm thời không trở về quê nhân dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết. Lý do là vì tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành đang diễn biến khó lường, số ca dương tính trong cộng đồng đang có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp.

Giáp Tết thời dịch bệnh, bạn trẻ lo lắng đường về quê lắm gian truân - 1

Càng đến gần dịp Tết Nguyên đán, câu chuyện người dân về quê ăn Tết lại càng trở nên "nóng" hơn khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh: Đỗ Quân).

Đồng thời lo ngại số lượng người đông đảo trở về quê tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống.

Trước tình hình trên, khi ngày Tết đang đến rất gần, nhiều bạn trẻ học tập, làm việc xa quê bày tỏ ý kiến trước thông tin này.

Đường về quê lắm gian truân thời dịch bệnh

Chia sẻ với PV Báo Dân trí, Nguyễn Phương Anh (quê ở Thanh Hóa) cho biết: "Hôm đọc được thông báo, mình cảm thấy có phần tủi thân. Mình phân vân không biết có nên về quê không và nếu ở lại thì mình sẽ ở đâu, ký tiếp hợp đồng thuê nhà thì tình hình kinh tế không thể đáp ứng được

Hơn nữa, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và bản thân mình cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi. Chính vì vậy, mình thấy về quê hay ở lại là quyền lựa chọn của mỗi người, miễn là tuân thủ những biện pháp cách ly y tế, phòng dịch hiệu quả".

Giáp Tết thời dịch bệnh, bạn trẻ lo lắng đường về quê lắm gian truân - 2

Phương Anh lo tình hình dịch bệnh căng thẳng, phương tiện hạn chế đi lại thì không biết làm cách nào để về quê (Ảnh: NVCC).

Phương Anh nói thêm: "Khi về quê, mình chủ động đi khai báo ở phường và tự giác cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, mình và gia đình vẫn tuân thủ 5K và còn trang bị kit xét nghiệm tại nhà nữa. Vậy nên, thời gian tới, mình sẽ chú ý theo dõi sức khỏe sau khi từ Hà Nội trở về để có mùa Tết vui vẻ".

Nguyễn Minh Phương (Bắc Giang) cũng có ý định trở về quê đón Tết nhưng vẫn e ngại về tình hình dịch bệnh khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng. "Ở Bắc Giang, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát nên mình cũng cảm thấy yên tâm phần nào. Nếu nhận được lời vận động không về quê ăn Tết thì mình cũng cảm thấy buồn, nhưng mình sẽ chấp nhận, bởi đây là điều nên làm để giảm bớt sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng là một đóng góp có ích cho xã hội".

Giáp Tết thời dịch bệnh, bạn trẻ lo lắng đường về quê lắm gian truân - 3

"Khi về quê, mình sẽ chủ động tuân thủ nghiêm biện pháp phòng tránh dịch bệnh", Phương nói (Ảnh: NVCC).

Đỗ Quỳnh Anh (20 tuổi, Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm: "Mình cảm thấy nếu bạn khỏe mạnh, gia đình ở nhà khỏe mạnh thì tại sao lại không về quê để đón Tết cùng nhau chứ? Theo mình theo dõi, khi về quê, người dân trên địa bàn mình sống sẽ phải test nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính cũng như cách ly tại nhà 7 ngày".

Gần đây, với tình hình dịch bệnh khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, người dân xa quê trở về hầu hết đều phải cách ly. Có ý kiến rằng, nếu về quê phải cách ly thì về quê làm gì? Cách ly hết thời gian còn đâu Tết nữa? Nhiều người còn than thở rằng Tết năm nay sao mà xa vời quá... Quỳnh Anh nói: "Mình đồng ý là về quê mà phải cách ly tập trung thì rất buồn chán nhưng với mình, Tết là phải ở bên gia đình, dù có phải cách ly thì mình vẫn sẽ về thôi. Nếu được cách ly tại nhà thì cũng chẳng sao hết, miễn là ở bên cạnh gia đình".

Bạn Phương Anh cũng chia sẻ thêm: "Về quê là mong muốn của mỗi người con xa quê, còn cách ly là trách nhiệm và không ngoại trừ bất kỳ ai. Hai việc này không liên quan đến nhau. Hiện nay, mọi người từ vùng khác trở về đều sẽ được cách ly tại nhà nếu như không phát hiện triệu chứng gì. Vậy nên, mình nghĩ, mọi người nên cân đối thời gian về quê để vừa có thể đảm bảo việc cách ly, vừa đảm bảo việc cách ly mà vẫn kịp ngày sum họp với người thân".

Tết là dịp "đi để trở về" của mỗi người

Tết Nguyên đán đang đến rất gần, rất nhiều người con xa quê đều mong mỏi được trở về đoàn viên cùng gia đình. Tuy nhiên, vì điều kiện thực tế không cho phép, rất nhiều bạn trẻ quyết định ăn Tết xa nhà.

Minh Phương cho hay cậu sẽ buồn lắm nếu phải ăn Tết xa nhà. "Đối với mình, Tết như một bữa cơm gia đình vậy. 364 bữa cơm khác có thể không ăn nhưng bữa cơm thứ 365 này thì không thể bỏ. Bởi đây là một bữa cơm vô cùng đặc biệt để mọi người trong nhà sum vầy bên nhau, cùng nhìn lại một năm cũ đã qua và chuẩn bị bắt đầu một năm mới với những tiếng cười vang. Chỉ nghĩ tới cảnh đó thôi là mình muốn về quê ngay".

Giáp Tết thời dịch bệnh, bạn trẻ lo lắng đường về quê lắm gian truân - 4

Tết đối với các bạn trẻ có thể giản dị nhưng đầy ắp sự ấm áp, tình yêu thương (Ảnh: Nguyễn Minh Tiến).

"Một năm qua, dịch bệnh căng thẳng, xe liên tỉnh bị cấm, cuộc sống sinh viên xa nhà gặp nhiều khó khăn. Bây giờ mà không được về Tết nữa, mình sẽ buồn lắm. Tết là khoảng thời gian "đi để trở về", là dịp để cả gia đình đông đủ, được gặp lại người thân sau một năm học tập, công tác. Chính vì vậy, Tết luôn quan trọng và ý nghĩa đối với mình. Tuy nhiên, ở thời điểm dịch bệnh, hạn chế gặp gỡ, tụ họp ăn uống đông người nhưng được gặp lại nhau cũng là điều vui rồi", Phương Anh bày tỏ suy nghĩ.

Có thể thấy, Tết không chỉ là một ngày lễ lớn của dân tộc mà còn là những ngày gia đình được đoàn tụ cùng nhau. Quỳnh Anh nói thêm: "Do tính chất công việc của bố mẹ và mình nên thời gian ở bên nhau thực sự không nhiều và những lần gặp nhau đều khá vội. Mình thường tranh thủ thời gian nghỉ để về thăm gia đình. Bởi thế, Tết chính là một dịp mà bản thân mình vô cùng trân trọng".