Khơi dậy khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ: Cần sự quan tâm toàn xã hội

(Dân trí) - Chiều 22/9, Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc họp về Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030".

Dự cuộc họp trực tuyến gồm Bộ GD-ĐT, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và nhiều chuyên gia khác.

Khơi dậy khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ: Cần sự quan tâm toàn xã hội - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) - thường trực Ban soạn thảo - cho biết: Sau buổi họp đầu tiên ngày 20/4, Ban soạn thảo đã triển khai bước tiếp theo xây dựng đề án theo kế hoạch. Qua 4 lần góp ý từ việc xin ý kiến các thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập, bộ phận thường trực đã tổng hợp tiếp thu, thảo luận, tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các đơn vị, báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng trước khi gửi xin ý kiến các địa phương, để hoàn thiện dự thảo lần thứ 5.

Thường trực Ban soạn thảo đã nhận được 62 ý kiến góp ý, trong đó có 16 ý kiến của các Bộ ngành Trung ương, 40 UBND tỉnh, thành phố, 6 cơ sở giáo dục đại học. Trong Dự thảo của Đề án, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là một việc lớn, hệ trọng và lâu dài cho hiện tại và tương lai của đất nước, cần được thực hiện liên tục, xuyên suốt tất cả các cấp học và là một phần của giáo dục suốt đời.

Cần làm rõ tính đặc thù của đề án

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT, các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường học khẳng định tầm quan trọng của Đề án, đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện dự thảo.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, khác với đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020", nhiệm vụ của đề án giai đoạn 2021-2030 là cần làm rõ cụm từ "khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030" cùng với đó là nhiều nội dung, mục đích và yêu cầu.

Đồng quan điểm, GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, cần làm rõ tính đặc thù để đề án trở nên thực tiễn hơn.

"Điều này thể hiện ở việc làm rõ một số khái niệm có trong đề án, đặc biệt là cụm từ "lý tưởng cách mạng của thanh, thiếu niên và nhi đồng". Trên thực tế, một số quan điểm vẫn hiểu lầm "cách mạng" chỉ là việc chiến đấu với kẻ thù. Trong khi đó, bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 cũng chính là cuộc chiến, có sự hy sinh, xả thân… hay ngay trong việc ta sống trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Trước sự biến đổi này, thanh, thiếu niên nhi đồng, hay thậm chí những trẻ nhỏ cũng cần có tinh thần để tiếp cận. Đây chính là vai trò, mục tiêu mà đề án này hướng tới" - bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc phân tích.

Trăn trở tìm giải pháp trọn vẹn

Trong khi đó, TS. Phùng Khắc Bình, chuyên gia độc lập, nhận định, dự thảo công phu và đã có sự tiếp thu ý kiến đến từ lãnh đạo các bộ ngành. Tuy nhiên, chuyên gia vẫn bày tỏ sự băn khoăn khi dự thảo thiếu đi tiêu chí để đánh giá phẩm chất, đạo đức, lý tưởng cách mạng, chính trị, lối sống, và bây giờ có thêm cả khát vọng cống hiến của thanh, thiếu niên, nhi đồng.

"Tôi cho rằng, cần đưa ra những tiêu chí đánh giá cụ thể, bởi nếu không, 5 hay 10 năm nữa, chúng ta vẫn không thể nào đánh giá, nhìn nhận một cách chuẩn xác. Nói như vậy không có nghĩa là hiện tại thiếu hoàn toàn tiêu chí. Trên thực tế, chúng ta vẫn đánh giá dựa trên một số chỉ số như: điểm hạnh kiểm, điểm rèn luyện… nhưng về cơ bản vẫn còn thiếu rất nhiều. Do đó, cần có sự vào cuộc, đầu tư, nghiên cứu thêm", TS. Phùng Khắc Bình nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia, thay vì chi tiết hóa, đề án cần có định hướng hệ giá trị. TS. Phùng Khắc Bình nhấn mạnh sự phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội và địa phương, trong đó, vai trò địa phương cần đậm nét hơn vì đây chính là cơ quan chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, giải pháp, nhiệm vụ cần gắn chặt chẽ với mục tiêu. Do đó, Ban soạn thảo đề án nên rà soát lại trên tinh thần mục tiêu cụ thể, khả thi, không phô trương, hình thức, tập trung vào lợi ích thực của thanh, thiếu niên và nhi đồng.

Tiến sĩ cũng lưu ý, phạm vi của đề án này mở rộng đối với thanh niên - lứa tuổi mà sự đóng góp, cống hiến ở bên ngoài là chính, nhà trường chỉ là giai đoạn đầu tiên. Do đó, để đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030" trở nên khả thi, phù hợp với thực tiễn, những người tham gia soạn thảo cần thay đổi tiêu chí, phương thức tổ chức, tạo điều kiện gắn kết giữa đào tạo nhà trường và ngoài nhà trường.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong nỗ lực hoàn thiện Đề án. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo sau cuộc họp cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, đại diện bộ ngành để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Bộ phận thường trực cần tiếp thu giải trình chọn theo nhóm, hoàn thiện tờ trình thuyết minh Đề án, xem lại một số mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, hiệu quả.

"Tôi khẳng định, đây là đề án khó, lĩnh vực rộng, do đó, đòi hỏi có sự quan tâm của nhiều bộ ngành liên quan. Các ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học tập trung vào nhiều vấn đề, cơ bản đồng ý với nội dung của Đề án này. Tuy nhiên, còn nhiều kỳ vọng mong muốn cần tiếp tục hoàn thiện" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Kiều Phương

Từ khóa: đề án, khát vọng cống hiến, thanh thiếu niên