Gen Z và trào lưu công khai nói xấu sếp cũ trên TikTok

Lê Lan Đức Chung

(Dân trí) - Gen Z đang sử dụng TikTok như một công cụ để chê bai những môi trường làm việc độc hại, cũng là nơi họ đã nghỉ việc, điều mà họ tin là quyền lợi của bản thân.

Khi Vy Nguyen, 26 tuổi, bỏ việc ở một công ty kỹ thuật công trình để bảo vệ sức khỏe tinh thần vào tháng 5/2021, cô đã làm một việc giống như nhiều bạn trẻ khác: đăng lên Tiktok.

Vy Nguyen đã chia sẻ một đoạn video với nội dung "bỏ việc mà không có dự định tương lai" và hùng hồn tuyên bố "Cứ cho là tôi bị điên đi, nhưng ít ra tôi cũng được tự do." Sau đó, đoạn video này đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem trên TikTok.

Gen Z và trào lưu công khai nói xấu sếp cũ trên TikTok - 1

Vy Nguyen là một trong nhiều bạn trẻ chia sẻ câu chuyện thất nghiệp của bản thân lên TikTok (Ảnh: Vy Nguyen).

Trong một bài đăng tải khác, Vy Nguyen chia sẻ: "Sếp tôi đã phải tuyển thêm 2 người để thế chỗ tôi đấy. Vì thế, tôi nghĩ đáng ra trước đây mình phải được trả lương gấp đôi chứ nhỉ."

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, tỉ lệ người Mỹ tự ý bỏ việc đã đạt đỉnh 3% trong năm 2021. Chỉ trong tháng 8/2021, đã có khoảng 4,3 triệu lao động Mỹ bỏ việc. Đây được gọi là hiện tượng "Đại Khủng hoảng Lao động", và con số này được dự báo sẽ còn tăng thêm nữa.

Thế hệ Y và thế hệ Z đang đăng tải lên TikTok những đoạn video phê phán môi trường làm việc độc hại, tôn vinh những lá đơn từ chức, đếm ngược ngày thất nghiệp. Trào lưu này (#QuitToker) đã có hơn 573.000 bài đăng trên TikTok, và những người tạo ra trào lưu này không chút mảy may về việc có thể gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng trong tương lai.

Gen Z và trào lưu công khai nói xấu sếp cũ trên TikTok - 2

Gabby Ianniello đã bỏ việc vào tháng 1/2021 do quá mệt mỏi với việc phải làm thêm giờ (Ảnh: Gabby Ianniello).

Vy Nguyễn chia sẻ: "Nếu một công ty ưu tiên chọn lợi nhuận thay vì sức khỏe của nhân viên như tôi, thì tôi sẽ không làm cho họ". Vy Nguyen thừa nhận rằng bản thân có chút ngần ngại trước khi đăng câu chuyện bỏ việc của mình lên mạng. Hiện cô đã mở một văn phòng marketing riêng.

"Tôi thấy bỏ một công việc bạn không thích là điều hết sức bình thường", Vy Nguyen chia sẻ.

Gabby Ianniello, một chuyên viên tư vấn bất động sản cũng không chút do dự khi lên mạng chỉ trích cuộc sống văn phòng: "Các nhà tuyển dụng nên hiểu rằng chúng tôi cũng là con người, mà con người không phải lúc nào cũng ngọt ngào và cam chịu được".

Sau khi rời bỏ công việc không hạnh phúc đã làm trong 6 năm, Iannello tự mở một văn phòng tư vấn kinh doanh, tuyển dụng những người trong độ tuổi 20 người cũng đã chán ngán sự khắc nghiệt của công việc văn phòng nhàm chán.

Với biệt danh TheCorporateQuitter, cô đã đăng tải các bài viết phản đối văn hóa làm việc mệt mỏi, khuyên nhủ người xem: "Các bạn có quyền nhảy việc, các bạn cũng chẳng nợ công ty mà các bạn đang làm" và "tìm được sự hạnh phúc cho bản thân mới là định nghĩa của thành công".

Gen Z và trào lưu công khai nói xấu sếp cũ trên TikTok - 3

Elena Mosaner, một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, khuyên các bạn trẻ không nên chia sẻ việc mình bỏ việc hoặc mất việc lên mạng vì nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp tương lai (Ảnh: NY Post/Guzel Khos).

Nhiều chuyên gia cảnh báo các nhà tuyển dụng không nên đồng cảm với trào lưu này. Theo chia sẻ của một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Elena Mosaner tại Hoa Kỳ: "Mất việc, bỏ việc, nhảy việc không giúp bạn được đánh giá cao. Các nhà tuyển dụng không thích thấy những việc đó được công khai trên mạng đâu. Chúng chỉ cho thấy bạn là một người thiếu chuyên nghiệp."

Tuy nhiên, một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp khác lại đưa ra ý kiến ngược lại. Người này cho rằng các nhà tuyển dụng nên làm quen với điều này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm lu mờ ranh giới giữa không gian làm việc chuyên nghiệp và cá nhân. Mặc khác, người này đồng ý những nhân viên trẻ tuổi không nên chỉ đích danh tên nhà tuyển dụng.

Ianniello chia sẻ: "Văn hóa làm việc này không phải là sai hoàn toàn, nhưng nó đã bị biến tướng và khiến nhiều chủ doanh nghiệp coi trọng lợi nhuận hơn con người."

Theo nypost.com