Gen Z quản lí tài chính cá nhân: Tưởng dễ mà hóa ra cũng "đau đầu"

Bùi Lê Trang Nhung

(Dân trí) - Chuyện chi tiêu sao cho hợp lý để cuối tháng không bị "rỗng túi" vẫn luôn là chủ đề được các bạn trẻ hết sức quan tâm.

"Ăn chắc mặc bền" hay "Ăn ngon mặc đẹp", tiết kiệm từng đồng từng cắc, hay cứ sống theo phong cách YOLO (You Only Live Once - "Ta chỉ sống duy nhất một lần trên đời") rất có thể từng là trăn trở của rất nhiều bạn trẻ khi mà đồng tiền hiện nay đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống.

Thêm vào đó, nhu cầu chi tiêu ngày càng đa dạng hơn trong khi vật giá ngày càng leo thang cũng gây ra rất nhiều khó khăn, cản trở đối với các bạn học sinh, sinh viên đang loay hoay với khoản ngân sách của chính bản thân.

Vậy thực hư về việc không có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân cụ thể sẽ dẫn đến những ảnh hưởng thế nào? Hãy cùng xem thử những trường hợp sau và ngẫm xem liệu bạn đã từng rơi vào một trong số tình huống "oái oăm" như vậy bao giờ chưa?

Nguy cơ cao đối mặt với khủng hoảng tài chính

Đây là vấn đề mà các bạn trẻ rất dễ dàng gặp phải khi không lập ra ngân sách cố định cho từng khoản chi tiêu như tiền ăn, tiền điện, tiền nước,… Hậu quả có thể dẫn đến tình trạng "không một xu dính túi", tiêu quá lố và không có khả năng thanh toán số tiền mình cần phải trả. Điều này cũng vô tình gây ra những ảnh hưởng không nhỏ không chỉ bản thân phải đối mặt mà còn khiến gia đình khốn đốn theo.

Khả năng mắc phải chiêu trò của những kẻ lừa đảo

Từ hệ lụy của việc tiêu xài vô tội vạ, một số đối tượng đã lợi dụng điều này và đánh trực diện vào tâm lý muốn kiếm tiền thật dễ dàng, thật nhanh chóng nhằm kéo những bạn còn đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên, chưa có nhiều nhận thức và hiểu biết để đề phòng tránh bản thân với các chiêu trò lừa đảo phức tạp và hết sức tinh vi.

Thoạt đầu, những người này sẽ bị chúng dụ vào một số công việc mang vỏ bọc "đầu tư ít nhưng sinh lời nhiều" như việc góp vốn đầu tư đất đai, cá độ,…

Sau một thời gian khi lấy được lòng tin bằng việc trả một khoản lãi nhất định, chúng tiếp tục dụ dỗ những bạn nhẹ dạ vay nóng, cầm cố các sản phẩm có giá trị, mượn tiền bạc của những người thân thiết…

Khi "con mồi" cắn câu và nhận thấy có dấu hiệu không thể lợi dụng người này được nữa, các đối tượng sẽ lập tức bỏ trốn, cắt đứt liên lạc và cuỗm theo toàn bộ số tiền của những người đã vô hình chung tiếp tay cho chúng. Hầu hết các trường hợp đó khi trình báo lên cơ quan chức năng thì đối tượng đã "cao chạy xa bay", nhiều người còn mất trắng và gánh theo một khoản nợ khổng lồ, trở thành gánh nặng cho gia đình, có nguy cơ mất sạch danh dự, uy tín của bản thân.

Khó khăn khi phải tự giải quyết vấn đề trong tương lai

Nếu như không có một khoản tiền tiết kiệm, khi về già, nhiều người khó có thể chăm sóc bản thân một cách tốt nhất, chi trả cho các dịch vụ tiện ích hay thuốc men.

Mặt khác, khi không có khoản tiết kiệm mà gặp phải các vấn đề cấp bách liên quan tới tiền nong sẽ vô cùng khó khăn và cập rập, thậm chí hoàn toàn có thể bị rơi vào thế bí, đường cùng và không có cách nào khác ngoài việc sử dụng những hình thức vay mượn không chính thống.

Do đó, để tránh gặp phải những tình huống không ngờ tới trong lúc khốn khó, chúng ta cần phải cẩn thận xây dựng và vạch ra kế hoạch chi tiêu "tiết kiệm nhưng không bủn xỉn" ngay từ lúc ban đầu. Dưới đây là một số giải pháp được chắt lọc từ những đóng góp, ý kiến của các chuyên gia tài chính với thâm niên lâu năm và kinh nghiệm hỗ trợ về vấn đề này.

1. Lập riêng quỹ cho từng khoản chi tiêu 

Tuy nghe có vẻ hơi nhàm chán và dài dòng nhưng thực tế cho thấy đa số học sinh, sinh viên vẫn có phần e dè trước việc phải phân tích xem tiền của họ thực sự được tiêu vào đâu. 

Gen Z quản lí tài chính cá nhân: Tưởng dễ mà hóa ra cũng đau đầu - 1

việc lập quỹ riêng cho từng khoản chi tiêu một chính là bước khởi đầu tốt nhất có thể làm để tiết kiệm tiền (Ảnh minh họa: VectorStock).

Ngoài cách thông dụng bấy lâu, như ghi chú vào sổ, nhờ vào sự phát triển của khoa học - kỹ thuật ngày một trở nên tiên tiến và hiện đại hơn thì một số nhà sáng lập đã thành công tạo ra các app trên điện thoại, máy tính sở hữu có tính năng ghi chép, tính toán khoản chi tiêu phục vụ cho nhu cầu của người sử dụng, đảm bảo ngân sách không bị quá lố cũng như cảnh báo người dùng khi mức chi tiêu vượt khỏi tầm kiểm soát.

2. Tìm những chế độ ưu đãi áp dụng cho học sinh, sinh viên

Một trong những lợi ích tốt nhất khi còn là học sinh, sinh viên chắc chắn không thể không kể đến các khoản giảm giá dành riêng. 

Gen Z quản lí tài chính cá nhân: Tưởng dễ mà hóa ra cũng đau đầu - 2

Với việc là học sinh, sinh viên, bạn có thể được áp dụng ưu đãi từ hầu hết mọi thứ, từ việc mua quần áo, đồ ăn cho đến xem phim, thẻ xe buýt... (Ảnh minh họa: VectorStock)

Khi sử dụng một dịch vụ nào đó, hãy kiểm tra xem có chương trình giảm giá dành cho học sinh, sinh viên hay không. Ngay cả khi không thấy thông tin được niêm yết công khai rõ ràng, bạn cũng nên mạnh dạn hỏi nhân viên về các chính sách giảm giá, chương trình ưu đãi. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản nhất định.

3. Sử dụng các trang web để so sánh, lựa chọn mua sản phẩm

Internet chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc tiết kiệm chi phí. Hiện có rất nhiều trang web lập ra nhằm mục đích so sánh giá cả, hỗ trợ người tiêu dùng mua được sản phẩm, dịch vụ với giá tốt nhất. 

4. Có "khoảng dừng" trước khi ra quyết định 

Gen Z quản lí tài chính cá nhân: Tưởng dễ mà hóa ra cũng đau đầu - 3

Dường như việc mua hàng hấp tấp trong khi bản thân chưa thực sự cần tới là điều mà ai cũng từng một lần mắc phải (Ảnh minh họa: VectorStock).

Để tránh việc mua sắm vô tội vạ, cần có một số nguyên tắc. Một trong số đó là hãy suy nghĩ kỹ càng, chủ động tạo một "khoảng nghỉ" trước khi chốt mua món đồ bất kì. Tiếp tục để sản phẩm một vài ngày trong giỏ hàng, trong thời gian này, nếu thấy việc thiếu nó thực sự gây bất tiện cho cuộc sống thì rất có thể đó là một món hàng thiết yếu, nên mua.

5. Tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất

Bằng cách cắt giảm việc sử dụng điện và nước, bạn vừa có thể tiết kiệm tiền đồng thời bảo vệ môi trường của hiện tại và cho thế hệ mai sau. Không cần phải nghĩ tới những cách thức tiết kiệm phức tạp mà có thể bắt đầu từ ngay những việc rất đơn giản như luôn đảm bảo đèn tắt vào ban ngày, những thứ như TV không được bật khi không có ai ở nhà, tủ lạnh đóng kín, vòi nước khóa cẩn thận không để bị rò nước,…

6. Trao đổi vật phẩm với người xung quanh

Nếu bạn đang tìm kiếm sách giáo khoa, xe đạp, chiếc điện thoại hoặc bất kỳ vật dụng nào đó để phục vụ cho nhu cầu của bản thân thì tại sao không xem xét tới việc trao đổi giữa những người có mong muốn và sở hữu vật đối phương đang cần? Hoạt động này thực tế cũng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và có thể tạo ra một mối quan hệ không tồi cho cả hai. Mọi đối tượng đều có thể dễ dàng tìm tới nhau từ những thông tin vật muốn trao đổi ở trên mạng, thông qua bạn bè hoặc người thân.

7. Du lịch khôn ngoan

Một vài trường hợp đi du lịch mà không tìm hiểu trước giá cả cho phương tiện đi lại, ăn uống, vé của các cơ sở giải trí,… sẽ rất dễ bị "hố", chi trả nhiều hơn mức bình thường, dẫn tới kết quả của chuyến đi không được như kì vọng và ngân sách dùng vào việc du lịch cũng chạm đến một con số không hề lường trước.

Gen Z quản lí tài chính cá nhân: Tưởng dễ mà hóa ra cũng đau đầu - 4

Nên liệt kê tất cả các khoản phải chi ra một cách cụ thể nhất để tiết kiệm càng nhiều càng tốt, tránh tiêu xài hoang phí khi đi du lịch (Ảnh minh họa: VectorStock).

Mặt khác, hãy luôn đảm bảo rằng bạn đang tận dụng mọi ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên và đặt vé trước để tiết kiệm một cách tốt nhất. Trong tình huống đi du lịch đường dài, hãy đảm bảo rằng đã kiểm tra tất cả các lựa chọn có sẵn cho mình, thay vì chỉ chọn bừa lựa chọn đầu tiên bạn bắt gặp.

Theo www.irishexaminer.com