Gen Z phản ứng ra sao khi gia đình người yêu nhờ rửa bát, quét nhà?

Nguyễn Hải Anh

(Dân trí) - Câu chuyện một cô gái về ra mắt nhà người yêu bỗng nhận được sự quan tâm của cư dân mạng khi những trải nghiệm "nhớ đời" của cô được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Theo những chia sẻ của cô gái, vào ngày đầu tiên sau khi ra mắt nhà người yêu, thay vì được đón tiếp chu đáo, cô đã phải vào bếp và làm vô số việc mà người yêu và gia đình người yêu sai bảo. Không dừng lại ở việc quét nhà, rửa bát, cô gái cho biết mình thậm chí còn phải gỡ xương cá cho người yêu và cả bố của anh chỉ vì được mẹ người yêu "nhờ".

Gen Z phản ứng ra sao khi gia đình người yêu nhờ rửa bát, quét nhà? - 1
Cô gái tỏ rõ thái độ tức giận với người yêu và nói rằng nhất quyết sẽ không về làm dâu nhà chàng trai này nữa. (Nguồn Ảnh chụp màn hình).

Một số cư dân mạng cũng đồng tình với quan điểm của cô gái, họ cho rằng cô nên "quay xe" ngay khi còn có thể và chấm dứt mối quan hệ yêu đương với anh người yêu trong câu chuyện.

Gen Z phản ứng ra sao khi gia đình người yêu nhờ rửa bát, quét nhà? - 2
Cư dân mạng để lại nhiều bình luận ủng hộ quyết định của cô gái trong câu chuyện trên (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Rửa bát, quét nhà là chuyện bình thường mà ai cũng có thể làm

Chia sẻ với Dân trí, Nguyễn Hồng Loan (sinh viên trường Đại học Ngoại thương) cho rằng việc bố mẹ người yêu nhờ mình làm một số việc vặt trong nhà cũng là chuyện bình thường và hoàn toàn có thể hiểu được.

"Mình thấy yêu cầu của bố mẹ người yêu bạn nữ trong câu chuyện này cũng không phải điều gì quá khó làm cả, chỉ có điều là cách thể hiện của hai bác có lẽ chưa phù hợp khiến bạn nữ cảm thấy không thoải mái. Vì mình nghĩ không chỉ đến nhà người yêu mà ngay khi ở nhà, những công việc như rửa bát, quét nhà là việc mà chắc chắn ai cũng phải làm được rồi", Hồng Loan cho biết.

Gen Z phản ứng ra sao khi gia đình người yêu nhờ rửa bát, quét nhà? - 3
Hồng Loan cho rằng rửa bát, quét nhà là việc rất đơn giản mà mọi người hoàn toàn có thể làm được (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, Tạ Phương Anh (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) lại có quan điểm khác về vấn đề này.

Phương Anh bày tỏ: "Có thể bố mẹ bạn nam trong câu chuyện kia coi bạn nữ như con dâu trong nhà nên vô tư nhờ bạn ấy làm việc vặt, cũng không có sự tiếp đón trang trọng nhưng nếu đó là mình thì mình không thích bị đối xử như vậy và cảm thấy không được tôn trọng cho lắm. Vì dù sau này có trở thành con dâu trong nhà thì bây giờ mình cũng vẫn là khách lần đầu đến chơi nhà, vẫn muốn được chào đón lịch sự, chỉn chu".

Gen Z phản ứng ra sao khi gia đình người yêu nhờ rửa bát, quét nhà? - 4
Phương Anh cảm thấy không được tôn trọng nếu như lần đầu tới nhà người yêu cũng bị "sai vặt" quá nhiều giống như cô gái trong câu chuyện trên (Ảnh: NVCC).

Cách ứng xử "mất điểm" của bạn trai

Theo Nguyễn Ngọc Đạt (20 tuổi), vấn đề mấu chốt nằm ở cách ứng xử có phần "kém tinh tế" của bạn nam trong câu chuyện trên. Ngọc Đạt cho rằng, lỗi lớn nhất thuộc về phía bạn nam khi đã không chủ động nói với người yêu mình về nề nếp, thói quen sinh hoạt của gia đình mình, khiến cho người yêu sau khi về ra mắt cảm thấy bàng hoàng và có phần phẫn nộ.

Gen Z phản ứng ra sao khi gia đình người yêu nhờ rửa bát, quét nhà? - 5

"Mình nghĩ cô gái nào cũng sẽ tức giận khi người yêu mình như vậy, không những không nói trước về thói quen sinh hoạt của gia đình mà còn ngồi chơi và để bạn gái mình phải làm việc nhà một mình nữa", Ngọc Đạt bày tỏ quan điểm (Ảnh: NVCC).

Đồng quan điểm với Ngọc Đạt, Nguyễn Trung Kiên (20 tuổi) chia sẻ: "Nếu có người yêu để dẫn về nhà ra mắt bố mẹ thì mình sẽ là người đồng hành cùng cô ấy ngay từ những việc nhỏ nhất. Ví dụ như quét sân hay rửa bát thì mình cũng sẽ không để người yêu mình phải làm ngay khi vừa mới tới nhà vì con gái không ai thích như thế cả".

Đặt mình vào cương vị của bạn nam trong câu chuyện, Hồng Loan thấy người con trai nên đóng vai trò là "cầu nối" giúp gắn kết bạn gái và gia đình mình. Cô cho rằng, bạn trai phải là người chủ động giới thiệu bạn gái với bố mẹ mình khi mới tới chơi nhà và cũng nên là người gợi mở ra nhiều câu chuyện hơn, giúp bố mẹ có thể biết rõ hơn về người con gái mà con trai mình đang tìm hiểu.

Cư xử đúng đắn khi lần đầu ra mắt nhà người yêu

Cả Phương Anh, Trung Kiên, Hồng Loan và Ngọc Đạt đều đồng quan điểm rằng, khi tới ra mắt gia đình người yêu cần giữ thái độ lễ phép và chủ động quan sát thói quen sinh hoạt của gia đình người yêu để bản thân không cảm thấy bị lạc lõng và ngại ngùng trước mọi người.

"Mình nghĩ là dù gặp ai hay ở đâu thì cũng vậy thôi, chúng ta nên ăn nói lịch sự, lễ phép. Đừng chỉ để người lớn hỏi chuyện và mình ngồi đáp lại như cái máy mà hãy chủ động hỏi thăm họ, đó cũng như một cách trao đổi thông tin vậy", Kiên chia sẻ về trải nghiệm của mình.

Gen Z phản ứng ra sao khi gia đình người yêu nhờ rửa bát, quét nhà? - 6
Kiên nghĩ mình nên chủ động quan sát và xắn tay tham gia vào các công việc cùng gia đình người yêu thay vì để họ nhờ mình trước (Ảnh: NVCC).

Ngọc Đạt cho rằng muốn "ăn điểm" trong mắt người lớn cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo: "Trước khi đến nhà người yêu mình nghĩ là nên hỏi đối phương trước xem ngày hôm đó có giỗ hay sự kiện nào của gia đình không, nếu có thì mình nên chuẩn bị những gì và thời gian ra sao để có thể sắp xếp về sớm chuẩn bị cỗ cùng cả nhà".

Ngoài ra, Phương Anh muốn nhấn mạnh rằng, mỗi người đều mong bản thân sẽ có sự thể hiện thật tốt khi ra mắt nhà người yêu nhưng cũng không nên quá nhiệt tình và biến mọi thứ thành việc của nhà mình bởi "cái gì quá cũng không tốt".

Có thể thấy, đa phần các bạn trẻ đều rất sẵn sàng tham gia làm việc nhà hay thậm chí là giúp đỡ gia đình người yêu mỗi khi cần nhưng đó là khi họ cũng nhận được tình cảm và sự tôn trọng nhất định đến từ phía nhà người yêu dành cho mình.

Bạn có ý kiến ra sao về vấn đề này, hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận nhé!