Gen Z cảm nhận trái chiều về phim "Chuyện ma gần nhà"

Phùng Quyên

(Dân trí) - Phim "Chuyện ma gần nhà" đã khuấy đảo phòng vé trong nước sau hơn 9 tháng tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh. Tuy nhiên, tác phẩm này vẫn còn vướng nhiều tranh cãi về chất lượng.

Cú hit lớn của điện ảnh Việt

Sau thành công của "Bắc kim thang", "Rừng thế mạng", đạo diễn Trần Hữu Tấn tiếp tục cho ra mắt tác phẩm điện ảnh thứ ba - "Chuyện ma gần nhà", dựa trên những truyền thuyết đô thị quen thuộc ở Việt Nam.

Trong làng phim kinh dị Việt, hiếm thấy tác phẩm nào được xây dựng theo thể loại anthology (hợp tuyển) - phong cách được cho là liên kết tinh thần giữa các nhà làm phim, nhằm mang đến cho người xem cảm giác rợn gáy như đang thực sự hiện diện trong câu chuyện.

Thêm vào đó, hình ảnh trong bộ phim đều là những nhân vật thường thấy, như cô gái trên xe bán nước mía, chú hề,… phần nào gợi lên nỗi sợ của người xem một cách chân thực nhất.

Gen Z cảm nhận trái chiều về phim Chuyện ma gần nhà - 1

Poster phim "Chuyện ma gần nhà" (Ảnh: ProductionQ).

Theo Box Office Vietnam, "Chuyện ma gần nhà" thiết lập kỷ lục phòng vé mới kể từ khi giãn cách, với doanh thu cuối tuần trước lên đến gần 50 tỷ đồng.

Gen Z cảm nhận trái chiều về phim Chuyện ma gần nhà - 2

Doanh thu cuối tuần của "Chuyện ma gần nhà" (Nguồn: Box Office Vietnam)

Không những vậy, "đứa con tinh thần" của đạo diễn Trần Hữu Tấn có lượng suất chiếu cùng lượng vé bán ra áp đảo các đối thủ khác, như "Bẫy ngọt ngào", "Nhà không bán", hay thậm chí là "Người Nhện: Không còn nhà".

Gen Z cảm nhận trái chiều về phim Chuyện ma gần nhà - 3

Số lượng vé đặt trước trên ứng dụng Momo trong ngày 12/2 (Ảnh chụp màn hình).

Danh xưng "phim kinh dị nặng đô nhất màn ảnh Việt" là chiếc áo quá rộng

Dù nhận được khá nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ sau một tuần ra rạp, nhưng "Chuyện ma gần nhà" vẫn gây tranh cãi về nội dung phim còn nhạt nhòa, chưa xứng đáng với danh xưng "phim kinh dị nặng đô" và nhiều phản hồi tiêu cực khác từ khán giả.

Đặng Thúy, sinh viên năm tư trường Đại học Thủy Lợi, chia sẻ rằng, rất háo hức được xem bộ phim kinh dị này. Tuy nhiên, sau khi "đèn sáng", cô bạn tỏ ra khá hụt hẫng vì nội dung phim chưa thỏa mãn. "Mình cảm thấy cốt truyện khá thú vị vì dựa trên truyện ma có thật. Nhưng các tình tiết trong phim còn rời rạc, chưa liên kết chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, mình cho rằng đạo diễn hơi "tham" khi cùng lúc ôm quá nhiều câu chuyện mà chưa đi sâu khai thác triệt để".

Cô bạn chia sẻ thêm rằng nhà sản xuất đã quá lạm dụng âm lượng lớn khiến khán giả giật mình, thay vì các phân đoạn kinh dị trong phim.

Gen Z cảm nhận trái chiều về phim Chuyện ma gần nhà - 4

Đặng Thúy cho rằng "Chuyện ma gần nhà" không thực sự nặng đô như những lời khen trên mạng xã hội (Ảnh: Phùng Quyên).

Bên cạnh những hụt hẫng về cốt truyện lỏng lẻo, Đặng Thúy dành lời khen cho sự diễn xuất chất lượng của dàn diễn viên trong phim, nhất là khung cảnh cô Bích áp trán vào đầu lâu cô Út. "Diễn viên Vân Trang diễn xuất tròn vai, mang đến cảm giác như thức tỉnh của chính bản thân nhân vật sau một chặng đường lang thang vất vưởng nơi trần thế," Đặng Thúy nhận xét.

Trong khi đó, Triệu Ngọc Anh (sinh năm 2000), sinh viên trường Đại học Hà Nội cho rằng, màu sắc của bộ phim đậm chất kinh dị "sáng tối tranh nhau khiến người xem tự tưởng tượng ra nhiều điều đáng sợ". Cũng như Đặng Thúy, Ngọc Anh cho hay ngoài dàn diễn viên trẻ tiềm năng, bộ phim hầu như không để lại quá nhiều ấn tượng do "cách kể chuyện rắc rối, sự liên kết giữa 3 mẩu chuyện bằng bài hát "Đừng bỏ em một mình" là khá mong manh, nhiều chi tiết bị bỏ lửng không được làm sáng tỏ khiến người xem khó hiểu, hụt hẫng".

Nguyễn Hoàng (sinh năm 1999) đưa ra quan điểm: "Trong làng phim Việt, có thể nói "Chuyện ma gần nhà" là một bước tiến mới vì đã khai thác mảng truyền thuyết đô thị rất thú vị, nhưng nếu đem ra so sánh với các đối thủ khác cùng khu vực như Thái Lan, Hồng Kông thì còn khá nhạt nhòa. Hơn thế là lối kể chuyện chưa thực sự ấn tượng, khi xem phim mình dễ dàng đoán trước được diễn biến tiếp theo khiến trải nghiệm xem phim không đủ kinh dị và nặng đô như truyền thông đưa tin. Có lẽ danh xưng "phim kinh dị nặng đô nhất màn ảnh Việt" quá rộng so với bộ phim này."

Hoàng cho biết thêm: "Kỹ xảo bộ phim được đầu tư tương đối tỉ mỉ và chỉnh chu thế nhưng có vẻ đạo diễn quá yêu thích hình tượng ma không đầu nên đưa vào hẳn trong phần 2 và phần 3 khiến hình ảnh phim thiếu đa dạng".

Một bộ phim kinh dị giàu tính nhân văn

Trái ngược với đại đa số ý kiến chê bai "Chuyện ma gần nhà", Hồng Nhung cho rằng bộ phim có nhiều lớp ý nghĩa bí ẩn, thách thức sự suy luận của khán giả.

"Lần đầu xem phim, mình cũng có chung nhận định là phim khó hiểu và chưa thỏa mãn so với mong đợi của mình. Cộng với hiệu ứng từ những bài review trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng lớn đến cách nhìn của mình về bộ phim này", Nhung cho biết.

Gen Z cảm nhận trái chiều về phim Chuyện ma gần nhà - 5

Hồng Nhung dành lời khen về những chi tiết mang đậm chất nhân văn của "Chuyện ma gần nhà" (Ảnh: Phùng Quyên).

Khác với sự khó hiểu, rắc rối trong lần đầu, Hồng Nhung chia sẻ ở lần trải nghiệm thứ 2 với "Chuyện ma gần nhà" là vào lúc 23 giờ - một khoảng thời gian lý tưởng để thách thức độ bạo gan, song do đã từng xem nên cô bạn khá thoải mái. Cũng chính vì vậy, thay vì hồi hộp chờ đợi những phân cảnh giật gân, ám ảnh mà phim mang lại, Hồng Nhung đã có cơ hội nghiền ngẫm những ẩn ý mà đạo diễn lồng ghép trong phim. "Với lần trải nghiệm này, mình cảm thấy điều được nhà sản xuất phim giấu trong 3 mẩu truyện đó là sự cô đơn, điều không một ai muốn đối mặt".

Là một mọt phim chính hiệu, Hồng Nhung có những chia sẻ rất thú vị khi có tới 2 lần theo dõi bộ phim. Theo chia sẻ của cô bạn, ở câu chuyện thứ nhất là nỗi cô đơn của giới văn - nghệ sĩ. Ở mỗi một nghệ sĩ dù có nổi tiếng đến mấy nhưng khi ánh đèn sân khấu vụt tắt, khi tháo bỏ chiếc mặt nạ xinh đẹp xuống, họ phải đối mặt với những xấu xa, ích kỷ của chính bản thân mình. Nhiều người chọn đánh đổi cả tình cảm gia đình, bạn bè thậm chí đạo đức chỉ để níu giữ ánh hào quang leo lắt trước biển nghệ sĩ trẻ đẹp, tài năng. Nhưng rốt cuộc, thứ còn lại duy nhất với họ là bóng đêm và sự thấp thỏm khi phải núp sau hình bóng của người khác.

Sang đến câu chuyện thứ hai, nỗi cô đơn được mở rộng ra với hình ảnh chú hề khi về già bị giày vò bởi những lời hứa, những điều mà ông ta chưa thực hiện được. Ngược với ý kiến của nhiều khán giả cho rằng đạo diễn để nhân vật "mơ đi mơ lại", Hồng Nhung cho rằng những giấc mơ xếp chồng lên nhau phản ánh sự thèm khát được trò chuyện, bầu bạn của nhân vật, khiến ông tự tưởng tượng ra để làm dịu đi sự bơ vơ lúc tuổi xế chiều. Chi tiết bà lão ôm cây đàn violin ngâm nga câu hát "Đừng bỏ em một mình…" gây ám ảnh đối với Nhung rằng: "nó như một lời van nài chứa đầy sự bất lực với hiện tại, với những thứ đã xảy ra trong quá khứ mà con người ta không thể nào sửa chữa được".

Tiếp nối sự cô đơn là câu chuyện về hành trình tìm lại "bản thân" của cô Út, đứa trẻ đáng thương bị bạo hành dã man rồi chết trong cô độc, không người thân, không bạn bè, không được siêu thoát mà cứ luẩn quẩn trong thế giới mà nó tự tạo ra.

Cô nàng Gen Z tiếp tục phân tích: "khi xem phân đoạn cô Bích tìm thấy hài cốt của bản thân giống như khoảnh khắc mà chúng ta tìm thấy chính bản thân mình, là lúc chúng ta nhận ra mình muốn gì và cần phải làm gì để thỏa mãn niềm mong muốn ấy. Theo mình, đây là một trong những phân cảnh sâu sắc nhất của "Chuyện ma gần nhà" vì nó không chỉ dừng lại ở yếu tố kinh dị mà còn mang một thông điệp hết sức ý nghĩa đó là sống đúng với chính mình".

Kết

Một tác phẩm nghệ thuật khi khép lại đều phải đối mặt với những lời khen chê của khán giả. "Chuyện ma gần nhà" có nhiều tranh cãi xoay quanh nội dung phim nhưng không thể phủ nhận sự đổi mới, sáng tạo của đội ngũ sản xuất phim đã đem đến một làn gió mới đối với thể loại phim kinh dị Việt.

Mặt khác, những nhận xét, đánh giá của khán giả nhất là khán giả trẻ không còn dễ dãi mà ngày càng sâu sắc, chuyên nghiệp với nhiều góc nhìn mới, cảm nhận mới. Đây thực sự là điều đáng mừng góp phần xây dựng nền điện ảnh Việt ngày một hoàn thiện.