Gen Y, Gen Z mất ngủ vì không biết tiết kiệm và áp lực tài chính quá lớn
(Dân trí) - Nhiều người trẻ hối tiếc về quyết định chi tiêu của mình. Họ căng thẳng khi bị áp lực tài chính đè nặng.
Khi những người trẻ suy ngẫm về quyết định chi tiêu của mình, họ tràn ngập sự hối tiếc và căng thẳng vì áp lực tài chính đè nặng.
Gần 3/4 số người được khảo sát bởi Bankrate - công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng tại Mỹ - gặp phải sự hối tiếc về tài chính. Trong đó, 60% thế hệ Z (những người sinh năm 1997-2012) và 57% thế hệ Y (những người sinh năm 1980-1996) cảm thấy lo lắng, căng thẳng hơn trong năm nay vì sự bất ổn tài chính.
Hối tiếc vì không tiết kiệm
Đối với thế hệ Y và thế hệ Z, điều hối tiếc lớn nhất về tài chính là không dành đủ tiền cho các chi phí khẩn cấp. Hầu hết họ nghĩ rằng, họ không thể trang trải chi phí cho một tháng tiếp theo nếu bất ngờ mất việc.
Suzanne Schmitt - người đứng đầu bộ phận tư vấn tài chính tại New York Life - nói với Fortune rằng, dự phòng chi phí khẩn cấp từ lâu đã là mục tiêu tài chính được ưu tiên đối với người Mỹ ở mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, những người lao động trẻ tuổi phải vật lộn nhiều hơn để đạt được mục tiêu đó so với những người lao động thế hệ trước. Tài khoản tiết kiệm khẩn cấp của thế hệ X (những người sinh năm 1965-1980) nhiều hơn đáng kể so với thế hệ Y và thế hệ Z bởi thời gian tích lũy kéo dài.
Thế hệ Y đã chật vật trải qua hai cuộc suy thoái - đại dịch và đối mặt với thị trường nhà ở khốc liệt - nên khó có thể dành dụm số tiền lớn. Trên 30% thế hệ Z, những người cũng phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, không có khoản tiết kiệm khẩn cấp nào.
Nhu cầu về quỹ khẩn cấp ngày càng tăng. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, kể từ sau đại dịch, hơn một nửa số người Mỹ cho rằng, quỹ khẩn cấp hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết. Họ sẽ không đủ khả năng chi trả khoản phí khẩn cấp 1.000 USD (24,2 triệu đồng) ngay bây giờ.
Tuy nhiên, đó không phải là sự hối tiếc tài chính duy nhất của thế hệ Y và thế hệ Z. Đối với hai thế hệ này, nợ thẻ tín dụng quá nhiều là điều hối tiếc thứ hai, tiếp theo là gánh quá nhiều nợ thời sinh viên, không tiết kiệm đủ để nghỉ hưu sớm.
Lo lắng đến mất ngủ
Theo kết quả nghiên cứu năm 2023 của Công ty dịch vụ tài chính Northwestern Mutual (Mỹ), tình trạng bất ổn tài chính đang tăng lên với thế hệ Z và đạt đỉnh với thế hệ Y.
Trung bình 36% người Mỹ cho biết, họ lo lắng đến mất ngủ ít nhất một lần mỗi tháng. Tỷ lệ này với thế hệ Z là 44% và thế hệ Y là 53%.
Khoảng 54% người trầm cảm ở thế hệ Y và 47% ở thế hệ Z tiết lộ, lo lắng tài chính là nguyên nhân làm họ trầm cảm.
Charlie Pastor - nhà lập kế hoạch tài chính - nói với Fortune: "Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động xấu đến nền kinh tế khi thế hệ Z bước vào tuổi trưởng thành và thế hệ Y đang nỗ lực khẳng định mình".
Hai thế hệ phải đối mặt với nhiều khó khăn tài chính trong thời gian ngắn và làn sóng thất nghiệp hậu Covid-19. Có trình độ học vấn cao hơn thế hệ trước nhưng Gen Y và Gen Z phải gánh nhiều khoản nợ hơn, không có tài sản tích lũy, không thể mua nhà.
Sự lo lắng và áp lực tài chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất. Các chuyên gia cho rằng, người trẻ nên chia sẻ nhiều hơn với mọi người xung quanh cũng như đối mặt với hiện thực để tìm ra cách thoát khỏi những lo âu.
Sự bất ổn về tài chính trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp tương đối bình thường và tuân theo "vòng cung lo lắng" tự nhiên. Thế hệ trẻ không nên quá áp lực hay căng thẳng.
"Sang đến nửa sau của cuộc đời, khi mọi thứ dần ổn định, mọi người sẽ cảm thấy an toàn hơn với tài chính của mình", Tim Gerend - giám đốc Northwestern Mutual - nói.