Gặp những “hiệp sĩ” tuổi 20

(Dân trí) - Phi thương mại, mục tiêu là vì sự thanh thản và niềm vui cho mọi người, Nguyễn Hữu Tuấn và 8 thành viên nhóm SWS xác định rõ “tư tưởng” khi quyết định lập trang web “<a href="http://nhantimdongdoi.org/?ssoft=1&item=1&sid=">nhantimdongdoi</a>” - một nghĩa cử mà không phải ai sinh ra trong thời bình, ở cái thế hệ mà mọi người vẫn quen gọi là 8X, có thể nghĩ và làm được như vậy.

Hiệp sĩ giữa thời bình

 

Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc văn phòng dự án cổng thương mại điện tử Quốc gia,  phụ trách trang web nhantimdongdoi.org hẹn gặp tôi sau 17h chiều. Tôi ngạc nhiên khi công việc tại văn phòng dự án dù chiếm rất nhiều thời gian nhưng Tuấn vẫn rất tâm huyết với trang web này gần 2 năm qua, Tuấn nói: “Toàn bộ 9 thành viên trong nhóm hiện đều bận công tác nên việc tham gia trang web này đều thực hiện ngoài giờ”.

 

Trả lời câu hỏi về xuất phát điểm của ý tưởng thành lập trang web này, Tuấn cho biết, hình ảnh cựu chiến binh Lê Văn Cam ở Thái Bình hàng ngày đạp xe đến từng gia đình để xác minh, tìm liệt sĩ trong một phóng sự trên truyền hình nhân ngày 27/7 năm 2004 để lại ấn tượng cực kỳ sâu sắc trong lòng 8 chàng trai thuộc thế hệ 8X. Chính vì vậy, họ, những chàng trai trẻ, cựu sinh viên K44 khoa Toán tin (ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội) nhóm họp và quyết định đưa những thông tin liên quan đến liệt sĩ lên mạng.

 

“27/7 truyền hình phát phóng sự, 28/7 cả nhóm họp, ngày 29 đã bắt đầu đi đăng ký mua tên miền, 3 tháng sau, toàn bộ phần thiết kế nội dung và lập trình trang web nhantimdongdoi đã hoàn tất và từ đó, trang web nhantimdongdoi.org ra đời” - Tuấn cho biết. 

 

Sau gần 2 năm hoạt động, nhóm kết nạp thêm một nữ thành viên, người cũng rất tâm huyết với trang web và cũng là “thân nhân liệt sĩ”.

 

Không có kiến thức về báo chí, nhưng bằng lòng nhiệt huyết, nhóm SWS vẫn cho ra đời trang web với nhiều thông tin rất phong phú, hỗ trợ tối đa cho những gia đình có nhu cầu tìm kiếm thông tin về liệt sĩ.

 

Ngay cả tên của trang web, dù đã bỏ ra cả triệu đồng để mua tên miền nhantimdongdoi.com.vn nhưng sau đó, do đuôi “.com” mang tính thương mại, nên cả nhóm quyết định mua tên miền “.org” để khẳng định tính phi thương mại của trang web của mình.

 

Một con số tình cờ trùng lặp nhưng cũng rất ấn tượng về trang web này được Tuấn thông báo: Khi trang web hoạt động được 3 tháng, đã có 3.000 danh sách liệt sĩ được đưa lên mạng trong số 300.000 liệt sĩ vô danh hiện nay.

 

Địa chỉ xoa dịu nỗi đau

 

Gần 2 năm trang web nhantimdongdoi đi vào hoạt động, đã có gần 20 liệt sĩ được “trở về” với gia đình, người thân của mình. Dù thông tin “đầu vào” của trang web hoàn toàn phụ thuộc vào sự đóng góp của các cộng tác viên, các cựu chiến binh và những người còn trăn trở với nỗi đau của những gia đình liệt sĩ, nhưng cũng đã có 3.500 danh sách  liệt sĩ được đăng tải trên trang web này.

 

Tuấn kể về một cộng tác viên, một cựu chiến binh rất nhiệt tình của trang web này, đó là ông Trần Kiến Quốc, ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chính nhờ ông Quốc cung cấp danh sách và những thông tin này được đăng tải trên trang web mà 7/12 liệt sĩ của đoàn tăng E273 hy sinh đêm 29, rạng ngày 30/4/1975 ngay tại cửa ngõ Sài Gòn đã được trở về trong vòng tay ấm áp của quê hương và gia đình.

 

Phần thưởng lớn nhất đối với nhóm SWS là khi gia đình liệt sĩ tìm được thân nhân của mình. Tuấn kể: “Lần đầu tiên một gia đình tìm thấy liệt sĩ thông qua trang web - gia đình liệt sĩ Lê Văn Lưu (Thanh Hóa) -  khiến cả nhóm mừng vô cùng, như vậy là công sức đã mang lại hiệu quả, trang web đã có ý nghĩa thực sự”.

 

Phấn khởi trước hiệu quả mang lại, Tuấn cùng cả nhóm lại tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp trang web, cho ra phiên bản mới với nhiều chuyên mục hơn, dễ tra cứu hơn. Đến thời điểm này, nhantimdongdoi.org đã thay đến 2 phiên bản để phục vụ tốt nhất cho việc truy cập, tìm kiếm thông tin các liệt sĩ.

 

Hàng xấp thư cảm ơn của thân nhân các liệt sĩ, hàng trăm lá thư gửi qua thư điện tử cho nhóm bạn SWS là sự ghi nhận về sự đóng góp đầy ân nghĩa của nhóm bạn trẻ này.

 

Phi thương mại, mục tiêu là vì sự thanh thản và niềm vui cho mọi người, đó là những gì nhóm SWS vẫn tâm niệm. Danh hiệu “hiệp sĩ CNTT” dành cho những thành viên trong nhóm là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp của Nguyễn Hữu Tuấn và cả nhóm SWS.

 

Gần hai năm hoạt động, hiệu quả trang web mang lại đã được ghi nhận. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Tuấn tâm sự: Chúng em muốn có một tổ chức đứng ra bảo trợ vì đến giờ, trang web vẫn chưa có  tư cách pháp nhân (chỉ là một nhóm hoạt động tình nguyện); rồi khó khăn về thông tin, về nhân lực cho việc đi thu thập thông tin từ thực tế…

 

Tuấn cũng cho biết, cả nhóm hiện rất mong có được sự hỗ trợ từ cơ quan có trách nhiệm của Bộ Quốc phòng để giải mã những ký hiệu về phiên hiệu đơn vị và hòm thư của các liệt sĩ để thân nhân liệt sĩ dễ dàng hơn khi tra cứu thông tin về người thân của mình. 

Đức Hòa