Gặp “nhà sưu tập” 9X với bộ sách khổng lồ

(Dân trí) - Từ bao giờ, căn trọ nhỏ của chàng trai 25 tuổi, Lê Duy Trường tại đường Hồ Đắc Di, TP Huế đã trở thành một “kho” sưu tập sách cổ, có giá trị.

Bộ sưu tập với hơn 10.000 đầu sách

Bước vào nơi ở của Lê Duy Trường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi đây cũng chính là “thư viện thu nhỏ” với không gian được trang trí bằng những cuốn sách.

Chỉ mới 25 tuổi nhưng Trường đã sở hữu hơn 10.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau như từ điển, tôn giáo, văn học, tạp chí, lịch sử văn hóa Việt Nam và Huế. Trong đó, từ điển có số lượng nhiều nhất nhưng mất nhiều thời gian nhất lại là tạp chí bởi có nhiều bài viết bình luận tổng thể, chuyên sâu về văn hóa, con người.

Kho sách hơn 10.000 quyển của 9X ham sưu tầm sách cổ - Lê Duy Trường
Kho sách hơn 10.000 quyển của 9X ham sưu tầm sách cổ - Lê Duy Trường

Những cuốn sách lâu đời và có giá trị với nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Hán Nôm xuất hiện trong bộ sưu tập của Trường như: Từ điển Francais-Annamite của Trương Vĩnh Ký (1898), Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn (1967), các Tạp chí Sông Hương, Ngày nay, Huế xưa và nay…

Đối với chủ đề văn hóa lịch sử Việt Nam có: Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh (1938), Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính (1938),... Một số sách văn học như: Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm (1943), Việt Nam văn học giảng bình của Phạm Văn Diêu (1961), tập thơ Ngụ ngôn của người đãng trí của Ngô Kha (1969), Bán buồn mua vui (1954) hay Tiếng hát sông Hương (1972) của tác giả Ưng Bình Thúc Giạ Thị,…

Một số sách cổ quý hiếm của Lê Duy Trường
Một số sách cổ quý hiếm của Lê Duy Trường

Với mong muốn khẳng định tầm quan trọng của sách cũng như nâng cao nét đẹp văn hóa đọc đối với đời sống xã hội, Trường đã phối hợp tổ chức một số triển lãm tại TP Huế vào năm 2016 như “Huế -Trăm năm đời sách” với 300 đầu sách về Huế tại Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị và “Hành trình” với hơn 200 bộ từ điển có giá trị về văn hóa, lịch sử, con người từ cuối thế kỷ 18 tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc bảo quản sách, Trường cho biết: “Vì phòng trọ diện tích không lớn nhưng lại chứa nhiều sách cộng với thời tiết ở Huế mưa nhiều nên mình phải bao bọc sách thật kỹ bằng túi ni-lông và phơi khô lá cây sầu đông kẹp vào sách để tránh bị ẩm mốc, mối mọt”. Có thể ví sách như người bạn tri kỷ, cùng nghỉ ngơi, cùng làm việc trong căn phòng của Trường. Bởi lẽ, bất cứ đâu trong phòng, từ giường ngủ, bàn làm việc, gần gian bếp,… sách đều được chàng trai này sắp xếp gọn gàng trên kệ.

Không gian sưu tầm sách khổng lồ của 9X Lê Duy Trường

Để sách không “chết”…

Điều đặc biệt mà anh ấp ủ từ rất lâu là mở một thư viện cộng đồng nhằm phục vụ sinh viên và các nghiên cứu sinh làm đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, tại đây, sẽ có nhiều hoạt động như trưng bày sách, tọa đàm giao lưu với các học giả. Việc làm này không chỉ thu hút các bạn quan tâm đến sách mà còn lan rộng văn hóa đọc đến cộng đồng.

Trường chia sẻ: “Khi đọc sách, mình cần có phương pháp cụ thể chứ không phải đọc cho vui, giải trí. Hơn nữa, không nhất thiết phải nhớ hết mọi nội dung được thể hiện trong cuốn sách đó mà chỉ cần lưu lại những giá trị thông qua các từ khóa, thông điệp có ích cho bản thân”.

Nhà ở cũng chính là thư viện thu nhỏ của Trường
Nhà ở cũng chính là thư viện thu nhỏ của Trường
Sách là người bạn tri kỷ của nhà sưu tập trẻ
Sách là người bạn tri kỷ của nhà sưu tập trẻ

Trước đây, Trường chưa biết khái niệm sách xưa, sách cổ là gì cho đến khi gặp được những người thầy bởi sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tâm để anh đến với cái duyên cùng sách cổ. Sau 4 năm đại học, anh bắt đầu đi theo con đường sưu tập sách có hệ thống hơn với các chủ đề chuyên sâu.

Tốt nghiệp cử nhân khoa Môi trường (trường Đại học Khoa Học Huế) và làm việc với các dự án liên quan đến môi trường nhưng Trường vẫn giữ đam mê cùng những cuốn sách. Bởi theo anh, việc đọc sách không chỉ thỏa mãn thú vui, sở thích mà còn giúp anh có thêm nhiều kiến thức bổ trợ trong công việc.

Trường cho biết thêm: người sưu tầm sách không nhất thiết phải đọc hết tất cả các cuốn sách mình có mà chỉ cần nắm kiến thức tổng quát để có thể lựa chọn phù hợp với người đọc.

Duy Trường luôn muốn tổ chức các hoạt động triển lãm, giao lưu sách… để sách không bao giờ “chết”. Các hình ảnh tại buổi triển lãm “Hành trình” của Trường tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng. (Ảnh: NVCC)
Duy Trường luôn muốn tổ chức các hoạt động triển lãm, giao lưu sách… để sách không bao giờ “chết”. Các hình ảnh tại buổi triển lãm “Hành trình” của Trường tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng. (Ảnh: NVCC)

Trong quá trình sưu tập sách, Trường tâm sự: “Đôi lúc mình muốn từ bỏ vì không có thời gian, kinh phí lại hạn hẹp và phải lo nhiều công việc khác nhưng nhờ có sự động viên của những người thầy, người bạn nên niềm đam mê với sách vẫn còn “cháy” đến tận bây giờ. Nó như là một “duyên nghiệp” gắn liền với mình dù có khó khăn đến đâu”.

“Đọc sách không phải là nhìn thấy chữ mà phải để những câu chữ đó được “đốt cháy” trong tâm trí khiến mình phải thay đổi cách suy nghĩ và hành động”. Đó cũng chính là thông điệp mà “nhà sưu tập 9x” muốn gửi gắm đến các bạn trẻ với hy vọng cùng giữ gìn những nét đẹp văn hóa đọc trong xã hội hiện đại.

“Đọc sách không phải là nhìn thấy chữ mà phải để những câu chữ đó được “đốt cháy” trong tâm trí khiến mình phải thay đổi suy nghĩ và hành động” – Lê Duy Trường.
“Đọc sách không phải là nhìn thấy chữ mà phải để những câu chữ đó được “đốt cháy” trong tâm trí khiến mình phải thay đổi suy nghĩ và hành động” – Lê Duy Trường.

Q.Nhật – Q.Nga – Đ.Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm