Gặp nhà hùng biện 9X điển trai gặt thành tích “khủng”

(Dân trí) - 19 tuổi, Ngô Di Lân (trường ĐH College Maastricht, Hà Lan) đang là một “thợ săn” thành tích bao gồm hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ, trong đó rất nhiều ngôi “vương” trong các cuộc thi hùng biện đã thuộc về chàng trai có tài ăn nói này.

 

Thông tin nhân vật

 

Họ và tên: Ngô Di Lân

 

Ngày sinh: 7/7/1994

 

Đang học tại University College Maastricht (Hà Lan)

 

Thành tích đạt được:

 

- Học bổng toàn phần Đại học University College Maastricht 2012-2015

- Thí sinh giỏi ngoại giao nhất Hanoi Model United Nations 2013

- Thí sinh xuất sắc nhất Model East Asia Summit 2013

- Thí sinh xuất sắc nhất Vietnam Youth Icon 2013

- Giải 2 cuộc thi hùng biện Novice Leiden Open 2013

- Giải 3 cuộc thi IChallenged 2013 - Hà Nội

- Học sinh giỏi nhất và truyền cảm hứng nhất 2012 tại Kungsholmens Gymnasium Thuỵ Điển

- Thí sinh xuất sắc nhất tại cuộc thi Stockholm Model United Nations 2012

- 1 giải nhất, 2 huy chương đồng, 2 huy chương bạc giải bóng bàn tại Thuỵ Điển (2010-2012)

- Giải VĐV bóng bàn của năm 2011 tại Hammarby IF club-Stockholm - Thuỵ Điển

 

Chàng trai có tài hùng biện

 

Từ khi bắt đầu học cấp 3, Lân đã rất thích thuyết trình và hùng biện trước đám đông. Lần đầu tiên phải thuyết trình ở lớp, khi ngồi chờ đến lượt mình bạn cũng từng run tới mức “lạnh sống lưng” nhưng rồi khi đứng trước mọi người, cái cảm giác run run lo lắng kia hoàn toàn biến mất, Lân bị cuốn hút hoàn toàn vào bài hùng biện. Những lần sau, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

 

Tốt nghiệp phổ thông, Lân chọn Hà Lan để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập, một phần vì lý do tài chính, một phần là vì thành phố Maastricht nơi bạn sinh sống gần như là ở trung tâm của Tây Âu nên đi lại sang các nước xung quanh rất thuận tiện, do vậy việc đi du lịch hay tham gia các cuộc thi tranh luận, hùng biện, hội thảo đều khá dễ dàng.

 

Lân tham dự nhiều cuộc thi hùng biện và luôn “ẵm” về cho mình những giải thưởng khủng: Thí sinh giỏi ngoại giao nhất “Hanoi Model United Nations 2013”, thí sinh xuất sắc nhất “Model East Asia Summit 2013”, giải Nhì cuộc thi hùng biện “Novice Leiden Open 2013”…
 
Ngô Di Lân tại Model East Asia Summit 2013

Ngô Di Lân tại Model East Asia Summit 2013

 

Để chạm tới những thành công ấy, ngoài năng khiếu “giỏi ăn nói” bẩm sinh, chàng sinh viên này phải tự học, thường xuyên nghe các bài diễn văn nổi tiếng, đọc thêm các cuốn sách dạy về hùng biện nhằm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức.

 

Theo Lân, để nói giỏi thì chỉ cần nắm chắc nội dung bài nói của mình và có khả năng tư duy lôgic tốt nhưng để hùng biện giỏi thì còn cần phải chạm được vào trái tim của khán giả. Khi gắn kết được một cách tự nhiên giữa người nói và người nghe thì người nói đôi khi còn trở thành người mang cảm xúc và truyền động lực cho người tiếp nhận.

 

Lân cho rằng điểm khác biệt mấu chốt giữa việc nói trước đám đông và hùng biện trong một cuộc thi là đám đông không phải lúc nào cũng chăm chú lắng nghe, họ cũng không chấm điểm người nói còn BGK của cuộc thi thì khác.

 

Họ sẽ soi xét từng câu nói của thí sinh, có thể còn ghi chép lại lời nói để bắt lỗi rồi dựa vào đó đưa ra đánh giá cuối cùng. Bởi vậy, để thành công khi nói trước BGK thì người nói phải lập luận chặt chẽ ở mức tối đa nhất trong khi yếu tố tiên quyết khi nói trước đám đông lại là phải “đánh thẳng” vào cảm xúc của người nghe.

 

Mỗi du học sinh Việt Nam nên là một nhà ngoại giao văn hoá

 

Hoạt động ngoại khoá luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của bạn nhưng Lân nhận thức rõ nếu tham gia đồng loạt các CLB một cách dàn trải thì chưa chắc hiệu quả đã cao nên bạn chỉ tập trung vào 2 CLB là Cầu lông và Tranh luận. Môi trường CLB cũng giúp Lân rất nhiều trong việc mở rộng các mối quan hệ và rèn luyện thêm nhiều kỹ năng khác.

 

Cũng từ  việc học tập và sinh hoạt trong môi trường sinh viên quốc tế, Lân luôn đau đáu suy nghĩ xem làm cách nào tốt nhất để quảng bá hình ảnh của Việt Nam. Cuối cùng, Lân thấy rằng mỗi du học sinh Việt Nam ở nước ngoài nên là một nhà ngoại giao văn hoá cho đất nước mình.
 
Ngô Di Lân tại Model East Asia Summit 2013

 

Song để bạn bè quốc tế tin tưởng thì mỗi người Việt trước hết phải cố gắng hết sức để xây dựng một hình tượng đẹp về người Việt Nam nói chung và học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng trong mắt họ.

 

Lân chia sẻ: “Mình luôn nỗ lực hết sức trong mọi việc, đạt thành tích tốt và sau đó nói với bạn bè quốc tế rằng: ''Ở Việt Nam còn nhiều người tài giỏi hơn mình rất nhiều''. Từ đó, các bạn ấy sẽ hình dung được nhân tài của Việt Nam giỏi như thế nào.

 

Khi có cơ hội, mình cũng tranh thủ quảng bá hình ảnh của Việt Nam, và quan trọng nhất là ''chữa'' những nhận thức sai lầm của bạn bè quốc tế về Việt Nam để họ được một cái nhìn cân bằng và đúng đắn về con người và đất nước ta”.

 

Lân còn có sở thích đi du lịch, không chỉ để giải tỏa căng thẳng, khiến cuộc sống thú vị hơn mà mỗi chuyến đi ấy còn là một lần bạn được đối mặt và trải nghiệm với nhiều điều mới lạ. Cho đến nay, bạn đã đặt chân đến khoảng 20 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Âu. Sắp tới, hành trình này sẽ còn được “nối dài” và điểm đến mà Lân mong muốn là các nước châu Á và Bắc Phi.

 

Một năm Lân chỉ về Việt Nam một lần duy nhất vào dịp hè. Trong 1 hoặc 2 tháng đó, bên cạnh việc nghỉ ngơi dưỡng sức, dành thời gian cho bạn bè người thân thì bạn còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá để trau dồi kĩ năng và xây dựng các mối quan hệ xã hội cho mình.

 

Mục tiêu của Lân sau khi ra trường là sẽ kiếm được học bổng thạc sĩ hoặc tiến sĩ chuyên về lĩnh vực an ninh quốc tế ở một trường ĐH danh tiếng ở Mỹ như Yale hay Tufts University.

 

Với suy nghĩ “dù đi đâu và học gì đi nữa mình đều rất mong cuối cùng có thể trở về và phát triển nước nhà”, Lân hi vọng sau khi hoàn thành sự nghiệp học hành bạn về nước và có cơ hội được làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.

 

 

Hồng Giang