“Gã trọc” Trực Cody và giấc mơ trên những bức tường

(Dân trí) - Thân hình to béo, cặp kính cận, bộ râu được “nuôi dưỡng” cẩn thận và nhất là cái đầu trọc lóc - đó là những gì mọi người ấn tượng về vẻ ngoài của Trực Cody, một bạn trẻ 8X đời cuối rất đam mê vẽ vời.

Nhưng xin cam đoan rằng, bạn sẽ còn ấn tượng hơn nữa với những tác phẩm nghệ thuật trên tường do chính anh chàng thể hiện. 

Sinh năm 1989 nhưng Nguyễn Trung Trực trông già dặn hơn nhiều so với tuổi. Hầu hết bạn bè đều nhận xét, tuy bề ngoài có vẻ bặm trợn thế thôi nhưng Trực là người rất dễ gần và sống tình cảm. Biệt danh Cody bắt nguồn từ nhân vật Đặc vụ Cody Bank trong bộ phim cùng tên mà Trực từng xem. Cậu chàng quá kết nhân vật chính nên đã lấy luôn cái biệt danh Cody cho mình.

Đam mê mỹ thuật từ bé, nhưng lúc đó gia đình còn khó khăn nên Trực đã không thể theo học một trường đào tạo chính quy. Bù lại, cậu tự luyện tay nghề trên những trang giấy vở học sinh. Trong khi bạn bè cùng lứa ngày ngày đá bóng, chơi game thì Trực làm bạn với cái bút chì và bộ màu vẽ, say mê lấp đầy những tờ giấy trắng bằng các hình vẽ sinh động và những mảng màu đặc sắc. “Với mình, vẽ không bao giờ là một công việc buồn chán”, Trực chia sẻ.
 
“Gã trọc” Trực Cody và giấc mơ trên những bức tường - 1
Với "gã trọc" Nguyễn Trung Trực, vẽ không bao giờ là một công việc buồn chán.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Trực thi vào Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và bị trượt. Không nản lòng, Trực theo học khóa đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện tại Học viện FPT - Arena. Hiện nay, tuy “gã trọc” đã trở thành một người thiết kế đồ họa nhưng chưa bao giờ ngọn lửa nghệ thuật giảm nhiệt trong lòng Trực.

Mỗi bức tường là một tác phẩm

Kể từ lần đầu tiên cầm bút vẽ đến giờ, Trực đã “nâng cấp” tay nghề từ những hình vẽ trẻ con trên giấy lên những tấm thiệp tự làm, graffiti và đến giờ là vẽ tường theo phong cách Japanese Art. Trực cho biết sở dĩ cậu thích phong cách này vì nó rất hiện đại, tinh tế và đều đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối giữa bản nháp trên máy hoặc trên giấy với sản phẩm cuối cùng trên tường.

Ban đầu Trực vẽ vì sở thích, nào ngờ được mọi người ưu ái và phản hồi tích cực quá trời nên dần dần nó trở thành một công việc tay trái của cậu. Khách hàng chủ yếu của Trực là các quán café, shop quần áo và một số chương trình sự kiện.

Các tác phẩm của Trực mang nặng tính trang trí tỉ mỉ và trau chuốt từng chi tiết kết hợp với nội thất xung quanh mảng tường được vẽ. Đa số thuộc trường phái trừu tượng theo phong cách hoạt họa, do Trực tự sáng tạo hoặc vẽ lại từ một bản gốc trên giấy tùy theo yêu cầu khách hàng.
 
“Gã trọc” Trực Cody và giấc mơ trên những bức tường - 2
 
“Gã trọc” Trực Cody và giấc mơ trên những bức tường - 3
Các tác phẩm của Trực mang nặng tính trang trí tỉ mỉ và trau chuốt từng chi tiết.

Trực cho biết, để hoàn thiện một tác phẩm cần chuẩn bị rất nhiều thứ. Đầu tiên phải xem xét chất liệu của mảng tường, rồi phải chuẩn bị bút dạ dầu, màu, sơn, sơn bóng, thước kẻ, compa, bản vẽ đã được in trên giấy… Có những tác phẩm phải kết hợp rất nhiều công cụ mới đạt yêu cầu. Ngoài ra, nghề này không đơn thuần chỉ là cắm đầu vào vẽ mà còn đòi hỏi vốn kiến thức nhất định về kiến trúc, nội thất và bố cục mỹ thuật.

“Nhiều người nghĩ rằng vẽ tường là một nghề “oách” lắm. Thực ra nó cực kỳ vất vả và đòi hỏi một sức khỏe cực tốt. Thời gian hoàn thiện tác phẩm thường rất mất thời gian, từ vài tiếng cho đến vài ngày, đôi khi ròng rã hàng tháng trời. Chuyện thức trắng đêm để vẽ với mình như cơm bữa, có những lần làm việc liên tục 12 tiếng liền. Mà nào có được thoải mái ngồi vẽ, đôi khi phải lăn lộn, nằm ra sàn, tư thế khó chịu hoặc tạo dáng rất buồn cười. Hay có những lúc đứng chênh vênh trên dàn giáo, ngoài việc chú tâm làm việc còn phải để ý, không là “hít đất” ngay”, - Trực chia sẻ về những khó khăn hay gặp phải.

Công việc vất vả, tiền công cũng chẳng bõ bèn gì nhưng Trực chưa từng nản chí. Với anh chàng đầu trọc này, những hình vẽ trên tường là công sức của khối óc và đôi bàn tay. Chúng là phương tiện tốt nhất để cậu truyền tải những tâm tư, cảm xúc của mình đến mọi người.
 
“Gã trọc” Trực Cody và giấc mơ trên những bức tường - 4
Trực cho biết công việc vẽ tranh tường cực kỳ vất vả và đòi hỏi một sức khỏe tốt.

Nuối tiếc vì đã không vào được đại học

Trong tương lai, song song với phát triển tay nghề thiết kế đồ họa, Trực muốn nghiên cứu về nghệ thuật vẽ 3D vốn đã rất phổ biến ở nước ngoài nhưng còn xa lạ ở Việt Nam. Trực đơn thuần coi nghiệp vẽ là thú vui của cuộc đời, quan trọng nhất là tạo ra những tác phẩm độc đáo phục vụ cộng đồng. “Chừng nào mình vẽ một cái hố trên đường khiến người đi đường phải tránh thì lúc đó mình đã thành công”, Trực tâm sự. 

Tuy đã chứng tỏ được ít nhiều khả năng của mình, nhưng Trực tiết lộ cậu vẫn cảm thấy tiếc khi đã không thể thi đỗ đại học. “Mình biết khả năng mình đến đâu, tuy vẽ khá nhưng mình không “hòa đồng” được với các môn học khác”, Trực ngậm ngùi. “Dù nhiều người nói đại học không phải con đường duy nhất đến với thành công, nhưng mình biết nó là con đường tốt nhất. Nếu có thể, mình sẽ học hành đến nơi đến chốn.”

Bài và ảnh: Hoàng Nhật

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm