Dương Vũ Hoàng Anh- Lập nghiệp trên đất Thái

Dương Vũ Hoàng Anh (tốt nghiệp ngành Thương mại Quốc tế, ĐH Ngoại thương) hiện đang đảm nhiệm vị trí chuyên gia tổ chức tiệc cưới tại Thái Lan. Trước đó, Hoàng Anh đã làm CTV VTV6, rồi tiếp đó là vị trí làm nội dung marketing cho một website về ẩm thực…

Tìm thấy đam mê trên đất Thái

 

Cơ hội chỉ thực sự đến khi cô bạn đọc được một thông tin về các công ty tổ chức tiệc cưới trên đảo Samui (Thái Lan) có nhu cầu tuyển dụng. Sau khi nghiên cứu thông tin, Hoàng Anh nhận ra các công ty ở đây đa phần chỉ tuyển người Thái, hoặc biết nói tiếng Thái.

 

Tình cờ, phát hiện ra một công ty yêu cầu nhân viên 100% nói tiếng Anh, cô nàng mừng hơn bắt được vàng. Với phương châm “ở liều gặp lành”, Hoàng Anh bèn gửi thư trực tiếp cho sếp của công ty này, cam kết muốn làm việc không công từ 3-6 tháng chỉ để học việc, mọi thứ khác cô nàng tự lo liệu.

 

Khá tò mò với con bé vừa “liều” lại vừa chẳng có kinh nghiệm gì, lãnh đạo của công ty đồng ý phỏng vấn, rồi gật đầu cái rụp. Vậy là cô bạn book vé máy bay, xin nghỉ việc, chuẩn bị tất cả mọi thứ và lên đường trong vòng 3 tuần để bắt đầu mơ ước làm một wedding planner (chuyên gia tổ chức tiệc cưới).

 
Hoàng Anh (trái) đang chuẩn bị cho một tiệc cưới
Hoàng Anh (trái) đang chuẩn bị cho một tiệc cưới
 

Không có đường đi chỉ trải hoa hồng

 

Do đã tìm hiểu rất kỹ về công việc của một wedding planner nên những bước khởi đầu, Hoàng Anh bắt nhịp khá nhanh với công việc. Tuy nhiên, những ngày đầu, cô bạn cũng không được giao trọng trách gì quá lớn lao ngoài việc tới văn phòng để nghiên cứu kỹ các email của khách hàng, cũng như các bức ảnh chụp lại những đám cưới trước đó.

 

Tháng đầu tiên trôi qua với hơn 10.000 bức ảnh, cùng cỡ 5.000-6.000 email của khách hàng cần cô nàng đọc và tìm hiểu. Tới tháng thứ hai, Hoàng Anh được đi cùng tới gặp khách hàng, được đi cùng nhân viên công ty tới các tiệc cưới để quan sát, nhưng vẫn chỉ là chân “sai vặt”.

 

Wedding planner không còn là một công việc quá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng vẫn có sự khác biệt rõ nét. Nếu như ở trong nước, người làm nghề này chỉ đơn thuần là “tổ chức và trang trí một đám cưới”, thì ở Thái Lan, công việc này đòi hỏi hơn rất nhiều.

 

Wedding planner vừa là người lên kế hoạch cho cuộc vui, đưa ra tư vấn cho khách hàng, vừa là chuyên gia tư vấn tâm lý cho “cô dâu chú rể” với tỉ thứ vấn đề phát sinh trước lễ cưới, cũng như giải quyết các tình huống dở khóc dở cười khi đám cưới diễn ra.

 
Hoàng Anh bên cặp cô dâu-chú rể trong ngày hạnh phúc
Hoàng Anh bên cặp cô dâu-chú rể trong ngày hạnh phúc

 

Khi mới bắt đầu công việc, Hoàng Anh còn phải bước qua một “quả núi” là thử thách đầu tiên mang tên: tiền đâu? Với 3 tháng đầu thực tập không lương, cô bạn phải tính toán nát óc về kế hoạch chi tiêu của mình.

 

Thuê một căn phòng nhỏ xíu, mua đồ dùng đã hết nửa số tiền tiết kiệm mang theo. Công việc mà Hoàng Anh lựa chọn lại không được bố mẹ cô hoàn toàn ủng hộ, vì tâm lý vẫn muốn con mình làm ở một nơi ổn định trong nước, nên số tiền lận lưng mang theo chẳng được là bao.

 

Nên một mặt vừa làm quen với công việc mới, hàng tối Hoàng Anh vẫn phải “cày” điên cuồng, viết bài cho các báo mạng trong nước để trang trải sinh hoạt phí. Có những khi kế hoạch bị lậm chi thì chuyện ăn mì cả 7 ngày trong tuần là chuyện chẳng quá bất ngờ.

 

Tới tháng thứ ba, nỗ lực của cô bạn được ghi nhận, được đi theo sếp gặp gỡ các đối tác và được vào làm chính thức và trả lương. Tới giờ, Hoàng Anh đã chính thức trở thành một wedding planner của công ty, có business card, và điều hành chính thức các đám cưới nhỏ dưới 20 khách hoặc có ngân quỹ dưới 10.000$, một bước tiến không nhỏ với một cô nhân viên tới từ nước ngoài.

 

Chuyên nghiệp là chìa khóa để thành công

 

Một trong những khó khăn đầu tiên mà Hoàng Anh gặp phải là mâu thuẫn về văn hóa. Do đối tượng chủ yếu của công ty cô là khách hàng châu Âu, nên những xung đột về suy nghĩ là chuyện như cơm bữa. Cách trả lời mail, cách tư vấn cho khách hàng cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp.

 

Người nước ngoài có thói quen tìm đến wedding planner ngay sau lễ đính hôn. Planner cần là người giúp lên kế hoạch, người xả stress, người kết nối các dịch vụ. Lắm khi cô dâu bị áp lực hoặc stress, đòi hủy cưới hay dời ngày cưới là chuyện hết sức bình thường.

 

Khung cảnh một đám cưới do cô bạn chung tay “đạo diễn”
Khung cảnh một đám cưới do cô bạn chung tay “đạo diễn”
 

Đám cưới đầu tiên mà Hoàng Anh tham gia “đạo diễn” là đám cưới cho một cặp cô dâu chú rể người Na Uy vào tháng 7/2014. 40 khách của cả hai bay sang Thái, thuê nguyên một resort ở trong khoảng 4-5 ngày.

 

Đám cưới diễn ra lúc 5h chiều, nhưng từ 2h chiều, trời chuyển mây và 15 phút sau là mưa. Mưa to như mưa bão, tất cả bàn ghế, khăn bạt, đồ dùng vừa bày ra phải thu lại hết. Trong lúc tất cả mọi người cùng hoang mang về tình hình thời tiết, cô dâu vừa make up vừa khóc, Hoàng Anh cũng hốt hoảng quay sang hỏi sếp mình xem cần làm gì.

 

Và đó là lúc cô học được bài học đầu tiên để trở thành một wedding planner chuyên nghiệp, khi sếp cô bình tĩnh nói: “Chưa biết, nhưng làm gì thì làm, nhất định không được tỏ ra là mình lo lắng. Vì mình được thuê để giải quyết những chuyện như thế này, chứ không phải để lo lắng. Cô dâu lo lắng là quá đủ rồi”.

 

Thật may, đúng 4h, mưa tạnh. Mọi thứ được bày biện và chuẩn bị xong trước 5 phút khi buổi lễ bắt đầu. Hoàng Anh học được bài học đầu tiên trong nghề: phải luôn bình tĩnh để giải quyết mọi khủng hoảng, với thái độ tận tình và chuyên nghiệp nhất.

 

Hoặc nan giải hơn, “bà mai” Hoàng Anh từng gặp phải một vụ cô dâu bị stress không chịu xuất hiện. Có rất nhiều lý do để các cô dâu nước ngoài cảm thấy căng thẳng, vì quá trình chuẩn bị cho tiệc cưới có khi được lên kế hoạch cả năm trời, họ luôn băn khoăn xem tiệc cưới liệu có diễn ra hoàn hảo không? Mình có thực sự xinh đẹp trong ngày trọng đại đó không? Muôn vàn áp lực tới khi đám cưới diễn ra, họ lại sợ hãi lúc nó đến. Lúc này, chính wedding planner lại phải là người đóng vai trò hàn gắn, động viên, tâm tình để cô dâu vững tin, sao cho đám cưới diễn ra suôn sẻ.

 

Wedding Planner- Không chỉ là một công việc

 

Làm việc một thời gian, tiếp xúc với nhiều cặp cô dâu-chú rể cho Hoàng Anh thêm nhiều suy nghĩ về công việc mình đang làm. Vì tiếp xúc với các cô dâu nước ngoài, thấy họ phải chuẩn bị vất vả kì công cho đám cưới thế nào, mà vẫn chịu vô vàn áp lực, nên cô nghĩ không biết những cô dâu Việt Nam sẽ còn bị áp lực thế nào. Và Hoàng Anh luôn trăn trở việc làm sao để cô dâu luôn phải thư thái nhất, hạnh phúc nhất cũng như xinh đẹp nhất trong lễ cưới của mình.

 

Cũng từ công việc, Hoàng Anh nhận ra có rất nhiều người đính hôn, chung sống, có con rồi mới làm đám cưới. Nhiều người nghĩ sống thử là nét tư tưởng phương Tây không phù hợp văn hóa người Việt, nhưng nó lại thể hiện một cái nhìn chững chạc về hôn nhân.

 

Hãy làm bạn đời theo đúng nghĩa của từ đó, “life partner”, nghĩa là chia sẻ cuộc đời, bao gồm cả trách nhiệm lẫn nghĩa vụ, đến khi cảm thấy chắc chắn về hôn nhân. Đừng nên để định kiến làm rào cản rằng con gái phải thế này, phải thế kia, lấy chồng 27 tuổi là ế, lấy chồng nghèo là hạ giá, hay quan hệ trước hôn nhân là hư hỏng. Càng nhiều định nghĩa, chúng ta càng quên mất hôn nhân trước tiên xuất phát từ tình yêu.

 

Còn với những bạn trẻ có ý định theo đuổi nghề này, Hoàng Anh có lời khuyên rằng cần nhất vẫn là đam mê. Từ đam mê sẽ khiến các bạn tìm tòi các kiến thức liên quan, tự hoàn thiện mình.

 

Ngoài ra nếu có đầu óc quan sát, kỹ năng lập kế hoạch và giao tiếp tốt cũng là một lợi thế. “Quan trọng vẫn phải liều một chút”, cô bạn hóm hỉnh chia sẻ.

 

Dương Vũ Hoàng Anh

 

23/06/1990- Cung Cự Giải, nhóm máu A nên cực kì hướng ngoại và cảm tính.

 

Sở thích: nấu ăn, chụp ảnh, đi du lịch và nói chuyện tình yêu.

 

Tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại quốc tế- ĐH Ngoại thương.

 

Hiện là Wedding Planner tại công ty Samui Beach Wedding- Thái Lan.

 

Theo Việt Anh

Hoa học trò