Đừng thêm “gia vị yêu” quá tay

Nêm một chút “thử thách”, một chút “giả vờ ghen tuông”… sẽ làm “bát súp” tình yêu thêm đậm đà. Nhưng cẩn thận nhé, nếu nêm quá tay, bát súp ngon lành đó sẽ hỏng luôn đấy!

Những lần nhiệt kế tình yêu giở chứng

 

Bạn gái cũ của “người ta” đi du học, thế nên Đ. Thảo (cựu HS THPT Chu Văn An, Gia Lai) nghĩ ra cách thử lòng người yêu bằng cách chỉnh đầu số điện thoại như nước ngoài, gửi tới tấp những tin nhắn ngọt ngào toàn kí tự… tiếng Anh.

 

Trong điệp vụ này, “cái sim một chiều” của Thảo lại đứng về “phe kia”, khi chỉ gửi đi chứ không nhận lại được. Thế là “đi tong” kế hoạch thử thách, vừa không biết lòng dạ “đối phương”, vừa nhắc cho người yêu nhớ về người cũ.

 

Còn H.Nam (SV năm 1, ĐH KHTN) thì lại hay thử H.Trang (SV năm 1, ĐH Quốc tế) bằng nhiều chiêu “căng não” như kiểu dọa sẽ nhảy xuống cầu nếu Trang nói hết yêu mình. Trang biết Nam lúc nhỏ từng bị trầm cảm nên rất sợ anh chàng làm liều. Trang đã khóc hết nước mắt và “dỗ” Nam về KTX an toàn.

 

Sau hôm ấy, Trang chăm sóc người yêu chu đáo hơn, nhưng thỉnh thoảng Nam vẫn dùng lại “chiêu bài cũ” để thử lòng bạn gái, khi thì mất tích 3 ngày liên tục, khi thì tắt điện thoại không lí do… làm Trang “đau tim” vì suốt ngày phập phồng sống trong sợ hãi và lo lắng cho người yêu.

 
Đừng vì thấy người yêu quá quan tâm nên bạn muốn thực hành cách thử mới. (ảnh minh họa)

Đừng vì thấy người yêu quá quan tâm nên bạn muốn thực hành cách "thử" mới. (ảnh minh họa)
 

Sau lần giả bệnh thành công, thấy chàng lo lắng đến từng viên thuốc, V.A (SV năm 1 trường Hutech) càng hả hê thực hành ngay chiến lược giả vờ yêu người bạn cùng lớp để xem người yêu ghen đến đâu.

 

Ra chơi thì cùng đi mua đồ ăn để người kia thấy. Lúc về thì cười đùa, ở lại lớp nói chuyện khiến “người yêu thật” chờ dài cổ. Khi những phép thử vượt “mức an toàn”, chàng đùng đùng nổi giận đòi chia tay.

 

Thử - cũng phải biết cách

 

Không cần nói chắc teen cũng có thể đoán trước “cái kết” cho những mối tình ếch con ở trên như thế nào. Có vô vàn những lí do mà các bạn không thể ngăn được sự tò mò về tình cảm người ấy dành cho mình và thế là phải… “thử” thôi.

 

Dùng một sim lạ “tấn công”, nhờ một người bạn khác tán tỉnh, hay tạo cơ hội cho người khác tiếp cận người ấy của mình... Mục đích duy nhất trong những “phi vụ” trên là biết rõ bản chất của người mình thích có thật lòng với mình không?

 

Nhưng các bạn nên cân nhắc khi chơi trò thử thách đối phương như thế. Lòng tin của cả hai sẽ không còn tin nhau như trước đây nữa, tiếp theo bạn sẽ bị đánh giá là một người “lắm mưu nhiều kế”, nên người ấy có quyền đề phòng bạn.

 

Vì thế, “thử lửa” là “con dao hai lưỡi”, khi dùng bạn phải đọc kĩ hướng dẫn trước khi sử dụng và chỉ khi thật cần thiết mới “xuất chiêu” nhé.

 

Để bắt đầu “đùa với lửa” trước tiên các bạn cần xác định nó thật sự cần hay không? Thông thường thời gian thử lửa thường bắt đầu khi mới quen nhau vì đây là lúc bạn tò mò nhất và quan trọng là tình cảm mới chớm nếu có “sai lầm” thì cũng dễ “khắc phục” hơn.

 

Xin gợi ý với các bạn một cách thử rất đơn giản chẳng hạn trong một cuộc vui tập thể (sinh hoạt ngoại khóa, cắm trại, họp lớp...) bạn hãy ở một góc khuất quan sát xem người ấy của bạn cư xử với những người khác phái như thế nào. Chỉ vậy thôi bạn cũng có thể ít nhiều xét về anh chàng hoặc cô nàng mình đang theo đuổi thế nào rồi đấy.

 

Theo Mực Tím

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm