Đủ kiểu “live stream”

“Live stream” hay còn gọi là “live streaming” đang trở thành trào lưu “hot” trong giới trẻ. “Live stream” là hình thức truyền tải video trực tiếp, thông qua Internet. Người dùng có thể chia sẻ những khoảnh khắc hiện tại của mình trên mạng xã hội.

Gặp gì cũng “live”

“Live stream” vốn phổ biến trên YouTube, Bigo hay gần đây là Facebook. Người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể “live stream” mọi lúc, mọi nơi. Để thực hiện một cuộc “live stream”, người dùng chỉ cần nhấp vào ứng dụng trên màn hình, làm theo hướng dẫn và chọn chế độ công khai. Điều hấp dẫn là những người xem có thể bình luận trực tiếp, người “live stream” sẽ trả lời nhanh chóng. Khi kết thúc, video sẽ được lưu trên “dòng thời gian”.

Vào trang cá nhân của một ca sĩ hoặc diễn viên nổi tiếng, chúng ta dễ dàng bắt gặp những đoạn video phát trực tiếp. Thay vì tổ chức “offline”, người nổi tiếng sẽ trò chuyện với “fan” trực tuyến trên “newfeed”, thông qua những bình luận. Cách này được nhiều bạn hào hứng và mong chờ.

Nguyễn Huỳnh (trường ĐH Sài Gòn) cho biết: “Mình thần tượng ca sĩ Hamlet Trương. Nhưng những buổi họp “fan” của anh ấy mình không đến được, vì bận học. Từ ngày có tính năng “live” này, mình có thể xem qua điện thoại rất tiện. Có lần, mình bình luận cho vui, ai ngờ, anh đọc tên và trả lời mình luôn. Cảm giác lúc đó thật hạnh phúc”.

Ở một lĩnh vực khác, “live stream” được tận dụng để “cá kiếm”. Theo dõi một vài trang bán mỹ phẩm, quần áo online, mỗi ngày các bạn đều “live stream” 2 – 3 lần. Người bán bày sản phẩm, thuyết trình về công dụng. Người xem có thể hỏi những gì mình thắc mắc. Thông thường, mỗi trang bán hàng như vậy có tới vài ngàn lượt xem.

Tuyết Na (chủ shop mỹ phẩm Na Beauty) chia sẻ: “Ứng dụng “live” trên Facebook giúp cho việc buôn bán của mình tốt hơn. Với mỹ phẩm, “trăm nghe không bằng một thấy”. Mình vừa cho họ thấy sản phẩm, vừa tư vấn như đang gặp trực tiếp. Nhờ đó, sản phẩm của mình được nhiều người biết đến. Sau mỗi lần “live”, mình nhận khoảng 10 đơn hàng các loại”.

Đủ kiểu “live stream” - 1

Tận dụng “show hàng”

Nguyễn Hoàng Duy (trường CĐ Công Thương TP. HCM) kể: “Cứ 10h30 tối là đám bạn trong phòng mình lại dắt nhau ra quán cà phê. Lần đó, mình tò mò ôm laptop đi theo. Mỗi người một máy. Mình thấy cậu bạn đăng nhập vào Facebook, nhấp vào trang 18+ video. Sau đó, nó ngồi chờ. Khoảng 11h đêm, trang ấy xuất hiện một cô gái ăn mặc hở hang, mang mặt nạ che phần mắt và sống mũi.

Thoạt đầu, cô gái giới thiệu về bản thân. Tiếp đến, mình thấy rất nhiều bình luận thô thiển, kiểu như: “Show” đi, kích thích quá, nhảy đi em… Trên màn hình, mình thấy liên tục cập nhật lượt xem, có khi lên đến 6.000 “view”. Mình liếc thấy cậu bạn bình luận tên bài hát: Just Dance.

Cô gái bắt đầu nhảy bài ấy, với nhiều động tác khêu gợi. Mình cũng thử vào trang, rồi ngồi chờ, vì cô ấy nói rằng, nếu đủ 3.000 “view”, cô sẽ cởi đồ theo yêu cầu. Nhưng mình đợi chừng hơn một giờ thì nick cô ấy tắt vì không đủ lượt “view” như mong muốn”.

Kim Anh (trường CĐ Giao thông vận tải III) cũng từng “bỏng mắt”, khi nhấp phải những trang tương tự. Anh bạn kể: “Mình vào trang cá nhân của một bạn có nick M. T. T. T. Bạn ấy bán mỹ phẩm xách tay. Lúc bạn ấy giới thiệu về sản phẩm thì chỉ khoảng 1.000 lượt xem. Bạn ấy liên tục đặt ra câu hỏi để người xem trả lời.

Để thêm kịch tính, cô nàng “mạnh miệng” tuyên bố là hễ có một bình luận đúng, cô ấy sẽ cởi một nút áo. Lúc đó, mình thấy lượt view bắt đầu tăng nhanh. Mọi người vào bình luận rất nhiều. Mình xem đến 5 câu hỏi thì có đến 3 câu trả lời đúng.

Khi chiếc nút áo cuối cùng mở ra, nhiều người còn hào hứng muốn chơi tiếp. Cô gái đổi “luật chơi”. Với hóa đơn trên 2 triệu đồng, cô sẽ “cởi” theo yêu cầu. Lập tức, những bình luận đặt hàng liên tục xuất hiện. Theo luật chơi, người mua sẽ phải chuyển khoản ngay lúc đó mới tính là hợp lệ”.

Có rất nhiều trang “support” và hướng dẫn “live stream” ra đời. Nhằm thu tiền quảng cáo, những nhóm đó sẽ tạo nick ảo để tăng lượt “view” và bình luận. Cả những bạn không biết gì về công nghệ cũng dễ dàng học được cách “live stream” từ những trang này. Hiển nhiên, “học phí” mà các bạn phải trả là những lần tích cực bình luận và chia sẻ video.

Rất nhiều kênh “ảo”, vì muốn thu hút lượt xem, đã cung cấp những video có nội dung đồi trụy. Mạng xã hội YouTube, Facebook thì vẫn chưa có cách quản lý hữu hiệu, triệt để. Mới đây, mạng Bigo Live đã bị xử phạt vì phát những video vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.

“Live stream” là ứng dụng mới và tiềm năng trong thị trường công nghệ. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn phụ thuộc vào mục đích của người sử dụng chúng.

Thanh Quân (trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) chia sẻ: “Với ngành học, mình nhận thấy “live stream” có thể phát triển rộng rãi và nhiều tính năng hơn. Mình cũng rất thích “live”, vì mình có thể trò chuyện, trao đổi với bạn bè tại thời điểm đó.

Đồng thời, “live stream” là đề tài hấp dẫn đối với một sinh viên công nghệ như mình. Những tính năng của nó giúp mọi người kết nối và trò chuyện dễ dàng hơn. Vấn đề tốt hay xấu phụ thuộc vào mục đích sử dụng của từng người”.

Theo Huyền Chi

Sinh viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm