Du học sinh bày tỏ thái độ sau cái chết của Tăng Quốc Bình

(Dân trí) - Tin về cái chết bi thảm của Tăng Quốc Bình, sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia về Quản lý (GUU) đã bị những kẻ lạ mặt đâm chết gần một nhà ga tàu điện ngầm ở Matxcơva đã thổi bùng lên làn sóng giận dữ trong cộng đồng bạn trẻ người Việt Nam.

 
 
 
Du học sinh bày tỏ thái độ sau cái chết của Tăng Quốc Bình - 1

Những dòng spam của bạn trẻ người Việt đã truyền tay nhau những thông điệp sẻ chia chân thành nhất tới nạn nhân xấu số.
 
Ở trên khắp các dòng blast của blog, status trên YM, rồi những dòng spam của bạn trẻ người Việt (du học sinh lẫn các bạn trong nước) đã truyền tay nhau những thông điệp sẻ chia chân thành nhất tới nạn nhân xấu số và mong muốn có được những hành động từ phía chính quyền để đảm bảo an toàn cho cộng đồng người nước ngoài đang học tập tại Nga.

Thanh Linh - Hội trưởng hội sinh viên Đại học tổng hợp Tomsk thuộc Novosibirsk (Cộng hoà liên bang Nga) cho hay: “Thường hàng tuần, cứ vào thứ 5, sinh viên trong trường sẽ có cuộc họp mặt với cảnh sát địa phương ngay tại ký túc xá. Tuy an ninh được tất cả mọi người để ý, lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên nhưng ai ai cũng lo lắng. Trước đây, sau vụ sinh viên Việt Nam bị giết hại ngay trên đường phố, mọi người ai cũng nhắn nhủ bạn bè đi đâu cũng nên cẩn thận nhưng chỉ một vài tuần sau là họ sẽ quên ngay. Và điển hình mới nhất là vụ bạn sinh viên Tăng Quốc Bình (sinh viên năm nhất sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia về Quản lý (GUU) đã bị đâm chết gần một nhà ga tàu điện ngầm ở Matxcơva (Nga) thì mọi chuyện lại xảy ra tương tự. Lại lo lắng rồi lại… kệ…”.

Theo một số du học sinh thì, bình xịt hơi cay hay một chiếc bút chì ngòi nhọn… là những thứ sinh viên người nước ngoài học tập tại Nga luôn đem theo trong mình.

Đăng Nguyên (sinh viên năm thứ 3 khoa Điều khiển tự động - Đại học Tổng hợp Tomsk) lúc nhận được tin nhắn cách đây 2 hôm cho hay, không chỉ Nguyên mà các bạn Việt Nam trong trường vô cùng hoang mang lo sợ. Nguyên chia sẻ: “Thực sự, con người, thầy cô giáo, các bạn Nga đều vô cùng dễ mến. Họ coi người nước ngoài cũng như con cháu của mình vậy. Nhưng bên cạnh đó, có không ít người trẻ Nga tha hoá, họ tôn thờ chủ nghĩa phát xít. Hoàng và rất nhiều bạn đang học không chỉ ở Tomsk mà nhiều trường Đại học rải rác khắp đất nước này có nhiều buổi học trong trường là vào buổi tối. Chính vì thế, thứ mình không thiếu khi bước chân ra khỏi phòng là bình xịt hơi cay.”

Khi đọc được những thông tin này, chủ blog Nga UK, Hoàng Nga (du học sinh Anh quốc) và nhiều bạn bè của cô đã chia sẻ, tâm sự những bức xúc về vụ việc này: “Chỉ một cụm từ để diễn đạt thôi, “vô nhân đạo”.” Còn nhiều nhiều nữa những blog cũng mang chung tâm trạng sợ hãi, lo lắng cho người thân đang sinh sống và học tập tại đây. Nga nói thêm: “Anh là một đất nước rất an toàn, học tập tại đây hơn 4 năm nhưng tôi chưa hề biết được thông tin nào kinh hoàng như vậy. Ban đầu là Anh Tuấn, hôm nay là Quốc Bình và ngày mai… sẽ là ai đây?”.

Sinh viên trong trường tổng hợp Tomsk ở Novosibirsk khoá ấy không thể nào quên được cảnh tượng đáng sợ xảy ra ngay sáng sớm cách đây 4 năm lúc mọi người đi qua đi lại tấp nập. Quyền Linh (sinh viên khoa Hoá Dầu) thấy một đám thanh niên choai choai, đầu trọc lốc săm trổ những hình đen sì kỳ quái đang đánh đập một cậu sinh viên người Việt tên Hồng Phong ngay trước cổng trường. Linh xông vào can thì bị đánh thừa sống thiếu chết. Đến khi bàn bè trong trường cùng thầy cô đổ xô ra hăm doạ với gậy gộc trong tay thì bọn người kia mới bỏ đi.

Hiện nay, Quyền Linh đã về Việt Nam sau 5 năm học với vết sẹo sâu hoắm ở đuôi mắt trái, anh chia sẻ: “Không chỉ có Anh Tuấn, Tăng Quốc Bình đâu, mà hàng ngày, hàng giờ diễn ra những cuộc đánh nhau mà không ai biết hoặc chẳng ai muốn nói. Tôi là người may mắn khi thoát khỏi cái chết. Và tôi nghĩ rằng, các bạn sinh viên hãy đề cao cảnh giác, hạn chế đi một mình vào buổi tối thậm chí ban ngày. Hãy đi đông người”.

Không chỉ vết sẹo rất to trên khuôn mặt, Linh còn kể, trên người anh có 3 cái xương sườn bị dập, sống mũi cũng bị dập nặng. Thời gian sau khi bị thương, Linh phải điều trị ở bệnh viện hơn 2 tháng mới đi lại bình thường.

Hà Hương