“Độ” xe và những cuộc “chạy đua” lạc đường
Hiện nay, các bạn trẻ với túi tiền eo hẹp có thể sở hữu một xe “độ” với giá chỉ từ 5- 15 triệu đồng, dễ dàng nổi bật giữa đám đông. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ tìm đến xe “độ” như thứ mốt thời thượng, chứ rất mơ hồ về kỹ thuật và văn hóa “độ” xe.
“Hớp hồn” giới trẻ vì sự khác biệt, cá tính
Những chiếc Cub, Minsk “độ”, giá chỉ từ 5 – 15 triệu đồng, được thiết kế lại, với kiểu dáng, màu sắc nổi bật, trở thành sự lựa chọn phổ biến của giới trẻ, khi túi tiền của họ chưa thực sự rủng rỉnh, đủ để tậu một “em” xe “độ” “khủng”, giá từ vài chục triệu cho đến cả trăm triệu đồng.
Theo Việt Phương (24 tuổi, cựu sinh viên trường ĐH Thăng Long), điều làm nên sự hấp dẫn của thú chơi xe “độ”, chính là người chơi có thể tự thiết kế ý tưởng để tạo nên “đứa con tinh thần” đầy dấu ấn, “độc, lạ” của riêng mình, ít khi bị “đụng hàng”.
Khi tham gia giao thông, một chiếc xe Minsk “độ”, giá chỉ 7 triệu đồng nhưng vẫn gây được sự chú ý của người đi đường hơn cả một chiếc Honda SH. Không tốn kém, khác biệt và ghi dấu ấn cá nhân – đó chính là lý do khiến ngày càng có nhiều bạn trẻ bị “hớp hồn” bởi thú chơi này.
Phương còn nhớ như in lần đầu tiên, anh bạn tậu được một “xác” xe Minsk, với giá 3,8 triệu đồng. Suốt thời gian dài sau đó, Phương lân la khắp các diễn đàn về xe “độ”, nhằm có được một ý tưởng để “phẫu thuật thẩm mỹ” cho chiếc xe cũ vừa mua.
“Dạo ấy, mình say mê “độ” xe tới mức quên ăn, quên ngủ, đầu óc lúc nào cũng chỉ tràn ngập hình ảnh chiếc xe và hàng loạt các ý tưởng. Thứ Bảy, Chủ Nhật, mình cũng không buồn đi chơi, chỉ chăm chăm ở nhà rửa xe, sơn xe”, Phương chia sẻ.
Thay vì “quăng” xe và một khoản tiền công để các tiệm “độ” xe làm giúp, suốt một năm ròng, Phương bận bịu với “cục cưng”, loanh quanh với cả “núi” thao tác: Tháo dỡ, thay thế, lắp ráp…
Phương kể: “Vì còn non kinh nghiệm nên nhiều công đoạn, mình phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Ví dụ như khâu sơn màu, xe nguyên bản có màu xanh, lúc đầu, mình sơn lại khung màu đen nhưng khi đã xong thì lại thấy nó ra một khối cứng nhắc, thiếu nổi bật. Thế là mình cạo sơn đi, sơn lại màu vàng song vẫn chưa thấy hài lòng. Lần thứ ba, mình sơn lại màu trắng thì mới thấy ưng ý”.
Phương còn đầu tư nguyên một bộ đồ nghề sửa chữa, treo ở cạnh xe, dự phòng lúc xe gặp trục trặc giữa đường là có thể tự sửa chữa. Chiếc xe này đã đồng hành với Phương trên nhiều nẻo đường, trong đó, đáng nhớ nhất là chuyến “phượt” Quảng Ninh.
“Trong hai ngày liên tiếp, chiếc Minsk cùng mình đã đi qua chặng đường dài 730 km mà không xảy ra bất kỳ trục trặc nào. Đó là điều thực sự bất ngờ, vì ít chiếc xe Minsk, đến giờ còn có thể chạy “ngon”như vậy”.
Chơi xe kiểu “phong trào”
Theo anh Lê Khanh (chủ một xưởng “độ” xe ở Hoàng Ngân, Hà Nội) thì những bạn trẻ tìm đến với xe “độ”, có kiến thức về xe “độ” và muốn tự mày mò sáng tạo nên “đứa con tinh thần” của mình không nhiều.
Bởi có đến 90% khách hàng trẻ tìm đến với xưởng xe của anh, thường chỉ mang đến một bức ảnh chiếc xe concept (xe mẫu) mà họ muốn “độ” giống, rồi giao phó cho tiệm, chứ rất mơ hồ về kỹ thuật xe.
Anh Khanh cho biết, thế giới xe “độ” rất rộng lớn với nhiều trường phái: “Độ” để trưng bày, “độ” tiếng máy, “độ” ống xả hay “độ” để sử dụng… Mỗi trường phái có những tiêu chí khác nhau.
Riêng sinh viên thường “độ” xe để sử dụng thì tiêu chí an toàn phải đặt lên hàng đầu, có những yếu tố kỹ thuật mà mình cần bảo đảm khi “độ” xe để không gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
“Từng có một bạn đến tiệm muốn tôi lắp phanh đĩa cho chiếc Minsk. Tôi đã phải rất vất vả tư vấn cho bạn ấy rằng, cổ phốt của xe Minsk rất khó điều khiển, nếu không thay cổ phốt thì lắp phanh đĩa sẽ rất nguy hiểm, nếu bạn ấy đồng ý thay cổ phốt thì tôi mới lắp phanh đĩa”, anh Khanh nêu thí dụ.
Cũng theo anh, việc “độ” một chiếc xe cũng có quy trình và phải tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt là vị trí ngồi. Do đó, các thợ “độ” xe thường phải nắm được thông tin về hình thể của người sử dụng xe để tiến hành “độ” xe cho phù hợp: Chiều cao, sải tay… Thậm chí, thợ còn phải nắm cả cỡ chân của khách để thiết kế hệ thống phanh thuận lợi nhất, tránh tình trạng phải dùng mũi chân để đạp phanh.
Nếu như người am hiểu có thể định hình rõ mong muốn của họ, thợ “độ” nắm ý tưởng, rồi tạo nên “hồn phách” cho chiếc xe thì với không ít bạn trẻ, đó chỉ là sở thích nhất thời.
Những nguy cơ
Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của trào lưu chơi xe “độ”, các tiệm “độ” xe mọc ra ngày càng nhiều. Không phải tiệm “độ” xe nào cũng làm ăn chân chính nên không thiếu trường hợp, tiệm xe “chặt chém” khách hàng, những người trẻ càng ngô nghê, mù mờ về xe thì càng có nguy cơ bị “chém” đau hơn. Bên cạnh đó, việc phó mặc xe cho tiệm “độ”, còn có thể dẫn tới việc cho “ra lò” một sản phẩm thiếu an toàn.
Việt Phương chia sẻ, có những thứ, bạn có thể tự tháo dỡ, mua mới và lắp đặt được nhưng cũng có những việc như: Hạ giảm sóc, làm lại yên, khung… thì buộc phải ra cửa hàng “độ” xe vì họ mới có máy cắt, máy hàn.
Mới đây, Phương tậu một “xác” xe Suzuki với giá 6,2 triệu đồng và muốn làm lại máy xe, “độ” nâng dung tích xilanh từ 125 cc lên 200 cc. Hôm trước, Phương có hỏi một tiệm “độ” xe về giá làm máy thì họ trả lời là hết 2,5 triệu đồng.
Nhưng sau đó, họ bất ngờ tuyên bố, 2,5 triệu đồng chỉ là… chi phí vệ sinh máy, còn muốn “độ” nâng phân khối thì giá phải là 5 triệu đồng. “Nếu không may, gặp nơi làm ăn thiếu đạo đức thì đành chấp nhận bị “chặt chém”, hét giá, nay nói giá này, mai lại nói giá khác”, Phương tâm sự.
Đặc biệt, bạn đừng nên quên rằng, hiện pháp luật không cho phép việc thay đổi kết cấu của xe. Anh Khanh chia sẻ: “Việc pháp luật quy định không được “độ” xe là rất đúng đắn, nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Trên thực tế, đa phần người chơi xe “độ” đều rất coi trọng yếu tố an toàn kỹ thuật, chấp hành Luật Giao thông nghiêm chỉnh. Chỉ có một số ít bạn trẻ chơi xe để khoe mẽ thì mới hay cố tình nẹt pô, gằn máy để thể ra vẻ “sành điệu”. Những người chơi xe “độ” chân chính luôn mong muốn xây dựng một cộng đồng chơi xe có ý thức”.
Theo anh Khanh, khi tìm đến thú chơi này, các bạn nên tự trang bị những kiến thức nhất định về kỹ thuật “độ” xe và nên tự tay “độ” một vài chi tiết cho chiếc xe của mình.
Xe là vật gần gũi, gắn bó với chủ nhân nên việc “đích thân xắn tay” sẽ khiến các bạn cảm nhận được, chiếc xe ấy không phải chỉ được “độ” bằng tiền, nó còn chứa cả mồ hôi, công sức lẫn tâm huyết của người sử dụng.
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam