Dở khóc dở cười vì nói thật vào ngày “Cá tháng Tư”

(Dân trí) - Quên giấy tờ làm thủ tục lên máy bay, Duy tức tốc gọi điện nhờ bạn thân cùng phòng mang đến. Cậu bạn gật đầu đồng ý như thật nhưng nửa tiếng sau vẫn nằm ở nhà gọi điện cho Duy, cười hỉ hả “Đừng mơ lừa được tớ nhé!”.

Gian nan sự thật trong ngày Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư (1/4) là ngày có thể “lừa nhau” bằng những lời nói dối vô hại. Nếu ai để ý đến ngày này, hầu hết đều cảnh giác một cách cao độ để không bị “chơi khăm”. Ngày của những lời nói dối lại trở thành thách thức cho những sự việc, lời nói thật bởi có thể nói ra mà chẳng ai tin. 

Ngày Cá tháng Tư, trong khi bạn bè tìm tòi những lời nói dối cho vui thì Mạnh Duy, 22 tuổi, chụp ảnh tự do ở TPHCM chỉ mong đừng gặp việc gì quá quan trọng xảy ra với mình để khỏi phải nói thật. Duy nghĩ rằng, nếu xảy ra chuyện gì đó, cần sự giúp đỡ của bạn bè thì nhiều khả năng cũng bị bỏ rơi vì bị cho là nói dối. 

Nhiều sự thật trở nên gian nan trong ngày Cá tháng Tư (Ảnh minh họa)
Nhiều sự thật trở nên gian nan trong ngày Cá tháng Tư (Ảnh minh họa)

Ngày 1/4 năm ngoái, Duy đặt vé máy bay ra Đà Nẵng chụp ảnh cưới cho khách. Khi vào làm thủ tục cậu mới phát hiện mình quên chứng minh thư. Duy tức tốc gọi điện nhờ cậu bạn thân cùng phòng trọ mang đến. 

Cậu bạn gật đầu lia lịa, bảo sẽ mang ra ngay. Vậy mà nửa tiếng sau, khi thời gian làm thủ tục sắp hết thì cậu ta gọi cho Duy với giọng hỉ hả: Đừng mơ lừa được tớ nhé!”.

Lúc này Duy mới chột dạ nhớ hôm nay là ngày Cá tháng Tư. Cuối cùng cậu phải lỡ chuyến máy bay, thất hẹn với khách hàng. “Đến khi mình trở về phòng, cậu bạn mới tin và rối rít thanh minh là sợ bị chơi khăm, chứ không ngờ…”, Duy nói.

Sáng 1/4, run rủi thế nào khi ra đường, Hoàng Thị Thùy, SV Trường ĐH KHXH&NV TPHCM lại bị té xe. Không quá nặng nhưng đầu gối bị thương, lại hoảng loạn nên Thùy phải nhờ bạn bè đến đón về. Từ bạn cùng phòng, bạn cùng lớp cho đến hai người bạn thân… Thùy gọi cho ai cũng bị khước từ.

“Mình càng ra giọng khổ sở, năn nỉ thì mọi người lại càng không tin. Có bạn còn chơi lại kiểu chờ tớ đến ngay rồi bặt vô âm tín, làm mình đứng ngắc ngoải. Cuối cùng mình phải gửi xe, gọi xe ôm về. Vừa đau vừa buồn không tả nổi…”, Thùy tâm sự và cho hay cô giận lắm nhưng rồi cũng không trách bạn bè được. 

Bởi có thể trong tình huống đấy, Thùy cũng sẽ không tin. Chỉ e ngại nếu có việc nghiêm trọng xảy ra ngày này mà cần sự hỗ trợ của người khác e rằng không gặp may khi ai cũng nghĩ mình đang bị lừa. 

Day dứt những “chú cá” không dễ bị lừa

Bị không biết bao nhiêu “vố” trong ngày này nên Lan Hương, SV Kinh tế đặt ra nguyên tắc không tin bất cứ thông tin nào vào ngày Cá tháng Tư. Cũng vì vậy mà đến giờ Hương day dứt chưa thôi vì tội “cứng đầu” của mình.

Cách đây hai năm, Hương đang ở trường thì cô bạn thân gọi điện khóc thút thít bảo có người thân gặp tai nạn, đang nằm viện cấp cứu, nhờ Hương cùng vào viện do nhà neo người. Hương đã tính lao đi ngay thì chợt nhớ hôm nay ngày đặc biệt, kiểu gì cũng “cắn câu” như chơi. Nhất khi cô bạn của Hương vốn hay đùa, kể cả những chuyện rất khủng khiếp…

Thành ra Hương không đến. Cho đến chiều, cô mới thẫn thờ khi biết người bạn đã lên đường đưa người thân về quê. Cho dù sau đó bạn không trách nhưng Hương vẫn nặng nề trong lòng. 

Trường hợp của Thảo, năm đó đang thực tập ở một công ty cùng một số bạn bè cùng lớp. Đến sáng ngày Cá tháng Tư, cả nhóm nhận được mail của một người bạn thông báo chiều nay phía lãnh đạo công ty tổ chức một buổi trao đổi về nghề nghiệp, chuyên môn.

Ở cuối, cô bạn nhấn mạnh, không phải trò đùa ngày Cá tháng Tư thì Thảo càng đinh ninh nội dung thư là xạo. Thảo bỏ qua, không làm theo mà không ngờ lại là thật, cả nhóm 8 người hôm đó cũng chỉ một nửa có mặt. Những người không tham dự không những mất cơ hội về một buổi trao đổi quan trọng mà còn bị đánh giá là vô kỷ luật.

Cá tháng Tư được mặc định là ngày… của những lời nói dối nên cả nhiều lời nói thật cũng trở nên khó được tin cậy. Bạn bè hay người thân đưa một thông tin nào đó vào ngày này nhưng vì cảnh giác cao nên nhiều người không sập bẫy mà không lường được rằng có những sự việc có thật… Khi vỡ lẽ, không chỉ người đưa tin mà cả người nghe tin cũng gặp khó xử.

Thành ra, điều gì có thể đem ra đùa, điều gì tuyệt đối không nên cũng như điều gì có thể không tin và điều gì cần tin vào ngày Cá tháng Tư là điều mỗi người cần phải tự nhắc nhở mình để tránh những tình huống đáng tiếc. 

Như Lan Hương, sau lần không tin bạn, cô tự nhủ ngoài những trò đùa vô hại, tin hay không chẳng ảnh hưởng gì, còn việc nghiêm trọng, cô nhất quyết tin, chấp nhận cả việc bị lừa… còn hơn nhỡ đâu là thật.

Lê Đăng Đạt