Do đâu Gen Z đứng đầu danh sách bị đuổi việc?

PV

(Dân trí) - Nhiều nhà quản lý cho biết, họ rất khó làm việc và có không ít lý do khi quyết định sa thải Gen Z.

Việc tuân thủ các quy định như tham gia cuộc họp đầy đủ, đi làm đúng giờ, ăn mặc chỉn chu, hoàn thành công việc đúng hạn... đều là trách nhiệm của người lao động khi đi làm.

Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận giới trẻ lại không làm tròn nhiệm vụ này.

Do đâu Gen Z đứng đầu danh sách bị đuổi việc? - 1

Các bạn trẻ liệu có đang thực hiện tốt công việc của mình hay không? (Ảnh: Perkins Asbill).

Theo một cuộc khảo sát của Resume Builder với hơn 1.300 chủ doanh nghiệp, 3/4 nhà quản lý nhận thấy, Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) là những người khó cộng tác và làm việc cùng nhất.

Đầu tiên, sự bất bình lớn nhất của cấp trên với thế hệ Z là chuyên môn không đạt yêu cầu. Việc không thực hiện đúng hoặc đầy đủ công việc sau khi trải qua thời gian đào tạo nhân viên mới có thể gây khó chịu cho các nhà quản lý.

Nhưng đó cũng là thách thức không kém đối với Gen Z. Do đó, không ít nhân viên trẻ cảm thấy áp lực so với đồng nghiệp lớn tuổi hơn khi gặp sự cố trong công việc.

Thứ hai, nếu người trẻ thường xuyên đi làm muộn hoặc xin nghỉ quá nhiều sẽ tạo gánh nặng cho chủ lao động và đồng nghiệp. Bởi họ phải sắp xếp, nhận thêm phần việc để kịp với tiến độ của công ty.

Khoảng 22% người sử dụng lao động tại Mỹ sa thải nhân viên vì đã viện cớ gọi điện báo ốm và 41% sa thải nhân viên vì đến muộn, theo Perkins Asbill.

Thứ ba, thông thường, công ty sẽ cho phép nhân viên sử dụng máy in để sao chép tài liệu cá nhân.

Tuy nhiên, việc Gen Z sử dụng đồ dùng văn phòng cho mục đích cá nhân hoặc "công việc phụ" có thể bị coi là hành vi trộm cắp. Điều đó khiến họ bị sa thải ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Gen Z cũng là thế hệ đảm đương nhiều nghề cùng lúc để kiếm thêm thu nhập, theo Fortune.

Cuộc khảo sát với 3.400 người từ 11 quốc gia do Viện Lực lượng lao động Australia thực hiện cho thấy, hơn 1/4 (26%) Gen Z không tự tin khi đàm phán. Hơn nữa, 24% cho biết, họ chưa sẵn sàng làm việc nhiều giờ và 21% không muốn bị người khác quản lý.

Tuy nhiên, 32% Gen Z vẫn tin rằng, họ là thế hệ làm việc chăm chỉ nhất. Họ thừa nhận sẽ siêng năng hơn nếu công ty cho phép sắp xếp thời gian linh hoạt. Nhưng phần lớn nhà quản lý (65%) đưa Gen Z lên đầu danh sách sa thải trước bất kỳ thế hệ nào khác.

Có lẽ, việc đào tạo - duy trì người lao động ở thế hệ mới cần có những thay đổi thực tế và phù hợp hơn. Hơn hết, những người trẻ nên học hỏi, cải thiện để phát triển bản thân và đáp ứng được khối lượng công việc.

Trà My

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm