Dịch vụ cho thuê chú rể - Chuyện người đóng thế

Thuê áo cưới, thuê xe hoa, thuê đội bê tráp… giờ là chuyện xưa như Trái Đất. Người ta còn có cả dịch vụ cho thuê cô dâu, chú rể để làm đám cưới. Và thành phần quan trọng làm nên đám cưới giả như thật này, chính là những bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi.

Không ít cô gái đã chấp nhận trả tiền để thuê một chú rể cho… đám cưới của mình. Từ nhu cầu đó mà hình thành một dịch vụ đặc biệt: Cho thuê cô dâu, chú rể để làm đám cưới giả, thậm chí, thuê cả họ hàng, thuê… người ăn cỗ đám cưới. Đám cưới vẫn được tiến hành một cách bình thường. Tuy nhiên, đằng sau đó là những câu chuyện dở khóc dở cười của những cô gái phải đi “thuê” chồng.

Đám cưới “chạy bầu”

Gõ cửa dịch vụ tổ chức đám cưới giả trong một buổi chiều muộn, Kiều Thanh (quê ở Thái Nguyên) run rẩy kể lại câu chuyện của mình với nhân viên tư vấn: “Tốt nghiệp đại học, em trụ lại Hà Nội làm việc. Làm ăn xa nhà, em nảy sinh tình cảm với một anh bạn làm nghề bán bảo hiểm, rồi trót có bầu. Đến lúc đó, em mới nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ: “Anh ấy đã có vợ và hai con ở quê rồi!”.

Hóa ra, anh ta đã giấu nhẹm chuyện có vợ con ở quê trong suốt một năm qua. Mọi chuyện vỡ lở, anh ta phũ phàng: “Tùy em, muốn giữ thì giữ, muốn bỏ thì bỏ!”. Bản thân em muốn giữ lại con nhưng rất sợ bố mẹ ở quê mang tiếng nên muốn tổ chức đám cưới giả”. Nói rồi, Thanh bưng mặt khóc.

Sau một hồi bàn bạc, Thanh đã chấp nhận thuê chú rể giả và cả họ hàng nhà trai với giá 64 triệu đồng cho 3 thủ tục: Dạm ngõ, ăn hỏi và tổ chức đám cưới. Ngày cưới, cô thở phào nhẹ nhõm khi đoàn “nhà trai” lên rất đúng giờ, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và đặc biệt là nhìn “chú rể” và “bố chú rể” rất giống nhau nên chẳng ai mảy may nghi ngờ. Ngoài ra, đoàn “nhà trai” còn bố trí thêm cả… trẻ con đi cùng cho giống một đám cưới thật.

Kết thúc đám cưới, lấy lý do bận công việc, Thanh theo “chồng” lên Hà Nội luôn. Bố mẹ, họ hàng mừng ra mặt vì con gái có phúc lấy được tấm chồng cao ráo, đẹp trai, lại có nhà ở Hà Nội. Chẳng ai biết rằng, sau lễ cưới hoành tráng đó, Thanh phải ôm bụng bầu thui thủi về nhà trọ, với nỗi lo cơm áo gạo tiền bày ra trước mắt.

Dịch vụ cho thuê chú rể - Chuyện người đóng thế - 1

Mai (sinh năm 1988, quê Bắc Ninh) cũng thuê chú rể để che mắt bố mẹ, họ hàng vì cái bụng đã lùm lùm mà chủ nhân của cái thai thì đã cao chạy xa bay. Mai bảo, cô không muốn bỏ cái thai vì cô thương đứa trẻ vô tội. Hơn nữa, sau những đổ vỡ của tình yêu, cô gái mới 25 tuổi này không còn chút tin tưởng vào đàn ông trên thế gian này nữa, cho nên cô quyết định sinh con và nguyện cả đời sống một mình để nuôi dưỡng đứa bé nên người.

Sau khi hợp đồng được ký, “chú rể” mà Mai chọn là một người có bản lý lịch khá đẹp, mới đi du học nước ngoài về, nên dù có tức giận cô con gái không giữ được mình trước khi chính thức có chồng, bố mẹ của Mai cũng phải bằng lòng.

Chỉ có điều, thời gian tới, cậu “con rể” tương lai lại phải “đi công tác nước ngoài” khá lâu nên anh xin phép gia đình nhà gái cho tổ chức đám cưới càng sớm càng tốt. Ngày cưới, bố mẹ, anh em, họ hàng nhà Mai tự hào ra mặt… Chỉ có cô dâu là “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm”.

Chuyện người “đóng thế”

Đón lõng được tâm lý muốn “yên thân” của các bà mẹ vấp phải tình huống trớ trêu, hiện không ít địa chỉ cưới hỏi trọn gói đã thực hiện dịch vụ này và trở thành một thứ “công nghệ tổ chức đám cưới” chuyên nghiệp, với đủ mọi loại giá.

“Bạn cần chú rể đóng vai trong ngày cưới? Hãy để chúng tôi giúp bạn tìm một chú rể đúng nghĩa: Phong độ, đẹp trai, lịch lãm và có tài đóng vai hoàn hảo…”. Trên các trang mạng Internet, bạn không khó để gặp lời quảng cáo như thế. Đám cưới giả đã tạo ra một công việc “lạ tai” trong xã hội: Nghề “đóng thế”.

Đức Minh (một bạn trẻ kinh doanh dịch vụ này tại Hà Nội) vốn là một diễn viên đóng thế, chuyên lo nhân lực “vỗ tay thuê” cho các games show, một lần, nghe một người bạn mếu máo tâm sự rằng, nếu cả gia đình phải bay từ Sài Gòn ra Hà Nội ra mắt nhà gái thì chi phí vé máy bay rất tốn kém, Minh đã nảy ra sáng kiến đi thuê “họ hàng”. Phi vụ qua mặt họ hàng thành công trót lọt, Minh đã đi tìm nhân sự để mở ra dịch vụ “cho thuê chú rể và người đại diện của nhà trai”.

Họ sẽ được cấp một số điện thoại tạm thời trong thời gian thực hiện đám cưới để tiện liên lạc. Sau khi mọi việc xong xuôi, số điện thoại đó sẽ được thu lại để dễ bề quản lý. Kịch bản đám cưới giả thường được xây dựng là chú rể đã có nhà riêng nhưng công việc hay phải đi công tác xa để… tiện đường rút lui.

“Chúng tôi nhận bảo hành sau đám cưới trong khoảng 1 – 3 năm. “Bảo hành” là sự xuất hiện của “chú rể” mỗi khi nhà gái ở quê ra thăm, khi “vợ” sinh nở hoặc ở quê có đám hiếu, hỉ, chúc Tết hai họ để họ hàng khỏi nghi ngờ”, bạn trẻ này tiết lộ.

Khách hàng tìm tới dịch vụ đóng thế này chủ yếu là phái nữ. Anh Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc công ty Vi..., đơn vị chuyên cho thuê cô dâu, chú rể cho biết, công ty tổ chức được khoảng 10 đám cưới giả/tháng, trong đó, có tới 9 đám đề nghị thuê chú rể.

“Hai phần ba trong số đó là những cô gái cưới “chạy” bụng bầu, còn lại là những người phụ nữ đã trên 30 tuổi, lại muốn sống đơn thân nên kiếm người để cưới tránh sự thúc giục của gia đình, bố mẹ; hoặc là những người đồng tính nữ bị bố mẹ ép lấy chồng. Họ muốn tổ chức đám cưới để đẹp lòng mẹ cha, để mẹ cha tận mắt nhìn thấy con cái mình yên bề gia thất và tránh lời đàm tiếu, miệng lưỡi cay độc của thiên hạ.

Thương tâm hơn cả là những trường hợp chú rể “mất tích” ngay trước ngày cưới, mặc dù cỗ bàn đã chuẩn bị sẵn, khách khứa đã mời đông đủ và cô dâu đã lùm lùm cái bụng. Khi đó, lễ cưới không thể hoãn lại, họ buộc phải nghĩ đến việc thuê “chú rể” và cả “họ nhà trai” để mọi thứ vẫn diễn ra như bình thường cho đẹp mặt với xóm làng, rồi sau đó tính tiếp.

Chính vì hoàn cảnh như thế nên nếu coi đám cưới giả là một vở kịch thì các diễn viên đóng thế của chúng tôi phải diễn xuất thành công 100%. Sau khi kiểm chứng độ tin cậy của thông tin, công ty mới ký hợp đồng, cho êkíp lên kịch bản chi tiết, phân vai diễn viên chính, phụ. Vở kịch không được phép diễn lại, không để xảy ra sai sót, nếu không, mọi chuyện sẽ đổ bể đến mức không thể cứu vãn được”, anh Thiện nói.

Để tránh bị lộ mặt, mỗi “chú rể” không được “đón dâu” quá 3 lần/tháng, không quá 10 lần/năm. “Chú rể” phải đáp ứng đủ các yêu cầu như: Tuổi đời từ 20 – 52 tuổi, ngoại hình tốt, ăn nói dễ nghe, biết uống rượu nhưng không được để say và nếu có say thì phải nhớ chiến thuật “im lặng là vàng”… Họ được đào tạo những kỹ năng, cách giao tiếp cơ bản để tạo nên hình ảnh chú rể hoàn hảo trong mắt nhà gái.

“Chú rể” có thể là dân công sở đang nhàn rỗi hoặc đã về hưu, là những chàng trai ở quê lên thành phố kiếm sống bằng nghề phục vụ nhà hàng, đôi khi, cũng có cả chàng sinh viên đang đi làm thêm để lấy tiền ăn học.

Theo quảng cáo của những dịch vụ cho thuê người đóng thế, trong hợp đồng, luôn có những điều khoản yêu cầu cả “diễn viên” và người thuê phải tuân thủ như: Chỉ được ôm eo, thơm má và không được quan hệ tình dục với người đóng thế trong suốt thời gian diễn ra lễ cưới.

Tuy nhiên, chính họ cũng phải thừa nhận, việc “phim giả tình thật”, tự nguyện đến với nhau giữa nhân viên và khách hàng sau lễ cưới giả đó là không thể kiểm soát.

Đỉnh cao của sự gian dối?

Nhìn nhận một cách tích cực thì dịch vụ cho thuê chú rể, làm đám cưới giả đã giúp đỡ được rất nhiều cô gái thoát khỏi cơn khủng hoảng khó tháo gỡ, bởi họ đều là những người đàng hoàng, tử tế, vì tin tưởng mà trao thân cho người yêu.

Thế nhưng, dịch vụ này cũng khiến không ít người phản đối, cho rằng, làm đám cưới giả là lừa dối người thân và chỉ càng khiến giới trẻ “củng cố” lối suy nghĩ: Cứ sống vô tư “thoáng”, xảy ra hậu quả thì chỉ cần thuê người làm đám cưới giả (!). Có người gọi đám cưới giả này là “đỉnh cao của sự gian dối”. Nhưng dù nhìn nhận thế nào, sau tất cả, suy cho cùng, cô dâu vẫn là người thiệt thòi hơn cả.

Theo anh Ngô Minh Uy, Giám đốc công ty WE Link, Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP. HCM, làm đám cưới giả là cô dâu chấp nhận sống với cảm xúc giả, bên cạnh chú rể giả, quan viên hai họ giả, trong một ngày đáng ra phải là ngày hạnh phúc nhất đời mình.

“Đám cưới đó không phải là sự kết nối vợ chồng mà chỉ là quan hệ “làm ăn” sòng phẳng, người mua phải trả tiền cho người bán để được hưởng dịch vụ như mong muốn”, anh Uy phân tích.

Anh Ngô Minh Uy tư vấn: “Nếu chẳng may rơi vào tình huống bất khả kháng như thế và được gợi ý làm đám cưới giả, người trong cuộc cần phải tự đặt câu hỏi: Tại sao mình lại chọn cưới giả làm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đó? Nếu vì để người ngoài không cười chê thì cần nhớ rằng, mình sống cho mình chứ không sống cho người khác. Còn nếu vì để con có cha thì rốt cuộc, “người cha” ấy cũng chỉ hành xử như một người cha giả.

Mấu chốt để các bạn nữ có thể đưa ra quyết định sáng suốt là họ cần có đủ tự tin. Khi gặp sự cố vượt khỏi khả năng giải quyết của bản thân thì đừng nghe theo ai cả mà hãy tìm sự hỗ trợ từ những người có thể lắng nghe, tôn trọng và gợi mở được cơ hội.

Và hãy nhớ, người bạn đời không phải và không bao giờ là người có thể đi thuê, hôn nhân cần xuất phát từ tình yêu và sự tự do lựa chọn của mỗi người”.

Theo Hải Đăng

Sinh viên Việt Nam