Đi làm không vì thu nhập thì vì cái gì?

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Nhiều người cười khẩy khi nghe ai đó nói "đi làm vì đam mê, không đặt nặng vật chất". Vậy, nếu không vì thu nhập thì mục tiêu cuối cùng của việc đi làm là gì?

Theo đuổi tiền bạc không có gì là sai cả. Một người trưởng thành cần có công việc tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Đó tưởng chừng là một điều dễ hiểu, nhưng thời gian gần đây, câu chuyện "đi làm không vì thu nhập" bỗng trở thành vấn đề được giới trẻ quan tâm và bàn luận.

Nhiều người thừa nhận bản thân làm việc không vì tiền mà hướng đến nhiều thứ khác.

Chấp nhận làm việc như cu li để được học hỏi

Nguyễn Đường (26 tuổi, quê Trà Vinh, hiện làm việc tại TPHCM) nhớ lại quãng thời gian mới ra trường và kết luận rằng anh luôn chọn công ty thay vì chỉ tập trung "làm đầy hầu bao". Đường theo học ngành Công nghệ thông tin, trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. 

Ngày mới tốt nghiệp, anh xác định rằng bản thân sẽ chấp nhận làm việc như cu li trong một công ty để có thể thử sức với nhiều vị trí công việc khác nhau. 

"Mình ở vị trí là một nhân viên lập trình nhưng khi đó, mình được "đụng" tất cả mọi thứ, từ sửa máy in, bơm mực, xuống trực tiếp tại nhà máy vận hành hệ thống, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý kho…

Vậy nhưng mức lương mình nhận về cũng rất khiêm tốn. Lương khởi điểm của mình là 8 triệu, một con số không cao so với bạn bè cùng lĩnh vực này", anh nhớ lại.

Cho đến bây giờ, khi mức thu nhập đã trở nên dư giả hơn, Đường vẫn thầm cảm ơn quãng thời gian "làm như cu li" thuở ấy. Từ những công việc vặt, anh có thêm kinh nghiệm để tự sửa chữa đồ dùng trong cuộc sống hằng ngày.

Bản thân anh tiếp xúc với nhiều người cũng trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Trong khi đó, kỹ năng chuyên môn cũng được nâng cao nhờ gặp được người sếp tận tình.

"Trước đó mình khá kiệm lời, không phải vì không hòa đồng mà mỗi lần gặp người lạ là mọi thứ bỗng nhiên cứng họng. Sau thời gian làm việc ở công ty, mình được đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều nên bản thân cũng thay đổi, trở nên hoạt bát hơn. Có lần, mình ngượng chín mặt vì bị một nhóm bạn nữ trêu đùa mà không thể mở miệng phản bác. Về đến nhà mới nghĩ ra câu đối đáp, lúc đó đâu có ý nghĩa gì nữa đâu", Đường kể.

Phạm Thu Hiền (25 tuổi, làm việc tại Hà Nội) cũng có chung suy nghĩ rằng người trẻ nên thử sức với các vị trí khác nhau để học hỏi, thay vì chỉ chú trọng quá nhiều vào thu nhập.

Đi làm không vì thu nhập thì vì cái gì? - 1
Thu Hiền chọn công việc với mong muốn "cứng tay nghề" thay vì chỉ chú tâm đến mức lương (Ảnh: NVCC).

Từ công việc của nhân viên hành chính nhân sự, Hiền "nhảy" sang vị trí Tester (Người kiểm tra chất lượng phần mềm, phát hiện ra các lỗi, sai sót hay bất cứ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng phần mềm - PV). Hiền thừa nhận "có cơ hội thì tội gì không thử sức, vì cuộc sống không phải lúc nào cũng cho ta cơ hội để khám phá bản thân". 

Với cô gái này, mức lương không phải là yếu tố quan trọng quyết định rằng có gắn bó với một công ty hay không. Hiền mong muốn được học hỏi để vững vàng trong con đường xây dựng sự nghiệp. Tất nhiên, mức thu nhập đạt được của cô vẫn có thể giúp trang trải cuộc sống xa nhà.

Hiền bày tỏ quan điểm: "Chỉ cần mình nắm vững kiến thức thì đi đâu cũng có thu nhập. Thế nên, theo góc nhìn của mình, nếu nói mục tiêu cuối cùng của đi làm chỉ là thu nhập thì không đúng cho lắm.

Bản thân tạo ra thành quả, giá trị cho công ty thì không lo thiệt thòi. Chỉ khi không tạo ra được giá trị hoặc thiếu nhiệt huyết cho công việc mới dễ rơi vào vòng xoáy sa thải và luôn chăm chăm nghĩ đến thu nhập mà thôi. Nhà quản lý đánh giá một nhân viên không chỉ dựa trên trình độ chuyên môn mà còn chú ý đến cả thái độ của họ nữa. 

"Khôn" ra nhờ sếp tốt

Một sinh viên mới bước chân từ môi trường giảng đường ra thị trường lao động rộng lớn không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ. Bởi công việc thực tế cần nhiều hơn những gì họ học được từ trường lớp và lúc này, một người sếp tốt sẽ trở thành "ngọn hải đăng" để người trẻ được soi sáng, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp. 

Nguyễn Đường chọn công ty thay vì mức lương, chọn người sếp tốt thay vì chỉ chú tâm đến lợi ích vật chất là bởi thế. 

Anh chia sẻ câu chuyện của mình rằng: "Giữa một tập đoàn nhiều tiềm lực nhưng lương thấp và một công ty lương gấp đôi mình đã chọn chỗ có mức thu nhập thấp. Có thể nhiều người sẽ cười cợt mình tại thời điểm đó, nhưng cho đến bây giờ mình không hề hối hận vì quyết định ấy. Có người sếp từng nói với mình rằng, khi làm gì đừng chỉ nghĩ đến tiền đầu tiên, làm chỉ vì vật chất chưa chắc đã đến nơi đến chốn, bởi tiền sẽ là thành quả tất yếu bạn nhận được nếu làm tốt".

Bản thân Thu Hiền cũng gặp nhiều thử thách khi bắt đầu công việc ở một vị trí mới toanh, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉn chu đến từng chi tiết. Song, Hiền nhận được nhiều bài học và lời khuyên đầy kinh nghiệm từ sếp. 

Theo cô, ở mỗi công việc đều có những yêu cầu đặc thù và ở vị trí là nhân viên thì chắc chắn sẽ "khôn ra nhờ sếp tốt". Một người sếp tốt nhiều khi không chỉ quan tâm mỗi hiệu suất công việc mà biết cách quản lý và giúp nhân viên tiến bộ hơn trong công việc.

Đi làm không vì thu nhập mà vì mục tiêu cá nhân

Anh Nguyễn Quốc Hội - Operation Manager (Quản lý vận hành) tại một khách sạn cho rằng, một số ứng viên lựa chọn vị trí công việc không chỉ vì thu nhập có thể gắn với các mục tiêu riêng. 

Đi làm không vì thu nhập thì vì cái gì? - 2
Anh Nguyễn Quốc Hội cho rằng, bạn trẻ "đi làm không vì thu nhập" bởi chú ý đến các mục tiêu cá nhân dài hạn (Ảnh: NVCC).

Theo anh, khi ứng viên có nhu cầu tìm việc làm và tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp mà không thực sự quan tâm đến thu nhập thì bản thân họ kỳ vọng vào các mục tiêu cá nhân:

Thứ nhất, được làm việc trong một công ty có danh tiếng và sự uy tín, với môi trường làm việc chuyên nghiệp cùng chế độ đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Thứ hai, có cơ hội được trải nghiệm, thách thức bản thân, hoặc đơn giản là vì công ty gần nhà, thời gian làm việc linh động, đi làm để tránh phải làm việc nhà, đi làm vì được làm công việc chuyên môn yêu thích, đi làm vì vẻ hào nhoáng của công việc, đi làm vì tìm kiếm cơ hội phát triển các mối quan hệ của bản thân…

Thông thường, có một số nhà tuyển dụng hứng thú với kiểu ứng viên đi làm mà không đặt vấn đề thu nhập lên hàng đầu, bởi nhà tuyển dụng tôn trọng quyết định và thấu hiểu mục tiêu của họ khi trình bày quan điểm đó.

Một vài làn sóng đi làm không vì thu nhập diễn ra phổ biến ở giới trẻ vì họ có nhiều thời gian để trải nghiệm, chưa có sức ép về cuộc sống và các mối quan hệ cá nhân. Mặt khác, một số bạn trẻ có mục tiêu cao hơn và dài hạn hơn so với mặt bằng chung của người lao động.

"Nhà tuyển dụng có thể tìm được những nhân lực có yếu tố khác biệt và là hạt nhân cho những mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tìm được những ứng viên có quan điểm và tư duy như trên cũng là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp cũng như cho ứng viên quan tâm", anh kết luận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm