Đi bar một mình

Con trai đi bar một mình đã thấy lạ, con gái đi bar một mình thì dù có đang buồn rơi nước mắt cũng phải có cá tính cực kỳ mạnh mẽ mới dám vào đây. Và phải rất phớt đời nữa, bởi ngồi một mình dễ trở thành tiêu điểm cho nhiều ánh mắt, coi chừng bị người ta hiểu nhầm.

“Một mình tôi buồn giữa cuộc vui”

 

Trong suy nghĩ của nhiều người, bar đồng nghĩa với đám đông, không khí sôi động và là nơi lui tới của những người hiện đại. Khi quá vui hay buồn, người ta có thể một mình đến bar để gặm nhấm nỗi buồn hay chia sẻ niềm vui.

 

Khi quá vui thì đơn giản rồi, một chai rượu gọi ra là đủ để có thêm một vài người “chén thù chén tạc”. Khi vui người ta hay cười, mà nụ cười dễ làm con người xích lại gần nhau, bởi nụ cười là sự chia sẻ. Còn khi buồn?

 

Trong tâm trạng ấp ủ nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai, hoặc không cần thiết phải nói ra, người ta cũng đến bar ngồi để tự hào tan vào đám đông nhộn nhạo. Chị Dương Nga (chuyên viên văn hóa - Đại sứ quán Nhật Bản) cho hay: “Mặc dù quán bar có chật như nêm cối thì mỗi người tự phấn khích cũng đã đủ, ai mà dư hơi thừa sức để ý đến nỗi buồn của người khác. Cứ yên tâm ngồi một góc, gặm nhấm nỗi buồn, chiêu vài ngụm rượu. Nhiêu đó cũng xóa được phần nào nỗi buồn rồi”.

 

Con trai đi bar một mình đã thấy lạ, con gái đi bar một mình thì dù có đang buồn rơi nước mắt cũng phải có cá tính mạnh mẽ cực kỳ mới dám vào đây. Và phải rất phớt đời bởi ngồi một mình dễ trở thành tiêu điểm cho nhiều ánh mắt, coi chừng bị người ta hiểu nhầm.

 

“Nhưng mà đã “buồn chết đi được” thì dù thế nào vẫn phải cho bản thân tìm một chỗ riêng để mà cảm thấy “một mình tôi buồn giữa cuộc vui”...” - chị Huỳnh Tú Mỹ - họa sĩ (Công ty quảng cáo truyền thông V.A.T, 24 Hồng Hà, P.2.Q. Tân Bình, TPHCM) bộc bạch cảm xúc của mình như vậy sau rất nhiều lần ngồi trong bar lắc lư theo nhạc, hay ngắm nhìn thiên hạ vui buồn với tâm trạng trống rỗng.

 

Có người lại tìm đến quán bar để tìm cho mình một không gian sống. Khi công việc hối hả, cần thư giãn, thay vì đi đâu xa, họ tìm bar để xả những mệt mỏi, cảm xúc bị dồn nén của mình. Cuộc sống hiện đại đã mang đến tất cả: Laptop hiện đại, ĐTDĐ thế hệ mới, phòng làm việc đầy đủ tiện nghi... và sau đó là cả một không gian “bar” ấn tượng.

 

Không gian của bar cũng muôn màu muôn vẻ, ồn ào và tĩnh lặng, nhộn nhịp và trầm lắng, nhạc bốc lửa - đương nhiên, tình khúc êm dịu - cũng có. Người ta có thể tìm đến đây để trao đổi, bàn luận, thư giãn, cười đùa, chiêm nghiệm, bày tỏ và cuối cùng là... để cân bằng trạng thái tâm lý của chính mình - có sao đâu nhỉ?

 

Luật bất thành văn!

 

Đi bar một mình - 1

Vào bar trút bầu tâm sự, nhưng nếu không tỉnh táo sẽ dính thêm “tâm sự” khác.

Với cánh mày râu, ngồi một mình trong bar nhiều khi lại gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười hơn cả chị em. Đang lơ mơ, bất chợt một “dáng hồng” đi qua nhoẻn miệng cười thì hỡi những kẻ âu sầu: Xin chớ vội giật mình! Chưa quen nhau thì làm quen. Gặp lúc tâm sự ủ ê thì nhiều khi một gương mặt không quen cũng dễ thành cái cớ cho sự chia sẻ.

 

Dáng hồng đi lướt qua, kẻ sầu đời chỉ cần ngoắc tay hay đá mắt là người đẹp sẵn sàng uống rượu cùng, ân cần hỏi thăm như bạn bè từ lâu mới gặp.

 

Có điều, dân chuyên nghiệp đi bar đã có câu đúc kết cảnh báo nghe rất hóm nhưng cũng rất “cay”: “Đừng nghe ca-ve kể chuyện, đừng nghe con nghiện giãi bày”. Đó như luật bất thành văn cho những ai vào bar trút bầu tâm sự nhưng rốt cục lại dính thêm “tâm sự” khác nặng nề hơn.

 

Song dù như thế nào, cứ vào bar đi, cứ buồn cho hết đi, cho đến khi tâm trạng trống rỗng. Buồn đã rồi thì về nhà. Tự vùi mình trong giấc ngủ. Sáng dậy tự nhiên thấy nỗi buồn trôi đi đâu mất. Thế là rút ra điều chiêm nghiệm: Đi bar một mình cũng có đôi điều ích lợi!

 

Theo Netmode/Thời Trang Trẻ