Đi “bão” dưới nước
Chạy một đoạn lấy đà, M. dùng hết sức “búng” người lên không trung rồi thả mình rơi tự do xuống dòng sông dưới chân cầu Khánh Hội (Q.4). “Hạ cánh” an toàn trong tiếng reo hò của đám bạn, M nổi hứng biểu diễn thêm vài kiểu bơi độc chiêu nữa...
Bỗng "Á...!", sau tiếng thét của M.lớp 12 trường Phú Nhuận - Q.Phú Nhuận), nước ở một khúc sông dần chuyển sang...màu đỏ của máu...
1001 kiểu “bão”
Ôm cánh tay bị xướt một vệt dài vào bờ, M.(lớp 12 trường Phú Nhuận - Q.Phú Nhuận) nhăn nhó: “Định bám theo chiếc xuồng máy để... lướt sóng, ai ngờ bị chân vịt chém, xui gì đâu!”. Nhìn cánh tay đẫm máu của M, tôi lo ngại: “Trò này nguy hiểm quá, không sợ sao?”. M. thản nhiên: “Tụi tui đứa nào cũng biết bơi, lo gì!”. Vì nghĩ “biết bơi, lo gì!” nên bất kể sông, kênh hay mương, nơi nào bơi được là M. và nhóm bạn đều có thể “bão”. Thậm chí, theo M., “dân bão” chính hiệu phải chọn những cây cầu cao, nước sông chảy xiết để trổ tài mới đúng “đẳng cấp” (!).
Đợi vài phút để M. trấn tĩnh, các thành viên trong nhóm bèn rủ nhau đổi địa điểm để... xả xui. Nơi dừng tiếp theo là con sông dưới cầu Tân Thuận (Q.7). Thấy tàu thuyền ra vào tấp nập, P (lớp 12 trường Nguyễn An Ninh - Q.10) hào hứng ra mặt: “Tụi mình bám theo chiếc tàu lớn đằng kia đi!”. Nói rồi, P khơi mào nhảy “ùm” xuống sông, bắt đầu trò “bão”. Đứng trên bờ theo dõi cuộc thi thố, tôi không khỏi hồi hộp khi chốc chốc lại thấy sãi tay của các “vận động viên” chạm vào mạn tàu, nguy cơ bị chân vịt chém chỉ trong gang tấc!...
Hẹn gặp nhau ở kênh Ba Bò (Q.Thủ Đức) đặc quánh bùn, nhóm bạn của Đ. (lớp 12 trường Thủ Đức - Q.Thủ Đức) bước vào trận “bão” với giao kèo: Ai ngóc đầu lên khỏi mặt nước coi như thua. Phớt lờ mùi hôi nồng nặc bốc lên từ lòng kênh đen sì, Đ. cùng nhóm bạn ra sức lặn ngụp. Kết quả chung cuộc, người chịu đựng được “mùi hương” lâu nhất và bơi về đích sớm nhất đã trở thành nhà vô địch. Thấy tôi đứng trên bờ vừa quan sát vừa bịt mũi, Đ cười khẩy: “Ngửi riết rồi quen, có khi còn... ghiền nữa. Chơi trò này lúc hên còn lượm được bóp tiền, đồng hồ... người ta đánh rơi xuống kênh nữa đó...”.
Chọn một buổi chiều trời quang mây tạnh, nhóm bạn của K (lớp 10 trường Nguyễn Du - Q.10) tấp vào khu rạch Bàng (Q.7) để “xuất chiêu”. Nhìn bộ đồ nghề (ống thở, mắt kiếng...) lỉnh kỉnh của K, tôi tò mò: “Dân bơi chuyên nghiệp mà cần những thứ này sao?”. Câu trả lời của K khiến tôi suýt té ngửa: “Tui đâu biết bơi. Nhưng chả sao, nước ở đây cạn xìu à, an toàn lắm!”. Vốn có chút hiểu biết về khu vực rạch Bàng, tôi vội cảnh báo K cùng nhóm bạn rằng bãi cát tuy nóng, nhưng khi thủy triều lên có thể trở thành vùng nước xoáy mà mắt thường khó thấy được. Không chút lo sợ, K. cãi: “Xì...! Tuần nào tụi tui chẳng ra đây “bão”, có thấy gì ghê gớm đâu!”.
Kiểu “bão” của N. (lớp 12 trường Nguyễn Hữu Huân - Q. Thủ Đức) cùng nhóm bạn cũng “sốc” không kém. Trèo lên mỏm đá với độ cao hơn 5 mét, quay lưng về hướng mặt hồ Đá (Q.Thủ Đức), cả bọn cùng thả mình rơi tự do xuống nước. Với cuộc chơi này, ai lặn dưới hồ lâu nhất sẽ là người thắng cuộc. Đang “bão” ngon lành, bỗng một “vận động viên” mặt xanh như tàu lá thất thểu bước vào bờ”: “Thằng mắc dịch nào chơi ác, kéo chân làm tao sặc nước gần chết!”. Đáp lại thái độ bực dọc của anh chàng là một tràng cười hả hê của mấy “chiến hữu” dưới hồ...
Dù có biển cảnh báo nơi đây từng có hơn 30 trường hợp chết đuối, nhưng khu vực Hồ Đá (Thủ Đức) vẫn có nhiều bạn trai xuống tắm
Để bảo vệ vẻ đẹp văn minh đô thị nơi công cộng, tại các ao hồ, kênh rạch, sông suối ở bến phà, bến cảng, công viên... luôn có biển báo cấm tắm giặt, cùng đội quản lí trật tự đô thị đi tuần tra mỗi ngày. Nếu bạn vi phạm, bị phát hiện sẽ bị lập biên bản, xử phạt. Mức phạt có thể từ 100.000đ đến 300.000đ.
Thầy Văn Sĩ (giảng viên trường ĐH Luật) |
Chơi “bão”, tính mạng có thể gặp... “bão”
Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ - TB&XH), từ đầu hè đến nay, cả nước có 50 trường hợp học sinh bị chết đuối do tắm ở sông, hồ, biển... và hiểm họa này có nguy cơ tiếp tục tăng cao. Chú Phú Cường, bảo vệ công viên Tôn Thất Thuyết (Q.4) cho biết: “Nhiều lần chứng kiến các thanh niên tới khu vực sông gần cầu Tân Thuận (liền kề với công viên Tôn Thất Thuyết) bơi lặn, đùa nghịch sát mạn tàu, chú đã nhắc nhở, thậm chí răn đe. Nhưng vì không có thẩm quyền xử lí nên nhóm bạn trẻ này đã phớt lờ, “bão” vẫn cứ “bão”.
Một người dân sống ở khu vực gần cầu Tân Thuận cho biết thêm: “Nhảy từ trên cao xuống sông rất nguy hiểm, vì sau khi nhảy, theo phản xạ tự nhiên, các vận động viên” thường trồi lên khỏi mặt nước ngay nên dễ đụng đầu vào tàu thuyền hay chân cầu gần đó. Nguy hiểm hơn, nếu nhảy xuống nước khi chưa khởi động, cơ thể bị giảm thân nhiệt đột ngột có thể bị chuột rút, chết đuối như chơi”.
Trong quá trình thu thập tư liệu viết bài này, tôi không khỏi rùng mình khi nghe kể những chuyện sởn tóc gáy. Có lần, đang “bão” thì A. bị cuốn vào vùng nước xoáy và bị kéo tụt xuống đáy sông. Cứ tưởng A. bị “Hà Bá” bắt mất rồi, may sao áp lực nước bất ngờ đổi chiều, đẩy anh chàng lên mặt nước trở lại. Vậy mà sau lần chết hụt đó, A. chẳng những không sợ mà vẫn tiếp tục đi “bão” với ý nghĩ: “Lâu lâu mới xui một lần!”. Không một chút lo sợ, P tỉnh queo kể lại “kỉ niệm thương đau” của mình: “Bữa đó đang ngụp lặn thì tui đụng phải kẽm gai ở dưới đáy kênh khiến mình mẩy trầy trụa tùm lum.”
Hiểm nguy của việc tắm ở tọa độ “nóng” chưa dừng lại ở đó. Theo bác sĩ Ngọc Lân - Trung tâm Chăm sóc vết thương (loét) Hoàng Việt: “Nguồn nước tại các ao, hồ, sông... thường chứa rất nhiều vi khuẩn. Tắm ở những nơi này dễ có nguy cơ mắc các bệnh về da (ghẻ, nấm, lang ben...) hoặc các bệnh về tai, mũi, họng, mắt... đặc biệt, dòng nước bẩn còn là nguồn lây nhiễm những dịch bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy cấp, tay chân miệng...”.
Cô Bạch Lan (sống tại phường Bình Thọ - Q.Thủ Đức) cho biết: “Nước ở kênh Ba Bò chứa rất nhiều chất độc hại (hóa chất tẩy rửa, thuốc nhuộm...) do khu công nghiệp Bình Đường (tỉnh Bình Dương) thải ra. Lúc cao điểm, nước bốc mùi rất nặng, đứng trên bờ hít phải còn thấy sóng mũi cay xè, huống chi là bơi lội tiếp xúc trực tiếp”...
Theo Đình Khang
Mực Tím