Đầu nậu tuổi teen

(Dân trí) - Vừa kết thúc đợt “cá kiếm” ăn tiền độ mùa bóng đá Euro 2008, nhiều teen lại bắt đầu “quay cuồng” chớp thời cơ để "kinh doanh" trong cơn sốt vé trận đấu sắp diễn ra giữa Việt Nam và tuyển Olympic Brazil sắp tới.

Để có thể là một trong những người có thể vào sân Mỹ Đình “ngắm sao”, T.Hải và Q.Tùng (1990, Y.H) quyết tâm “săn” cho bằng được 2 tấm vé. Hơn thế, hai cậu còn bỏ cả những buổi học hè ở trường để chớp thời cơ… kinh doanh kiếm lời.

Phân công rõ ràng, Hải thì “trực chiến” ở nhà, vào trang web aleale để đặt vé, còn Tùng quyết tâm “ăn chực, nằm chờ” ở sân Mỹ Đình mua vé giá gốc. Nếu không mua được giá gốc là 200 nghìn đồng/ vé thì Tùng chấp nhận mua giá “sàn”, sau đó gọi điện thông báo về cho Hải rao bán lại trên mạng. Tiền chênh lệnh hai cậu “cưa” đôi.

Tùng cầm gần 10 triệu tiền chung với 3 cậu em (đều học lớp 8, T.Đ) ra sân vận động Mỹ Đình túc trực ở 4 cửa đại lý để đợi “hàng”. Bất chấp mưa nắng, 4 anh em gan lì giữ chỗ với đám đông lúc nào cũng chen lấn, xô đẩy. “Mua được 6 vé, có 4 vé là khán đài C, 2 vé còn lại thuộc khu VIP, mất hơn 5 triệu “tiền hàng”. Trả lương cho 3 đứa em đứng xếp hàng xong thì vẫn dư tầm 4 triệu. Vậy là vượt chỉ tiêu rồi”, Hùng cầm tệp vé cười mãn nguyện.
 
 
Đầu nậu tuổi teen  - 1
Một lời "rao" bán vé trên mạng

Vé ở khán đài C, D được mua trung bình với mức giá 700 đến 800 nghìn đồng/ vé, sau đó được hai cậu rao bán với giá từ 1 triệu 2 - 1 triệu 8/ vé. “Tiếc là không mua được thêm, vì tình hình là có nhiều đứa vẫn “khát” lắm. Ngồi đâu chúng nó cũng chẳng quan tâm, miễn là bước chân được vào sân để hít hà không khí là ok rồi” - K.T. Đông (1988), một trong những bạn cũng thực hiện “giao dịch” mua đi bán lại như Hải và Tùng.

15 tuổi, nhưng Lê Văn Đức đã tỏ ra khá sành sỏi trong những vụ buôn bán kiếm lời sau một vài lần đi cùng anh trai bắt mối. Anh cậu vốn trước kia là vận động viên Taekwondo tập luyện ở gần sân Hàng Đẫy nên có quen vài “phe vé” luôn trực 24/24 ở đường Trịnh Hoài Đức mỗi lần có những trận túc cầu gay cấn, “nóng hổi không còn chỗ mà ngồi”.
 
Đầu nậu tuổi teen  - 2
Nhiều bạn "đợi chờ trong cơn mưa" mà cuối cùng vẫn ra về tay trắng (Ảnh: Bách Nhật)

Đức cười khoái chí khoe 2 tấm vé khán đài A: “Mua vé lậu ở đủ mọi nơi, từ Mỹ Đình đến Hàng Đẫy. Đầu tiên là xếp hàng lấy vé, cũng phải có nghệ thuật mới ăn được đấy. Mấy bác to to, xăm trổ đầy mình, mồm ngậm thuốc đứng cùng mấy người đằng sau cũng… giống hệt bác ấy. (Cùng một “lò” hết đó). Mấy người đó mua liền 2, 3 chục vé rồi bán lại với giá gấp đôi, gấp ba. Ở sân Hàng Đẫy, thì có thể gấp bốn, năm lần cũng có người mua. Giá khán đài A ở chợ trời bây giờ cũng phải tầm 3 đến 4 triệu. Còn khán đài C, D thì không tính nhá, mua chỗ đó giá mấy cũng chỉ xem được… mông cầu thủ thôi”.

Tấm vé sau mỗi lần truyền tay nhau, không biết đến tay ai mới dừng lại nhưng những “nhà giao dịch” thì vô cùng “phấn khởi”: “Mỗi vé ôm về gần 500 - 1 triệu thì sao mà chả sướng. Nhập kho gần chục vé, giờ chỉ còn 3. Không phải là giá cao chưa bán được mà mình còn "om hàng" đã. Tối nay lên mạng rao tiếp, kiểu này ăn đậm luôn" - P.M.Hà (1990, L.S) chia sẻ “kinh nghiệm” “đợi thời, chờ thế” của mình.

Chuyên nghiệp và còn nhanh nhạy hơn cả các “tiền bối”, nhiều teen đã tận dụng mối quen biết họ hàng, anh chị hoặc lên kế hoạch cụ thể để mua vé rồi về giao bán với cái giá “trên trời”. Cầm trong tay khoản tiền lãi ấy, các bạn không hề biết rằng mình đang làm một việc vi phạm pháp luật mà cũng chẳng nghĩ tới những người yêu bóng đá thực sự cũng xếp hàng dưới mưa mong chờ tấm vé rồi đành chấp nhận trở về tay không.
 
Ly Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm