Đặng Hồng Anh - Yếu nhưng... bản lĩnh!

Bi sắt (petanque) được xem là “trò chơi” của phái mạnh. Đặng Hồng Anh muốn phá vỡ quan niệm ấy...

Mê “món” khó

 

Rắn rỏi, khoẻ khoắn với làn da ngăm đen của một người luôn phải tiếp xúc với nắng và bụi đất trên sân tập -  đó là ấn tượng đầu tiên về Đặng Hồng Anh.

 

Gặp Hồng Anh tại Cung Văn hoá lao động TPHCM trong một buổi tập luyện toát mồ hôi hột, ánh mắt sắc lẹm, giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười hiền hoà, chị đã thể hiện sự khoẻ mạnh bên trong chất nữ tính dịu dàng. Năm nay 28 tuổi, tự nhận mình là một người “khiêm tốn” chiều cao không thích hợp với “món” bóng chuyền, thấy bi sắt hơi lạ và cũng thể hiện dược sự khoẻ mạnh của... phái yếu, chị dần dà tập, rồi mê viên bi sắt lúc nào không biết!

 

Từ đó, hòn bi sắt cũng nhiều lần đem lại vinh quang cho chị, khiêm tốn lắm, cũng kể được... vài ba thành tích: vô địch giải Nation Cup 2004, đại diện nữ môn bi sắt Việt Nam lần đầu tiên tham gia giải thế giới ở Tây Ban Nha năm 2004, một huy chương đồng giải toàn quốc 5/2005, hai huy chương đồng đại hội thể dục thể thao TPHCM 6/2005.

 

Đặng Hồng Anh tâm sự: “Lúc mới tập, động tác, tay rất xấu. Nản lắm! Nếu như bên bóng chuyền, chỉ cần tập luyện chăm chỉ thì dễ trở thành người chơi giỏi, còn bi sắt mình phải cố gắng cao độ. Điểm rơi của bi rất quan trọng, đâu phải lúc nào người chơi cũng điều khiển được nó. Thời gian tập từ không biết chơi đến biết chơi là một tháng, nhưng để chơi giỏi thì... còn lâu! Có người chỉ chơi một tuần đã giỏi, có người chơi 30 năm vẫn không giỏi”.

 

Đứng bên ngoài nhìn vào, cứ tưởng rằng bi sắt dễ chơi, chỉ cần ném trái bi đến gần bi điểm pút-xông là được nên chúng tôi xin tập thử. Ai ngờ những động tác của chúng tôi  cứ như “chim mổ cò mổ”, ném đâu trật đó.

 

Với bi sắt, người thi đấu phải dùng trí chứ không dùng lực. Động tác tay mỗi khi ném bi của người chơi thành thạo và chuyên nghiệp uyển chuyển như múa. Chị nói: “Chơi bi sắt cũng như chơi cờ nhưng khó hơn rất nhiều. Nó có thế trận, buộc người chơi phải tư duy lúc nào bắn lúc nào bo, khi nào bắn xuống đứng, khi nào bắn chuồi. Người càng trầm tĩnh chơi càng giỏi”.

 

Cái hay nhất của bi sắt, theo chị, là ở chỗ trong thi đấu, khi mình và đối phương đều đạt tới 12 điểm (13 điểm là thắng) thì bên nào còn giữ được bình tĩnh sẽ giành chiến thắng. Nhiều vận động viên đứng trước tình thế này thường căng thẳng, dễ mất tinh thần và đó chính là điểm yếu khiến đối phương dễ dàng nhận ra và nắm ưu thế trận đấu ngay.

 

Tinh thần thép!

 

“Phải tập luyện liên tục. Chỉ khi nào mệt mới nghỉ thôi. Phải tập làm sao để tinh thần thật ổn định, nghĩa là phải luyện cho mình một ý chí thép!”.

 

“Bi sắt có hàng triệu thế trận. Không thể nào biết hết được. Tập hoài vậy chứ có khi vẫn lặp lại những cái sai của ngày hôm qua, hôm kia. Mình biết vậy nên phải chịu khó, kiên nhẫn và phấn đấu rèn luyện không ngừng”, chị cho biết.

 

Thầy Tuấn, huấn luyện của chị nói: “Hồng Anh đang tập một kỹ thuật rất khó. Khó hơn của Thái Lan. Năm ngoái, khi Hồng Anh tham gia thi đấu giải thế giới ở Tây Ban Nha, mặc dù không giành được huy chương nào nhưng các vận động viên nữ bi sắt quốc tế đã biết mình sẽ có một đối thủ “nặng ký” trong tương lai”.

 

Hiện chị đang tập với Kenji Kato -18 tuổi, vận động viên người Nhật, vô địch thiếu niên Nhật Bản môn bi sắt. Kato là bạn tập của chị đã được bảy tháng. Chị kể, trước đó, đoàn Nhật Bản sang thăm Cung Văn hoá lao động, thấy kỹ thuật bi sắt ở đây hay quá nên Kato xin ở lại Việt Nam để theo học.

 

Mỗi lần muốn nói chuyện với Kato, chị phải diễn đạt bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Đối với Kato, việc tập luyện là trên hết, chẳng thèm để ý tới chuyện đi chơi. Và như thế, đôi bạn tập với nhau rất hăng say.

 

“Hy vọng Việt Nam sẽ đoạt giải vô địch thế giới về môn bi sắt”. Nhìn vào ánh mắt dịu dàng mà quyết tâm mãnh liệt của Đặng Hồng Anh, chúng tôi tin cô và hòn bi sắt Việt Nam sẽ làm nên chuyện! 

 

Theo Ý Vy, Ngọc Thủy
Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm