Dân phượt kể chuyện rớt vực, lạc đường trong đêm

Rớt vực, lạc đường, mò mẫm đi trong đêm tối, lả đi vì đói rét...là số ít những kỷ niệm nhớ đời của dân "phượt".

Lần thoát chết nhớ đời

 

Gần 3 năm trôi qua nhưng Nhung “mèo” (SN 1987, cựu SV ĐH Văn hóa HN) vẫn "nổi da gà" mỗi khi nhớ lại chuyến "phượt" khủng khiếp tới chốn rừng thiêng nước độc Tây Côn Lĩnh vào kỳ nghỉ cuối tuần giữa tháng 7. Đoàn của Nhung gồm 9 người, 5 xe gắn máy, chỉ có Nhung và một chị nữa là nữ.

 

Dịp đó mưa mù trời do ảnh hưởng của một cơn bão sắp đổ bộ vào Bắc Bộ nhưng đoàn Nhung vẫn quyết định lên đường vì lịch trình đã lên, chỉ đợi đến giờ hoàng đạo là xuất phát. Ngày đi đầu tiên diễn ra suôn sẻ, đoàn đến Hà Giang vào khoảng 9 giờ tối, thuê nhà nghỉ và được ăn uống tử tế.

 

Nhung kể: "Đêm hôm ấy trời đổ mưa, sáng hôm sau vẫn mưa lất phất nhưng anh trưởng đoàn vẫn quyết định vượt núi. Trận mưa đêm đã biến con đường lên núi thành một cung đường khủng khiếp, nhão nhoét bùn đất và trơn tuột.

 

Càng đi con đường càng nhỏ dần, hết đường lầy trơn lại đến những đoạn dốc đá lởm chởm sắc nhọn, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Ngồi sau không dám nói câu nào, chỉ sợ người cầm lái mất tập trung.

 

Nhiều đoạn sạt lở phải dừng lại làm đường, khiêng xe. Mặc dù đã lường trước được sự khủng khiếp của cung đường này khi gặp trời mưa nhưng khi lâm trận chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác rợn người, nổi gai ốc".

 
Dân phượt kể chuyện rớt vực, lạc đường trong đêm  - 1
Khiêng xe qua những đoạn đường lầy là chuyện thường ngày ở Tây Côn Lĩnh (Nguồn ảnh: TTVNOL)
 

"Chúng tôi đi được khoảng 40km đường rừng thì trời đã bắt đầu tối, con đường vòng vèo phía trước vẫn không một bóng người, mù mịt núi rừng. Đi thêm được hơn 1 giờ thì một xe bị xịt lốp sau. Đến lúc này, sự lo âu đã hiện lên trên khuôn mặt từng người. Trưởng đoàn liền cử một xe lên dò đường, còn mọi người ở lại xử lý chiếc xe bị xịt lốp. Lúc này đã gần 8 giờ tối.

 

Trời bắt đầu mưa lâm thâm, ai cũng lạnh co ro, quần áo dính đầy bùn đất ướt nhẹp, đói đến lả người. Lưng chừng núi không tìm được nơi dựng trại, đường bé chỉ vừa bánh xe, bên vực, bên núi, khó có thể đi tiếp trong tình trạng trời tối mưa ướt như thế này. Cả đoàn sửa xe xong cũng đành bất lực ngồi co ro chờ hai người đi tiền trạm.

 

Hai tiếng sau xe tiền trạm trở về mang theo tin mừng đã tìm thấy bản và đặt đồ ăn. Cả đoàn vui như bắt được vàng. Con đường phía trước đen kịt, vực sâu hun hút, mưa lâm thâm, gió rít từng cơn đến rợn người, cả đoàn vẫn quyết tâm đến bản bằng mọi giá. Đi vì sự sống. Ngồi sau tay lái "thép", Nhung vẫn không khỏi rụng rời tim gan khi qua những đoạn chỉ cần nhích quá 1 bàn chân thôi là đã rơi xuống vực.

 

"Đúng 1 giờ đêm chúng tôi về tới bản trong tình trạng ướt từ đầu đến chân, run như cầy sấy. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng sống sót, qua được cung đường tử thần", Nhung bàng hoàng nhớ lại.

 

"Bỏ của chạy lấy người" ở Hàm Lợn

 

Trần Hùng (nhân viên một Trung tâm sửa chữa kỹ thuật) cũng có những kỉ niệm nhớ đời với chuyến "phượt" Sóc Sơn xuyên Tam Đảo, chinh phục đỉnh Hàm Lợn vào giữa mùa đông năm ngoái.

 

Cả đoàn 12 người (7 nam 5 nữ) đi xe máy từ Hà Nội đến Sóc Sơn gửi xe, 3 giờ chiều bắt đầu xuất phát từ chân núi. 6 giờ tối lên đến điểm cắm trại đầu tiên một cách suôn sẻ, cả đoàn như mở cờ trong bụng.

 

Mọi việc bắt đầu tồi tệ khi trận mưa rừng ùa tới. 22 giờ mưa bắt đầu có hạt, gió đông bắc gào thét khiến ai cũng co ro vì mưa rét. Lúc này toàn bộ số nam giới trong đoàn được huy động mặc áo mưa, ngồi xung quanh giữ cho mép lều không bị gió thổi bật và liên tục nâng mái lều cho thoát nước mưa đọng để chị em phụ nữ ngủ.

  

Dân phượt kể chuyện rớt vực, lạc đường trong đêm  - 2
Một đoàn "phượt" đang trên đường chinh phục đỉnh Hàm Lợn (Nguồn ảnh: TTVNOL)

 

Khoảng 1 giờ sáng mưa như trút nước, lều bắt đầu ướt xung quanh, gió rít cây rừng, dòng nước thì trên sườn núi đổ xuống ào ào sượt qua khu vực cắm trại. Đồ đạc trong lều ướt nhẹp, ai cũng lạnh run người vì bị mưa ướt. Không còn thời gian suy tính vì mưa càng ngày càng nặng hạt, trưởng đoàn đành quyết định xuống núi ngay trong đêm.

 

Leo núi đã vất vả, xuống núi trong cảnh rừng đêm âm u mưa xối xả càng vất vả hơn. Cỏ lau um tùm, đêm tối mùi mịt, thỉnh thoảng lại có vụ sụp hố, cũng may là không sâu lắm nên không ai bị thương.

 

"Chúng tôi chỉ kịp mang balo và những thứ đồ quan trọng, toàn bộ chăn chiếu, lều trại và thức ăn đều bỏ lại. Hai chiếc điện thoại, một chiếc máy ảnh bị rơi mất lúc nào không biết. Đây là chuyến đi thiệt hại nhất mà tôi từng tham gia", Hùng nói.

 

Đày đọa trên chuyến tàu bão táp

 

Đôi bạn thân Quỳnh - Yến (ĐH Phương Đông) đã có một chuyến thăm Sapa đủ mọi cung bậc cảm xúc: hồi hộp, thăng hoa, mệt mỏi, chán nản, hi vọng, sợ hãi. Chuyến đi vào đúng dịp Lào Cai chịu sự tàn phá khốc liệt của một cơn lũ dữ.

 

Hai ngày đầu tiên ở Sapa, đôi bạn cảm thấy vô cùng phấn khích trước cảnh sắc Sapa mùa mưa ngâu. Đến ngày thứ ba, trời vẫn mưa liên tục và ngày càng to hơn. Xem tin tức thấy mưa lũ đã làm sạt lở nhiều đoạn đường sắt từ Lào Cai về Hà Nội và gây ngập lụt ở nhiều nơi, đôi bạn mới phát hoảng.

 

Dự trù kinh phí ở lại Sapa 4 ngày, không đủ tiền để ở thêm nên đôi bạn quyết định xuống Lào Cai, tìm đường về Hà Nội bằng mọi giá. Xuống đến Lào Cai, nhà ga lại thông báo tất cả các chuyến tàu đều ngừng chạy do mưa lũ, sạt lở đường ray. Đến lúc này, Yến phải gọi điện về nhờ mẹ gửi tiền "cứu trợ".

 

Đôi bạn thuê nhà nghỉ ở lại Lào Cai hai ngày thì đến ngày thứ ba có tàu về Hà Nội. Hùng hục chạy ra ga, sau nửa tiếng xếp hàng Yến cũng cầm trong tay hai chiếc "vé đứng" về đến ga Hà Nội.

 

21 giờ tàu khởi hành. Yến và Quỳnh được nhân viên phục vụ đưa cho 2 chiếc ghế nhựa ngồi giữa lối đi của khoang. Cứ đi được một đoạn ngắn tàu lại phải dừng lại để kè đá các đoạn đường ray bị sạt lở. Có những đoạn phải dừng lại hàng 3, 4 tiếng để nhân viên khắc phục sự cố.

 

"Đi đường dài không có ghế ngồi tử tế nên mệt mỏi vô cùng. Tàu thì dừng lại liên miên, nhìn ra ngoài đâu đâu cũng bùn đất đến tuyệt vọng. Về đến Hà Nội là 11 giờ trưa, mừng, mệt. Một chuyến đi để đời", Yến nhớ lại.

 

Mỗi một chuyến đi, là một lần dân "phượt" được trải nghiệm cuộc sống. Có những chuyến đi đầy gian khổ, mất mát nhưng họ chưa bao giờ hết hăm hở. "Vẫn muốn đi nhiều, đi tiếp, để thấy mình trưởng thành theo con người và theo những miền đất mà mình đã từng đặt chân tới. Đó cũng là thử thách cho mỗi chuyến đi để chúng ta rút ra kinh nghiệm cho chuyến đi sau an toàn hơn", Trần Hùng chia sẻ.

 
Theo Kim Minh

Vietnamnet