Đại sứ trẻ và ước mơ thành chuyên gia bảo vệ môi trường

(Dân trí) - Trên blog của mình, Nguyễn Tấn Đức - vị tân đại sứ môi trường Việt Nam viết: “Ước mơ lớn nhất là trở thành chuyên gia bảo vệ môi trường”. Tấn Đức trở thành đại sứ môi trường ở tuổi 19, sinh viên năm nhất ngành Công nghệ sinh học - ĐH Bách khoa TPHCM.

Theo lí giải của Tấn Đức (sinh năm 1988), đại sứ môi trường là những “chim mồi”, hạt giống sẽ ươm mầm ý thức bảo vệ môi trường cho những người xung quanh mình. Chủ đề của chương trình Đại sứ môi trường Bayer 2007 là “Thu gom và xử lý bền vững nước thải đô thị”. Với chủ đề đó, từ niềm đam mê sinh học từ năm lớp 10, Tấn Đức chỉ mất có 2 ngày để hoàn thành bài viết của mình đề xuất ý tưởng xử lý nước thải bằng hồ lọc sinh học và thảm cỏ vetiver. 

Nước thải đô thị sẽ được tập trung ở hồ chứa thứ nhất. Tại đây, quá trình phân giải sinh vật kị khí sẽ tự làm phân giải một phần chất độc. Sau đó, cho nước thải chảy tràn qua thảm cỏ vetiver được trồng nghiêng 10 độ. Vetiver là loại cỏ có khả năng hút độc và kim loại nặng đồng thời phân giải những chất ô nhiễm. Đây là khâu chính yếu nhất. Sau đó, nước được dẫn qua hồ thứ hai được thiết kế có diện tích bề mặt rộng và nông. Ánh mặt trời sẽ phân giải chất độc trong nước.  

Qua quá trình này, nước thải được dẫn qua hồ thứ 3 trồng nhiều thực vật thuỷ sinh có tác dụng lọc sạch nước như lau sậy, bèo, tảo lam, các loại rong…Rễ các loại thủy sinh này cũng được cấy các loại vi sinh vật có khả năng phân giải chất độc.  

Đại sứ môi trường Bayer là một chương trình giáo dục về môi trường dành cho thanh niên toàn thế giới do tập đoàn Bayer và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) phối hợp thực hiện từ năm 1995. Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam tham gia chương trình này. Tại Việt Nam, chương trình này được tổ chức với sự hợp tác của Bộ GD-ĐT, Cục Bảo vệ môi trường, Trung ương Đoàn TNCS HCM.

Ngày 8/8/2007, tại Đà Nẵng, chương trình đã chọn ra hai đại sứ môi trường tiêu biểu nhất của Việt Nam là Kiều Thị Kính (Đại học Đà Nẵng) và Nguyễn Tấn Đức (ĐH Bách Khoa TPHCM). Hai sinh viên này sẽ tham dự chuyến du khảo về môi trường kéo dài một tuần tại Leverkusen (Đức) vào tháng 11 tới.

Đức cho biết, ba năm học phổ thông đã biết đến quá trình xử lý nước thải này rồi nhưng chưa có hệ thống rõ ràng. Sau đó khi biết được các nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp này, Đức mạnh dạn đề ra ý tưởng. “Kiến thức bài dự thi đã được tích lũy qua nhiều năm. Xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Làm được như vậy là em thấy tự hào lắm vì đã làm điều tốt cho thiên nhiên, cho cộng đồng và cho chính bản thân mình”, Đức nói.  

Đức cho biết phương pháp trên đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Cỏ vetiver được trồng để xử lý nước thải ở An Giang. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gọi đây là cỏ thần. Nét mới của Đức là biến đổi phương pháp làm sạch nước cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Để áp dụng cách xử lý nước thải này thì nước thải phải không chứa rác công nghiệp và rác y tế.

Mặt khác, Đức biến dòng nước thải này phải “đẻ ra tiền”. Nghĩa là sau khi tự rửa rạch bằng thiên nhiên, dòng nước sẽ được dùng để nuôi tảo, bèo sản xuất ra sinh khối (là sản phẩm giàu đạm, vitamin, có thể dùng làm thức ăn cho con người). Có thể hình thành nên công viên mini ở xung quanh hồ lọc sinh học. Nếu dự án này được thực hiện, Đức cho biết sẽ chọn huyện Củ Chi (TPHCM) làm nơi thực hiện. “Đây sẽ là một khu xử lí tái chế nước thải hoàn toàn khép kín”, Đức hồ hởi nói.  

Tuy nhiên, nếu không có dự án này thì Đức sẽ đi theo con đường của mình. Tốt nghiệp khá, giỏi ngành công nghệ sinh học. Làm tốt nhất ở lĩnh vự xử lý nước thải của thành phố. Sau đó, lập công ty chuyên xử lý nước thải, đi đến những vùng sâu, vùng xa giúp bà con xử lý nước thải. Sau đó nữa, sẽ đi đến những vùng khó khăn của thế giới cũng để giúp mọi người “hưởng chất lượng cuộc sống ở mức độ chấp nhận được”.

Đức tự tin: “Thế hệ 8X của tụi em chấp nhận thử thách, chấp nhận vấp ngã để đi xa hơn. Tụi em phải trải nghiệm nhiều hơn để khẳng định tầm vóc thế hệ trẻ Việt Nam, không chỉ loanh quanh trong thành phố, trong nước mà phải đứng ngang hàng với các bạn quốc tế”.

Tấn Đức không nói suông. Bởi những thành công mà em có hôm nay, theo Đức đó là nhờ cuốn sách: Goodluck - bí mật của may mắn. “Cuốn sách của cô giáo dạy Sinh học ở trường phổ thông như đã bật công tắc trong đầu em”. Cuốn sách này đã cho Đức một sự chuẩn bị đầy đủ trước khi thực hiện một kế hoạch gì.

Lớp 10, Đức có huy chương Bạc Olympic 30-4. Lớp 11, Đức có huy chương đồng Olympic 30-4. Tháng 8/2007 là đại sứ môi trường. Bây giờ, Tấn Đức đang chuẩn bị thật nhiều kỹ năng để như lời vị đại sứ trẻ này nói: “Muốn thành công phải chuẩn bị sớm. Khi hạt giống cơ hội rơi vào thì nó sẽ có điều kiện để sớm nảy mầm”.  

Hiếu Hiền