Đại sứ hữu nghị Palestine 9x: Điển trai, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ

Hà Mi

(Dân trí) - 10 năm sau lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, Saleem Hammad giờ đây đang là Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội và là một Youtuber nổi tiếng.

Đại sứ hữu nghị Palestine 9x: Điển trai, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ - 1

Saleem Hammad (28 tuổi) là người Palestine đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm. 

Giáo dục là chìa khóa vượt lên nghịch cảnh

Không như nhiều người nghĩ, Saleem Hammad xuất thân từ một gia đình không có điều kiện. Anh luôn cảm thấy may mắn vì mình có một người mẹ rất tuyệt vời. Tuy phải bỏ học từ sớm để chăm lo cho gia đình nhưng mẹ của Saleem may mắn được học nhiều bài học quý giá từ chính cuộc sống xung quanh. Từ đó, bà đã có lời hứa: "Tôi có thể không học tiếp nhưng tôi sẽ đẻ ra một người con làm cho tôi tự hào".

Saleem nhớ lại một câu chuyện từ cấp một: "Năm đó, nhận được bảng điểm cao, tôi đã rất vui và tự hào. Trong suốt quãng đường từ trường về nhà, tôi vừa chạy, vừa gọi "Mẹ ơi mẹ ơi". Về đến nơi, mẹ ôm chầm lấy tôi trong hạnh phúc".

Tuy nhiên, trái ngược với phản ứng của mẹ, một người bác hàng xóm lại mỉa mai, coi thường, không tin rằng nhà Hammad sẽ có con học giỏi. Anh nghĩ lại: "Bác đã sử dụng nhiều từ ngữ khó nghe và tiêu cực. Tuy nhiên, mẹ đã động viên tôi rằng vì lời của bác, con càng phải biết cố gắng hơn nữa. Sau này, cứ một năm, hai năm, ba năm, mẹ lại nhắc lại chuyện đó như một lời nhắc nhở".

Đại sứ hữu nghị Palestine 9x: Điển trai, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ - 2
Mẹ là người có ảnh hưởng quan trọng tới cuộc đời của Saleem.

Vào năm lên 14, khi bố gặp tai nạn, cậu bé Saleem đã phải đi làm đủ nghề để phụ giúp gia đình. Đến năm 16 tuổi, Saleem đã có thu nhập lên đến vài ngàn USD từ công việc đầu bếp cho nhà hàng. Sau một thời gian vừa học vừa làm, Saleem cũng cảm thấy kiệt sức, từng muốn bỏ học để tập trung kiếm tiền.

Tuy nhiên, mẹ của anh đã bắt anh bỏ việc với tuyên bố rõ ràng: "Mẹ không cần tiền của con, mẹ chỉ cần bằng tốt nghiệp của con". Nếu không tiếp tục việc học, có lẽ Saleem Hammad cũng sẽ không có cơ hội tới Việt Nam và đạt được nhiều thành công như hiện nay.

Vào năm 2015, sau khi giành giải Đặc biệt tại cuộc thi Nói giỏi tiếng Việt ở trường, Saleem Hammad đã gọi điện cho mẹ để báo tin vui. "Lúc ấy, tôi kể với mẹ xong thì thấy đầu dây bên kia im lặng. Tôi alô mấy lần thì em gái mới hỏi anh nói gì sao lại để mẹ phải khóc. Khi ấy, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi biết mình đã đạt được ước nguyện của mẹ".

Đại sứ hữu nghị Palestine 9x: Điển trai, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ - 3
Mẹ Saleem vốn là một người mạnh mẽ nhưng đã phải rơi nước mắt trước thành tích của con trai mình.

"Nhất định con phải tới Việt Nam"

Nhờ việc học tập chăm chỉ và đạt nhiều thành tích cao, Saleem Hammad đã nhận được nhiều học bổng đến từ các nước như Đức, Ukraina, Trung Quốc… Thế nhưng, bố mẹ anh lại không cho đi vì muốn anh ở lại chăm sóc cho gia đình.

Sau đó, anh may mắn được nhận vào Học viện cảnh sát ở quê nhà. Một lần nữa, với tinh thần ham học, anh lại đạt được học bổng sang Việt Nam. Saleem kể lại: "Hồi đó, tôi không biết Việt Nam là gì, ở đâu. Trước đó, anh cũng chỉ có ấn tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các bài học lịch sử trên lớp".

Lúc Saleem gọi điện về nhà hỏi ý kiến bố mẹ, người nhấc máy lại là người bác ruột bên nội của anh. Sau khi được nghe kể về học bổng, bác chính là người dứt khoát khẳng định: "Nhất định con phải tới Việt Nam". Saleem nhớ lại: "Bác tôi đã khen ngợi tinh thần anh hùng, dũng cảm của Việt Nam rất nhiều. Bác muốn tôi sang để học hỏi từ chính con người của đất nước này".

Đại sứ hữu nghị Palestine 9x: Điển trai, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ - 4
Đối với Saleem, Hà Nội đẹp nhất là vào những ngày tháng 10 và tháng 11.

Vậy là bỏ qua tất cả các học bổng của các đất nước lớn, chàng trai 18 tuổi Saleem Hammad lần đầu đặt chân tới Việt Nam. Ngày anh sang Việt Nam là ngày 25/11/2011, chính vào mùa hoa sữa. Khi mới đến Việt Nam, anh có ấn tượng Việt Nam là một đất nước tuyệt đẹp.

Saleem Hammad hào hứng chia sẻ: "Khi xe đang đi trên đường Thanh Niên, tôi còn nhớ rõ khung cảnh hàng cây xanh tươi hai bên đường, cùng với hồ Tây và hồ Trúc Bạch ngay giữa lòng Hà Nội. Bác tài xế lúc ấy bảo tôi hạ kính xuống, một hương thơm ngào ngạt tràn vào xe. Mấy năm sau, tôi mới biết đó chính là mùi hoa sữa".

Với 10 năm sinh sống tại Việt Nam, có thể nói Saleem đã trải qua cả thanh xuân ở đây. Nếu chỉ hỏi anh ấn tượng hay thích điều gì nhất ở Việt Nam thì Saleem khó có thể trả lời nhưng có một điều anh chắc chắn rằng đó chính là tình yêu dành cho Việt Nam.

"Khi đến Việt Nam, tôi chỉ có thể cảm nhận những gì mắt thấy, tai nghe, tay sờ nhưng để làm được cho trái tim rung động thì chỉ có thể là tình cảm. Điều làm tôi rung động chính là tiếng Việt". Càng học tiếng Việt, Saleem lại càng thêm yêu Việt Nam.

Trong thời gian tại đây, anh hiểu hơn người Việt Nam, biết họ thích gì, nghĩ gì. Anh bộc bạch: "Tình yêu chỉ có thể trọn vẹn khi có sự thấu hiểu. Để người Việt Nam hiểu anh và anh hiểu họ, cần phải có một phương tiện để gửi gắm những tâm tư, tình cảm và văn hóa giữa hai bên. Đối với anh, tiếng Việt chính là công cụ giúp anh làm được điều đó".

Có thể nói, tình yêu với Việt Nam của Saleem hình thành từ việc anh hiểu Việt Nam và Việt Nam cũng hiểu anh.

50% doanh thu YouTube dành cho hoạt động từ thiện

Vào năm 2019, Saleem Hammad đã trở thành Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội. Xuyên suốt cuộc thi đó, anh đã luôn nhấn mạnh mong muốn trở thành cầu nối giữa văn hóa Palestine và Việt Nam. Anh từng phát biểu rằng: "Không có dân tộc nào trên thế giới này có khát vọng hòa bình bằng dân tộc Palestine. Việt Nam đã, đang và sẽ luôn luôn là nguồn cảm hứng, một tấm gương sáng để người Palestine lấy động lực tiếp tục cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do dân tộc".

Đại sứ hữu nghị Palestine 9x: Điển trai, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ - 5
Saleem Hammad là Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội năm 2019.

Đã nói thì phải làm, Saleem bắt tay vào thực hiện kênh YouTube của riêng mình. Khi mới bắt đầu, không một ai ủng hộ anh, ngoại trừ em gái của anh. "Bây giờ, nếu xem lại những video đầu tiên, sẽ thấy có những bình luận tiếng Anh của em tôi. Gần đây, em ấy đã biết bình luận cả bằng tiếng Việt thông qua các video của tôi", Saleem hào hứng kể.

Mục đích của Saleem khi bắt đầu kênh này không phải là để kiếm tiền hay "câu view". Thông qua việc làm YouTube, anh mong muốn giới thiệu văn hóa và con người Palestine cho người Việt Nam. Từ đó, bản thân người Việt sẽ có thêm nhiều tiềm năng phát triển trong công việc hơn: "Anh muốn mở cửa cơ hội cho người Việt Nam".

Đồng thời, việc làm video cũng giúp Saleem trau dồi thêm vốn tiếng Việt. Anh cho biết: "Các chủ đề video không phải dễ nên anh phải dành nhiều thời gian để viết kịch bản: dịch tài liệu tiếng Ả Rập sang tiếng Việt, lựa chọn từ ngữ phù hợp rồi nhờ bạn bè xem lại để có những diễn đạt phù hợp với người Việt".

Đại sứ hữu nghị Palestine 9x: Điển trai, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ - 6
Vài ngày trước, kênh YouTube của Saleem Hammad vừa cán mốc 100 nghìn người đăng kí.

Đối với anh, việc kinh doanh trên YouTube chỉ là phụ. Kênh YouTube của Saleem mới mở chế độ kiếm tiền trong 4 tháng gần đây. Saleem quan niệm rằng số tiền này chỉ có 50% là của anh còn 50% còn lại là của Thượng đế. Do đó, anh sẽ sử dụng số tiền của Thượng đế để làm phúc cho mọi người.

Giữ đúng lời hứa của mình, nhân dịp kênh YouTube đạt 100 nghìn lượt đăng kí, Saleem Hammad trích một nửa từ thu nhập trong ba tháng gần đây của mình để mua xe máy hỗ trợ một người bị kẹt ở Việt Nam ngay từ đầu dịch.

"Hôm đó, anh vô tình gặp một người đàn ông đang đi bộ dọc đường Xuân Diệu. Trên vai thì vác một bao tải rất to và nặng. Thấy vậy, anh đã chở người đàn ông đó về nhà. Hỏi chuyện thì mới biết, hoàn cảnh người này rất khó khăn, xe cũng không có nổi để đi. Nên anh đã quyết định sử dụng số tiền mình kiếm được để mua tặng một chiếc xe máy", Saleem chia sẻ đầy xúc động.

Đại sứ hữu nghị Palestine 9x: Điển trai, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ - 7
Chiếc xe máy do chính Saleem lựa chọn và mua để giúp đỡ người đàn ông kém may mắn.

Trong cuộc sống, Saleem luôn đặt gia đình lên trên hết. Mẹ Saleem luôn nói với anh rằng mình cứ sống tốt, cứ cống hiến, cứ biết ơn thì mọi thứ sẽ thuận lợi với mình. Còn trong công việc, phương châm của anh là trở thành người giỏi nhất thì cơ hội sẽ tới. Nếu cơ hội không tìm đến, tự bản thân hãy tạo ra nó.

Khép lại cuộc trò chuyện, Saleem Hammad tự hào nói: "Hiện tại anh đang sống vì ước mơ của mẹ, vì ước mơ của em gái và ước mơ của những người mà anh yêu thương nhất".