Cô nàng “lẳng”
“Thế mà Màu tôi mang tiếng lẳng lơ...”, lẳng lơ thì đã mấy ai bằng được Thị Màu nhưng nếu ở thời hiện đại, chắc Thị Màu cũng phải ngả mũ kính chào trước nhiều cô gái về độ “lẳng”.
Lẳng lơ mới... nữ tính
Ngay từ hồi còn học đại học, Vân (31 tuổi, nhân viên marketing của tập đoàn bảo hiểm B) đã nổi tiếng khắp trường với sắc đẹp trời phú và tính “lẳng lơ” cũng được liệt vào dạng... hơn người. Ngày ấy, Vân là một trong những hoa khôi của trường và có nhiều vệ tinh nhất trong đám sinh viên nữ. Ngược hẳn với những cô gái luôn thái độ kênh kiệu, cao đạo khi được các chàng trai theo đuổi, Vân lại rất nhiệt tình với các “fan hâm mộ”. Với anh nào, Vân cũng nhỏ nhẹ, cười nói ngọt ngào, thỉnh thoảng lại “khuyến mãi” một buổi đi chơi riêng khiến chàng nào cũng cảm thấy hạnh phúc vì được người đẹp quan tâm.
Chờn vờn mãi cho đến tận năm thứ ba đại học, Vân mới nhận lời yêu Cường, một sinh viên năm cuối. Đó là một anh chàng rất bảnh mã, con nhà gia giáo, là niềm mơ ước của không ít cô gái khi đó. Ai cũng mừng cho Vân bởi cô đã chọn đúng mặt để gửi vàng. Thế nhưng, yêu Cường rồi nhưng Vân vẫn không bỏ được thói quen “đầu mày cuối mắt” với các chàng trai khác.
Đi cùng người yêu đến dự các buổi tiệc liên hoan, sinh nhật của bạn bè, Vân vẫn vô tư nói chuyện thân mật với người khác, có khi còn bỏ rơi hẳn người yêu để đong đưa với những lời tán tỉnh hoa mỹ của những chàng công tử hào hoa. Bạn bè góp ý, người yêu trách móc, hờn giận cô nàng vẫn để ngoài tai. Cô tuyên bố xanh rờn với đám bạn gái cùng phòng kí túc xá: “Là con gái mà không lẳng thì chỉ có thiệt, càng lẳng lơ càng... nữ tính, càng được nhiều chàng hâm mộ”. Nếu lẳng lơ mà là thước đo của nữ tính thật thì có lẽ sự “nữ tính” của Vân... khó có khả năng định lượng nổi!
Và có lẽ là bởi sự “nữ tính” đôi khi thái quá đó mà Vân không trụ được với mối tình nào quá vài tháng. Số lượng những người đàn ông đến và đi trong đời Vân đến lúc này chính xác là bao nhiêu thì có lẽ chính cô cũng không thể nhớ nổi. 31 tuổi, bạn bè cùng trang lứa đã êm ấm, chồng con đủ đầy thì Vân vẫn còn miệt mài phiêu lưu trong những cuộc tình không bến đậu. Ở công sở, cô được mệnh danh là “Miss tai họa” bởi ánh mắt đa tình, nụ cười lúng liếng kia đã khiến cho bao đồng nghiệp khốn đốn rơi vào “bẫy tình”, bao gia đình vì cô mà lục đục, chông chênh…
Lẳng lơ cũng chẳng hao mòn?
“Lẳng lơ cũng chẳng hao mòn/ Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ” - nhiều cô gái vẫn viện dẫn câu nói dân gian này để biện mình cho cái sự “lẳng” của mình. Đúng là khi mang họ “lẳng”, nhiều cô gái “gặt hái” được rất nhiều điều: thu hút được sự quan tâm của các chàng trai và đi kèm với những sự ngưỡng mộ ấy có thể là những món quà đắt tiền, những buổi đi chơi vui vẻ... Nhưng đánh đồng tính “lẳng lơ” với sự quyến rũ, nữ tính như một số cô gái trẻ (và thậm chí không còn trẻ nữa) như hiện nay quan niệm thì thật là sai lầm.
Sức hấp dẫn giới tính, sự nữ tính được thể hiện từ ngoại hình cho đến tính cách, tâm hồn và được thể hiện bằng sự tự thân, bằng “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không phải là bằng những hành động “câu kéo, mồi chài” lộ liễu như nhiều cô gái hiện nay vẫn làm.
Lẳng lơ đến như Thị Màu, ở một phương diện nào đó đã thể hiện khát vọng tự do yêu đương mãnh liệt của người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến thì trong một bình diện khác vẫn bị người đời chê cười. Và sẽ thật không danh giá cho bất kì cô gái, người phụ nữ nào bị mang tiếng “lẳng”.
Theo Phụ Nữ Net