Cỗ máy đắc dụng của anh chàng “ngoại đạo”

Học khoa Môi trường, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM nhưng Trương Quốc Vi vẫn tự nghiên cứu các nguyên lý về cơ khí, điện tử để chế tạo thành công máy cạo vỏ mía, có giá thành bằng 1/3 so với máy nhập khẩu.

Làm thêm kiếm tiền chế tạo máy

 

Hai năm trước, Trương Quốc Vi từ Quảng Ngãi vào TP. HCM nhập học. Nhà nghèo, Vi tranh thủ đi làm thêm tại vựa mía trên đường Nguyễn Văn Nghi (Q. Gò Vấp). Vi kể: “Tại đây, mình thấy các anh công nhân làm việc quá vất vả.

 

Hơn nữa, trong lúc làm việc phải đổ nhớt xe gắn máy vào lưỡi dao để cạo mía nên rất mất vệ sinh. Từ đó, mình đã nghĩ đến việc chế tạo ra chiếc máy cạo vỏ mía để giải phóng sức lao động của công nhân và vệ sinh hơn”.
 
Trương Quốc Vi đang gia công máy cạo vỏ mía
Trương Quốc Vi đang gia công máy cạo vỏ mía

 

Ấp ủ ý tưởng, Vi dành một năm lên mạng tìm kiếm tài liệu và vào thư viện trường ĐH Công nghiệp xem đồ án tốt nghiệp của các anh chị khóa trước để học hỏi kiến thức về cơ khí, điện tử. Xong lý thuyết, Vi chuyển sang phần khó nhất là thực hành. Anh bạn đến đường Lò Gốm (Q. 6) trực tiếp xem tận mắt các máy cạo vỏ mía được nhập khẩu từ nước ngoài.

 

Trên thị trường hiện nay chỉ có 2 loại máy được nhập khẩu từ Đức và Trung Quốc. Máy róc vỏ mía của Đức cao 1,2 mét và rộng 0,5 mét có giá tới 75 triệu đồng. Còn máy của Trung Quốc dài 2 mét và cao 1,2 mét cũng được bán tới 65 triệu đồng. Các loại máy trên giá cao nhưng một cây mía phải cạo tới 4 lần mới sạch vỏ, tiêu thụ nhiều điện năng, lại khó sửa chữa.

 

Vấn đề lớn nhất ngáng bước Vi trong việc chế tạo máy róc vỏ mía là kinh phí. Mỗi tháng, gia đình gửi cho Vi từ 1 – 1,5 triệu đồng. Số tiền đó chỉ vừa đủ trang trải chi phí ăn ở, đi lại, học tập…

 

Để có tiền thực hiện đề tài, Vi xin đi làm thêm tại quán cơm trên đường Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp). Mỗi tháng, chủ quán cơm trả thù lao cho Vi 1,5 triệu đồng. Làm được 4 tháng, Vi tích lũy được 6 triệu đồng, rồi bắt tay vào chế tạo. Trước khi thực hiện, để chắc ăn hơn, Vi tìm đến một kỹ sư đã nghỉ hưu của nhà máy đóng tàu Ba Son để học hỏi thêm kinh nghiệm.

 

Giá thành thấp, hiệu quả cao

 

Vi theo học tại khoa Môi trường nên lúc cậu làm đơn mượn phòng thí nghiệm của khoa Điện – Điện lạnh, xưởng thực hành của khoa Cơ khí, các thầy cô đều ngạc nhiên và… lắc đầu từ chối. Cuối cùng, Vi phải ra ngoài thuê xưởng cơ khí để gia công. Cũng chính vì dân “ngoại đạo” nên cậu phải vẽ đi vẽ lại đến 20 bản thiết kế mới ra được chiếc máy cạo vỏ mía cuối cùng.

 

Ngô Minh Tuyên (lớp Cơ khí chế tạo 5A, khoa Cơ khí, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM) cho biết: “Mình có hỗ trợ Vi trong quá trình thi công máy cạo vỏ mía. Máy cao 1 mét, rộng và dài 0,5 mét. Máy này còn cạo được những cây mía cong.

 

Khi sử dụng, chúng ta có thể tăng vòng quay của 2 bánh xe cao su để tăng năng suất của máy. Máy cạo vỏ mía do Vi chế tạo ít tốn điện, dễ sửa chữa, thay thế linh kiện khi hư hỏng”.

 
Trương Quốc Vi đang gia công máy cạo vỏ mía
 

Khi thử nghiệm, trung bình, máy cạo được 4 cây mía/phút. Trong khi đó, nếu làm thủ công phải mất từ 4 – 6 phút mới cạo xong một cây mía. Vi cho biết thêm: “Mình đang nhờ các bạn học bên khoa Mỹ thuật công nghiệp vẽ lại thiết kế của máy để dễ dàng thương mại hóa. Mình cũng đang làm hồ sơ đăng ký bản quyền sáng chế.

 

Đồng thời, mình sẽ thiết kế thêm phần phân đoạn mía sau khi cạo sạch vỏ. Công nhân chỉ cần sắp xếp, bó mía rồi chở đi bỏ cho các điểm bán nước mía. Khi đưa vào sản xuất đại trà, máy sẽ có giá bán là 20 triệu đồng/chiếc”.

 

Kế hoạch tương lai

 

Từ khi ấp ủ dự định đến lúc chế tạo thành công máy cạo vỏ mía mất gần một năm. Trong gần một năm ấy, có rất nhiều lúc Vi nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhiều bạn bè thấy cực khổ tốn kém quá cũng khuyên Vi nên dừng lại, tập trung cho việc học để sau này đi xin việc làm. “Nhưng một khi đã bắt tay, thì không thể bỏ cuộc”, Vi nói.

 

Vi tâm sự, mình không hề có ý định chơi trội với ý tưởng máy cạo vỏ mía. Vi chỉ nghĩ, đi học thì phải làm được điều gì đó hữu dụng. Quan điểm của Vi rất rõ ràng, công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên phải vào được cuộc sống chứ không thể nghiên cứu xong, nhận giấy chứng nhận rồi đem xếp vào kho.

 

“Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể mở doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm của mình chế tạo ra chứ không chỉ vác hồ sơ đi xin việc làm. Mình cố gắng chế tạo máy cạo vỏ mía là vì có mục tiêu rõ ràng: Phục vụ cho kế hoạch lập nghiệp sau ngày ra trường”, Vi nhấn mạnh.

 

Hiện tại, Vi đang học vượt và sẽ tốt nghiệp trước thời hạn một năm. Sau khi tốt nghiệp, Vi sẽ mở công ty để thực hiện ước mơ. Vi còn muốn chế tạo thêm máy rửa chén để cung cấp cho các quán cơm bình dân, xe đạp điện tái tạo năng lượng để xe chạy được nhanh hơn và nhiều hơn, máy xúc cơm văn phòng…

 

Theo thiết kế của Vi, máy cạo vỏ mía được chia làm 4 phần: Khung máy, hệ thống lưỡi dao gồm 40 cái, bánh kéo, động cơ. Toàn bộ lưỡi dao của máy nằm trên khung tròn quay với tốc độ 70 vòng/phút. Lưỡi dao có thể thay đổi tâm để phù hợp với kích thước cây mía.

 

Khi công nhân đưa cây mía vào máy, mía sẽ được kéo qua hệ thống lưỡi dao bằng 2 bánh xe cao su quay với tốc độ 105 vòng/phút. Hai bánh xe cao su này sẽ làm tăng độ ma sát giữa mía và bánh xe, giảm thiểu hư hại cho mía. Toàn bộ chuyển động của máy được thực hiện bằng hệ thống đa truyền.

 

Theo Quang Huy

Sinh viên Việt Nam