Cô giáo Hà Nội làm dự án tình nguyện vận động học sinh vùng cao mặc đồ lót
(Dân trí) - “Happy chip” giành giải Nhất trong cuộc thi Dự án Tình nguyện 2020, mục đích là mang đến cho các em học sinh, đặc biệt là thiếu nữ miền núi kiến thức về sử dụng đồ lót và chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Mới đây, Trung ương Đoàn tổ chức lễ trao giải cuộc thi Dự án Tình nguyện năm 2020. Cuộc thi với chủ đề "Thanh niên tình nguyện, sáng tạo vì cộng đồng" đã nhận được 262 hồ sơ thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng như: Tình nguyện trong Nông thôn mới, Văn minh đô thị, Bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hâu, An sinh xã hội, Chăm lo thiếu nhi, An toàn giao thông, áp dụng công nghệ trong lĩnh vực tình nguyện...
Sau khi kết thúc bình chọn và đánh giá, BTC đã chọn ra 10 dự án xuất sắc để trao thưởng. Trong đó, giải Nhất thuộc về dự án "Happy chip" của tác giả Nguyễn Thị Hằng.
Đây là một dự án ý nghĩa, nhằm lan tỏa, tuyên truyền nâng cao ý thức về sức khỏe sinh sản cho học sinh vùng cao, đặc biệt hướng tới đối tượng các em nữ.
Tác giả của dự án này là Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1995, hiện đang là giáo viên môn Địa lý tại trường THPT Hòa Bình La Trobe Hà Nội. Ý tưởng cho dự án này đã ấp ủ trong Hằng từ lâu, khi cô vẫn còn là sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ý tưởng bắt nguồn từ mấy năm trước, Hằng về thăm gia đình bạn trai (hiện đã là chồng) là người dân tộc H'Mông ở một huyện miền núi tỉnh Yên Bái, cô nhận thấy hiện tượng các em gái không mặc đồ lót, ngay cả khi sử dụng băng vệ sinh. Thậm chí, Hằng nhận thấy ngay cả chồng cô cũng không có thói quen mặc đồ lót.
Khi đó điều kiện gia đình Hằng khó khăn nên không thể giúp đỡ cho các em nhiều. Cô chỉ có ý định sau này sẽ tặng cho các em, đồng thời nhắc nhở các em dùng đồ lót để giữ gìn vệ sinh.
Nhưng dù đã khuyên nhủ và hướng dẫn, từ đó đến nay cô nhận thấy rằng các em gái vẫn ngại khi mua đồ lót, nhất là quần lót. Các em gái đã lớn nhưng đến kỳ kinh nguyệt cũng không mặc quần lót mà dán băng vệ sinh trực tiếp vào quần.
Hai vợ chồng Hằng đi làm xa ở Hà Nội, ít khi về quê nên đã gác vấn đề trăn trở này qua một bên.
Gần đây, em gái của chồng Hằng xuống Hà Nội chơi. Dù đã học lớp 9 nhưng em vẫn chưa mua quần lót. Hằng đã mua cho em dùng, và nhờ em làm khảo sát nhỏ xem các bạn xung quanh có sử dụng hay không.
Hằng chia sẻ: “Em gái của chồng mình lúc đầu rất ngại. Nhưng khi mình mua đồ cho em thì em thấy thoải mái. Em tự rủ các bạn thân, chị em gần gũi mua đồ mặc”.
"Mình rất quan tâm đến sức khỏe sinh sản, xa hơn là hạnh phúc các em sau này. Khi biết được các em không sử dụng đồ lót, đặc biệt là em gái mình thấy rất lo lắng.
Các em ngây thơ, không ai chỉ dạy các em cả. Các em thường kết hôn rất sớm. Hầu như các em kết hôn khi còn chưa đủ tuổi. Hỏi về đồ lót thì các em ngại lắm. Chỉ khi là người một nhà, thân thiết tâm tình mới hiểu được các em", cô giáo Hằng tâm sự.
Vào tháng 6 vừa qua, Hằng đọc trên fanpage của Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn có tổ chức cuộc thi Dự án tình nguyện. Đã có ý tưởng, Hằng nghĩ giờ chỉ thiếu nguồn biến ý tưởng thành hiện thực. Hằng mong muốn góp ý tưởng ý nghĩa và thiết thực này, biết đâu sẽ có người thấu cảm và giúp đỡ các em.
Trong quá trình bắt tay vào xây dựng và phát triển dự án, Hằng gặp không ít khó khăn. Cô đã lên kế hoạch khảo sát các em học sinh ở Yên Bái, có bảng hỏi, liên hệ với nhà trường. Nhưng do dịch Covid-19 nên gặp khó khăn khi làm khảo sát trực tiếp, Hằng đành tìm hiểu thông qua phỏng vấn.
Bên cạnh đó, dự án cũng gặp rất nhiều những rào cản khác đến từ những định kiến và tư tưởng cố hữu lâu nay.
"Thứ nhất, đây là vấn đề khá tế nhị. Mình là người Kinh, để có thể thay đổi nhận thức của các em là rất khó. Môi trường các em đang sống lại càng khó tác động, khi các bà, các mẹ của các em không sử dụng.
Thứ hai, khi thuyết phục được các em đi mua, người xung quanh thường bàn tán, làm các em thấy ngại.
Thứ ba, do cuộc sống khó khăn, không có công việc ở quê, nên dù là người ở nơi đó, nhưng hiện mình đang làm ở Hà Nội. Thời gian tiếp xúc với các em rất ít, mình lại không biết nói tiếng dân tộc thiểu số.
Do vậy trong các hoạt động mình cần nhờ em gái của chồng hoặc chồng mình hỗ trợ. Sự khác biệt về ngôn ngữ và người nói có thể làm thông điệp mình muốn truyền tải không được như ý muốn.
Thứ tư là do nhận thức, các em chưa thấy tác hại và lợi ích khi sử dụng đồ lót", Hằng kể lại.
Dự án dự kiến sẽ triển khai tại trường Tiểu học - THCS Suối Bu, huyện Văn Chấn, Yên Bái, với 312 học sinh. Không chỉ được trao tặng 5 chiếc quần lót để sử dụng hàng ngày, các em còn được tuyên truyền những kiến thức về sức khỏe sinh sản, tác dụng của đồ lót và bảo vệ bộ phận sinh dục.
Thông qua những việc làm này, tác giả dự án mong muốn giúp các em có hiểu biết và kỹ năng về sức khỏe sinh sản, đồng thời góp phần tuyên truyền phòng chống tảo hôn.
"Sau khi giành giải, vào trung tuần tháng 10, Hằng sẽ khảo sát dự án. Sau đó, mình kết hợp với một công ty thời trang trao tặng đồ lót cho các em; tặng cẩm nang sử dụng đồ lót, vệ sinh cá nhân và các bệnh thường gặp cho các em.
Ngoài ra mình sẽ kết hợp với Đoàn - Đội của trường mình và trường địa phương thiết kế và treo các poster tuyên truyền về vệ sinh, tảo hôn, kết hôn và sinh con sớm", Hằng cho biết.