Cô gái Việt nhận học bổng của 5 trường ĐH ở Mỹ

Kết thúc lớp 12 với kết quả tốt cùng giải nhất toán bang Oregon, Hoa Kỳ và có đơn gọi nhập học của 5 trường ĐH nước này với những suất học bổng toàn phần và theo nhu cầu tài chính (full need-based), Trần Thanh Nga đã quyết định nhập học tại Trường Union College.

 
Cô gái Việt nhận học bổng của 5 trường ĐH ở Mỹ - 1

Cô gái Việt Nam Trần Thanh Nga (giữa) và bạn bè quốc tế trong lễ tốt nghiệp trung học
 

Tôi gặp Trần Thanh Nga, cô con gái cưng của TS Trần Văn Luyện, cán bộ của Cục C28, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, khi em về Việt Nam nghỉ hè để chuẩn bị nhập trường ĐH ở Mỹ. Dù đang trong thời gian nghỉ hè nhưng ở Việt Nam, Nga vẫn kín lịch với nhiều hoạt động xã hội.

 

Mới đây một nhóm bạn ở Mỹ sang Việt Nam hoạt động tình nguyện đã kết nối mời Nga cùng tham gia đi giúp đỡ một làng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Nội. Nga cũng bận rộn với những cuộc hội thảo du học, giao lưu văn hóa vì em đã trở thành hình mẫu của nhiều bạn trẻ thành công trong chương trình giao lưu văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

 

TS Luyện tâm sự, vợ chồng anh có hai cô con gái nhưng ngay từ bé đã rèn luyện cho các cháu tính tự lập và tự giác, đặc biệt luôn tôn trọng ý kiến của các con. Hai anh chị không đặt quá nhiều áp lực cho con trong việc học và có một bí quyết là luôn khuyến khích các con phát biểu ý kiến, diễn tả cảm xúc của mình. Có lẽ đó cũng là bí quyết để anh vừa chuyên tâm vào chuyên môn, anh đang chuẩn bị hoàn thành công trình khoa học để được phong học hàm Giáo sư, vừa nuôi dạy hai cô con gái ngoan và học giỏi.

 

Cô con gái thứ hai Trần Thanh Nga, anh chị đã cho cháu theo học ngoại ngữ từ năm học lớp 1. Chính vì vậy, dù học chuyên khối A, nổi trội ở môn Toán và Lý tại Trường Lômônôxốp, nhưng Nga cũng rất "siêu" tiếng Anh.

 

Học hết lớp 11, Nga ấp ủ được thử sức mình ở một môi trường mới, rộng lớn hơn. Thế rồi, Nga và bố tìm được thông tin về chương trình giao lưu văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Dù rất lo lắng vì chương trình cũng có nhiều trường hợp học sinh giỏi của Việt Nam khi sang Mỹ học đã không hội nhập được và phải về nước học lại lớp 12, nhưng trước sự quyết tâm của con gái, anh chị đã đồng ý để con sang Mỹ học.

 

Nga đã trải qua những ngày đầu bỡ ngỡ, làm quen với cuộc sống tại một gia đình ở bang Oregon, Hoa Kỳ và môi trường học tập hoàn toàn mới mẻ. Nga kể, những ngày đầu còn lớ ngớ, giọng thầy giáo kinh tế lại khó nghe, nhiều khi em không bắt kịp bài giảng cũng như những lời tranh luận của các bạn, có lần em còn làm thiếu bài tập vì chưa hiểu hết yêu cầu của giáo viên. Chính vì vậy mà tờ bảng điểm đầu tiên gửi về nhà của em, điểm môn Kinh tế là F (Fail - trượt). Đó là lúc Nga cảm thấy khó khăn, chán nản. Nhưng đọc lại bài thơ bố viết tặng khi đi "Con sẽ là công dân quốc tế", Nga lại thấy như bố mẹ, gia đình và người thân đang đứng cạnh ủng hộ em, để em tiếp tục cố gắng, không bỏ cuộc.

 

Nga đã tìm đặt mua báo The Economist (Nhà Kinh tế) để cập nhật thông tin, rèn luyện ngôn ngữ kinh tế. Sự cố gắng đã thu được kết quả, không chỉ với điểm A môn Kinh tế mà Nga đã vươn lên ở nhiều môn học khác, đặc biệt là môn Toán, được thầy cô giáo và bạn bè quốc tế nể phục. Bảng điểm 4.0 trọn vẹn, học sinh giỏi toàn diện toàn bang, Nga đã rút ra kết luận: mọi khó khăn đều có thể vượt qua chỉ cần mình cố gắng và kiên trì.

 

Sang tháng 8, Nga sẽ trở lại Mỹ để nhập trường ĐH Union College, chuyên ngành kinh tế cùng với nhiều dự định táo bạo và đầy tự tin: "Sau khi tốt nghiệp đại học, em muốn tiếp tục học lên làm thạc sĩ kinh tế (MBA) tại một trường đại học danh tiếng. Sau đó em sẽ học hỏi thêm, phấn đấu trở thành một nhà kinh tế toàn cầu để quay về Việt Nam, cống hiến cho đất nước mình".

 

Theo Thu Uyên

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm