Cô gái trẻ Cơtu với ước mơ đưa du lịch cộng đồng bản địa đến với du khách

(Dân trí) - Cô gái trẻ người Cơtu Clâu Lanh (SN 1989, ở làng Ra-Ê, xã A-Ting, huyện Đông Giang, Quảng Nam) đã lập nên một dự án khởi nghiệp mới lạ với đồng bào miền núi, ước mơ đưa du lịch cộng đồng bản địa đến gần hơn với du khách thập phương.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành báo chí trường Đại học Khoa học Huế, Clâu Lanh trở lại quê hương với vị trí cán bộ Văn phòng Huyện ủy Đông Giang (Quảng Nam).

Homestay của cô gái trẻ Cơ tu

Cô gái Cơtu Clâu Lanh bên du khách nhí trong trải nghiệm khám phá suối, thác của người dân vùng cao Đông Giang

Năm 2016, ở tuổi 27, Lanh là đại biểu trẻ tuổi nhất trúng cử vào HĐND huyện Đông Giang, nhiệm kỳ 2016-2021. Hiện Clâu Lanh là Thường vụ Huyện đoàn, Bí thư Chi đoàn cơ quan Huyện ủy Đông Giang, nhiều năm liền là gương mặt trẻ tiêu biểu của địa phương.

Homestay của cô gái trẻ Cơ tu

Với việc thông tin được quảng bá thông qua mạng xã hội facebook, nhiều du khách đã tìm đến để trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt vời, ý nghĩa giữa thiên nhiên hoang sơ, trong lành

Không những vậy, với tính cách tự tin, yêu thích thử thách trải nghiệm cái mới, dám nghĩ dám làm, đầu năm 2019, Clâu Lanh đã bước đầu khởi nghiệp với dự án homestay “đậm chất sơn dã” trên chính quê hương A-Ting của mình.

Homestay của cô gái trẻ Cơ tu
Homestay của cô gái trẻ Cơ tu

Không gian trong lành với những gian nhà sàn độc đáo của người Cơtu

Clâu Lanh trải lòng: “Tôi có những người bạn thích du lịch sinh thái núi rừng, nhưng các bạn đều tâm sự rằng rất khó tìm nơi dừng chân cũng như trải nghiệm tại Đông Giang.

Họ muốn được hòa mình vào cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Từ đó, tôi đã ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu lưu trú cộng đồng tại chính quê hương mình”.

Homestay của cô gái trẻ Cơ tu

Các bạn trẻ thích thú trải nghiệm trang phục của người dân Cơtu

Khi du khách đến đây sẽ được trải nghiệm những món ăn độc đáo của núi rừng, tắm suối, được mặc trang phục của người Cơtu, đốt lửa trại cùng hòa mình vào những điệu múa Cơtu quyến rũ, hay tìm hiểu thêm về văn hóa, nếp sống của người dân nơi đây.

Dự án của Clâu Lanh được xây dựng trên ngọn đồi đầu nguồn Ra-Ê, trước đây là nơi trồng keo của gia đình. Cả khuôn viên được sắp xếp đẹp mắt, với cảnh núi non, hồ nước cùng những căn nhà sàn đặc trưng của người Cơtu.

Homestay của cô gái trẻ Cơ tu

Những món ăn sơn dã, độc đáo của người dân Cơtu đã khiến du khách đi rồi lại lưu luyến

Bốn nhà sàn được đặt ở 4 góc theo hình zích zắc, chênh vênh phía đỉnh đồi, nối nhau bằng bậc tam cấp. Xung quanh, là những khóm cây ăn trái và mây rừng được trồng theo hàng từ khi dự án mới đưa vào hoạt động, trông rất độc đáo và ấn tượng.

“Tôi đầu tư gần 400 triệu đồng từ tiền thế chấp lương và xin một ít của bố mẹ. Lúc đầu làm, lên ý tưởng dự án ai cũng bảo tôi “liều”, nhưng cứ mặc kệ vì đây là ước mơ ấp ủ từ bao lâu nay nên chắc chắn tôi sẽ quyết tâm khiến nó thành sự thật. Tất cả từ vị trí đặt nhà sàn, bố trí cảnh quan, rồi trồng cây gì… tôi đều lên ý tưởng, suy nghĩ rất lâu.

Sau đó, tôi nhờ các nghệ nhân Cơtu trong làng giúp mình xây dựng, đồng thời xin góp ý để hoàn thiện”, Clâu Lanh chia sẻ.

Homestay của cô gái trẻ Cơ tu

Bên cạnh nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ và trợ giúp của gia đình luôn là động lực giúp cô gái trẻ Clâu Lanh cố gắng hoàn thiện ước mơ. Trong ảnh là bà Pơloong Ch’riếc, mẹ của Lanh giúp con gái nấu ăn thiết đãi khách

Đến với cộng đồng bản địa nơi đây, bạn sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên trong lành, với tiếng chim hót líu lo quanh đồi, con cá quẩy dưới ao. Cùng những trải nghiệm độc đáo, những món ăn ngon dân dã và hương rượu cần say lòng.

Đêm xuống, giữa không gian yên bình của núi rừng là nhịp điệu “cộng hưởng” của lũ côn trùng. Say giấc nồng bên căn nhà sàn, giữa núi rừng bao la thì không còn gì thú bằng.

Clâu Lanh cho biết, đây chỉ là giai đoạn đầu để Lanh thử nghiệm mô hình. Dự định trong vài năm tới, nếu cơ hội làm ăn ổn định, sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số hạng mục mới, kết nối theo tour du lịch khép kín, từ không gian vui chơi giải trí, cho đến khu dã ngoại thác nước, lòng hồ thủy điện và vườn cây ăn trái. Tất cả sẽ được triển khai sớm, nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách.

Cô gái Cơtu chia sẻ về dự án khởi nghiệp du lịch bản địa

“Trước đây, làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn) đã từng có dự án du lịch văn hóa kết hợp với nhà lưu trú cộng đồng, nhưng với đồng bào Cơtu ở địa phương, homestay vẫn còn là thứ gì đó khá mới lạ. Người đồng bào nơi đây vẫn chưa hình dung được một ngày nào đó từ căn nhà sàn, những món ăn dân dã của mình sẽ “hái” ra tiền.

Tôi mong muốn dự án khởi nghiệp này sẽ bước đầu tiên phong trong việc chính người dân Cơtu sẽ tự mình làm du lịch cộng đồng giữa núi rừng Đông Giang, để người dân ý thức và hiểu hơn về cách làm du lịch này.

Đồng thời, nó cũng góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Đông Giang đến du khách thập phương; góp phần bảo tồn những truyền thống, nét đẹp của vùng đất nơi đây; cũng như góp phần cải thiện sinh kế cho người dân”, Lanh nói thêm.

Vốn học ngành báo chí nên Lanh vận dụng mạng xã hội facebook như một kênh thông tin để giới thiệu và quảng bá cho homestay của mình.

Khách đăng ký đặt lịch tham quan, trải nghiệm, ngoài khách ở trong tỉnh và khu vực lân cận như Đà Nẵng, Huế, còn có một vài đoàn đến từ TP Hồ Chí Minh, sau khi biết thông tin về chốn du lịch của Lanh trên các trang mạng xã hội.

Chị Hiền (du khách đến từ Hội An, Quảng Nam) chia sẻ: “Tôi biết đến  thông qua giới thiệu của các bạn, sau khi xem các giới thiệu  qua facebook tôi đã rất thích.

Những trải nghiệm tại đây khiến tôi rất ấn tượng, được ăn những món ăn dân dã, độc đáo, khám phá nhiều nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn tại đây… Cả gia đình và bạn bè đã có chuyến du lịch, vui chơi đầy ý nghĩa, mới lạ”.

C.Bính-N.Linh