Cô gái kiếm hơn 9 tỷ đồng/năm quyết không chi tiền cho 5 thứ này
(Dân trí) - Dù có mức thu nhập cùng giá trị tài sản đáng mơ ước nhưng cô gái trẻ này luôn rất tiết kiệm và có một số nguyên tắc chi tiêu nhất định.
Alexandra Fasulo là một nữ doanh nhân, nhà văn tự do và người dẫn podcast "Những câu chuyện cổ tích về người làm nghề tự do" - một chương trình nói về mọi thứ mà người làm nghề tự do cần biết.
Cô đã chia sẻ hành trình để đạt mức thu nhập "khủng" và bí quyết chi tiêu của bản thân:
Hiện tại, ở tuổi 29, tôi có 6 nguồn thu nhập: viết lách tự do, hợp tác quảng cáo cho các sản phẩm, bán sách điện tử, bán khóa học, quảng cáo và doanh thu liên kết. Năm 2021, tôi đã kiếm được hơn 400.000 USD (khoảng hơn 9 tỷ đồng).
Giống như bất kỳ thành viên nào làm trong lĩnh vực này, tôi biết rằng mình không thể trông chờ vào việc kiếm được nhiều tiền như thế này sẽ kéo dài mãi mãi. Vì vậy, mặc dù có lúc vung tiền vào đồ ăn, giải trí và du lịch, tôi cũng đã bắt đầu tiết kiệm và tích cực đầu tư để tăng thu nhập của bản thân. Tôi sở hữu 3 bất động sản tại quê nhà ở bang Florida, với giá trị khoảng 1,2 triệu USD (hơn 27 tỷ đồng).
Để sống cuộc sống mơ ước, tôi vẫn tiết kiệm phần lớn số tiền mình kiếm được. Dưới đây là 5 thứ tôi loại bỏ khỏi danh sách chi tiêu.
1. Quần áo và túi xách hàng hiệu mới ra
Tôi mua sắm thời trang tại các cửa hàng tiết kiệm như Buffalo Exchange và Pavement. Không mua quần áo hoặc túi xách hàng hiệu mới ra, với giá hàng nghìn USD, nên tôi đã tiết kiệm được khá nhiều tiền.
Quy tắc của tôi là mỗi năm chi tiêu không quá 2.500 USD (hơn 57 triệu đồng) cho việc mua sắm. Tôi không chỉ tiết kiệm tiền theo cách này, mà còn tham gia bảo vệ môi trường bằng cách quyên góp tất cả quần áo không sử dụng của mình cho Goodwill.
2. Những chuyến bay không dùng thẻ tích điểm
Thẻ tín dụng Chase Sapphire Rewards của tôi tích lũy điểm du lịch khi tôi chi tiêu cho thực phẩm và du lịch. Vì vậy, tương ứng với mỗi khoản chi tiêu, tôi có thể tích lũy điểm đổi sang các chuyến bay và trả tiền thuê ô tô.
Mặc dù thẻ có phí duy trì 300 USD/năm (hơn 6,8 triệu đồng), nhưng nó đã giúp tôi tiết kiệm khoảng 2.000 USD (gần 46 triệu đồng) chi phí bay và đi lại. Ngoài ra, tôi cũng có thẻ tín dụng JetBlue tích lũy đủ điểm để trang trải chi phí một vài chuyến bay mỗi năm.
3. Tiền thuê nhà
Tôi đã mua cho mình bất động sản đầu tiên và cũng là nơi tôi đang ở hiện tại vào tháng 3/2021, tiếp đó tôi đã mua thêm hai bất động sản khác vào tháng 10/2021 và tháng 3/2022 tại Miami.
Tôi có những người thuê nhà dài hạn mà trong đó, tiền thuê đã bao gồm cả phí thế chấp và phí Hiệp hội chủ nhà. Bên cạnh đó, số tiền thế chấp căn hộ mà tôi phải trả sẽ ít hơn việc đi thuê một căn nhà khác tương tự, vì đây là căn nhà của chính mình.
4. Đồ uống sau 8 giờ tối
Tôi là một người thích làm việc buổi sáng, vì vậy khoảng thời gian mà các nhà hàng giảm giá phù hợp với lịch trình của tôi. Tôi thích tìm kiếm ưu đãi đặc biệt tại các nhà hàng và quán bar địa phương, đặc biệt là trong các chuyến du lịch.
Ăn và uống sớm hơn mỗi ngày có thể cắt giảm tổng chi phí thức ăn và đồ uống xuống 1/3 so với việc nếu bạn dùng bữa lúc 8 giờ tối.
5. Các chuyến xe dưới 4,8km
Nếu điểm đến cách không tới 3 dặm (khoảng 4,8km), tôi sẽ đi bộ đến đó để vừa tập thể dục, vừa tiết kiệm khoản chi phí thuê xe đắt đỏ. Khi tôi đi du lịch, quy tắc này cho phép tôi khám phá mọi ngóc ngách của thành phố với ngân sách tiết kiệm.
Tôi cố gắng đi bộ ít nhất 12.000 bước mỗi ngày ngay cả khi tôi về nhà ở Tây Nam Florida. Vì vậy, tôi lên kế hoạch cho từng ngày để có thể đi bộ đến các địa điểm. Tôi kiểm tra bản đồ trước để đảm bảo đường đi có vỉa hè.
Đi bộ giúp tôi tiết kiệm hơn 300 USD/tháng (hơn 6,8 triệu đồng) cho phương tiện di chuyển khi tôi đi du lịch mà không thể mang theo xe riêng.