Cô gái Cuba xinh đẹp và tình yêu cháy bỏng dành cho Việt Nam

Tươi cười và tràn đầy sức sống, cô gái trẻ Cuba Lin Acosta diễn đạt tự nhiên bằng tiếng Việt về tình yêu của mình đối với Việt Nam.

Từ tấm bé Lin Acosta đã ấp ủ ước mơ đến Việt Nam để học ngôn ngữ của Bác Hồ và để được hiểu và yêu nhiều hơn mảnh đất và con người nơi đây.

Tuy vậy đã có nhiều lúc khoảng cách địa lý xa xôi, những khó khăn trong việc tìm trường lớp cũng như điều kiện kinh tế khó khăn của gia đình làm cô gái trẻ người Cuba tưởng như phải từ bỏ khát vọng của mình. Nhưng chính nhờ tấm lòng rộng mở của những người bạn Việt Nam, cô đã có thể thực hiện được ước mơ của mình.


Cô gái trẻ người Cuba - Lin Acosta, bên trong ký túc xá trường Đại học Hà Nội.

Cô gái trẻ người Cuba - Lin Acosta, bên trong ký túc xá trường Đại học Hà Nội.

Acosta nói: “Em thích học tiếng Việt. Em thích Việt Nam. Em yêu và rất cảm ơn gia đình Việt Nam của em.”

Cô gái châu Mỹ Latin tươi cười và tràn đầy năng lượng, diễn tả tự nhiên và phát âm rõ ràng bằng tiếng Việt tình yêu cô dành cho gia đình thứ hai của mình và ngôn ngữ mà cô mới bắt đầu học cách đây chưa đầy 5 tháng.

Tân sinh viên khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội kể rằng bà và mẹ của cô đều làm cho Đại sứ quán Việt Nam tại La Habana nên từ khi sinh ra côđã cảm thấy có kết nối đặc biệt với tiếng Việt, đất nước và con người Việt Nam.

“Gia đình em từ lâu rất gắn bó với người Việt Nam. Từ nhỏ em đã có dịp gần gũi với những người bạn Việt Nam của bố mẹ em khi họ qua chơi nhà em hay khi em ghé thăm đại sứ quán. Em từng nhiều lần trò chuyện với họ và tìm hiểu về tiếng Việt.

Họ nói với em tiếng Việt như thế nào, học nó khó ra làm sao, làm em tò mò muốn tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của Việt Nam. Và khi em bày tỏ muốn sang Việt Nam học tiếng Việt, các cô chú ấy động viên em liền và nhiệt tình nhận giúp em. Các cô chú ấy luôn quan tâm tới em và gia đình em. Nhờ thế mà em mới có thể có mặt ở đây.”

Tuy nhiên, những bước đầu tiên thật khó khăn, bởi hiện Việt Nam không có nhiều học bổng trao cho sinh viên Cuba, và ngoài ra tiền vé máy bay, tiền học phí, ăn ở cũng như tiền sinh hoạt trong 4 năm học vượt quá khả năng kinh tế của gia đình cô, một gia đình lao động bình thường ở Cuba.

Tình cảm của nhà thơ Việt

Làm thế nào để giúp Acosta thực hiện ước mơ là trăn trở của bao nhiêu người, trong đó có gia đình nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sau chuyến công tác của vợ ông đến Cuba và thăm Đại sứ quán tại La Habana.

Ước mơ giản dị nhưng mãnh liệt của cô gái Cuba 18 tuổi đã lay động vợ chồng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đã có những năm tháng học tập ở Cuba từ năm 1985 đến năm 1991.


Lin Costa ăn Tết tại một gia đình người Việt ở Việt Nam.

Lin Costa ăn Tết tại một gia đình người Việt ở Việt Nam.

Ông Thiều nhớ lại: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Cuba, đã học ở đó, những năm tháng thật khó khăn nhưng chỉ khi chúng ta cất tiếng lên một tiếng là Tôi là người Việt Nam thì những người Cuba sẽ đón nhận chúng ta như người trong gia đình của họ.

Trong những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam, dân tộc Cuba đã dành tất cả những gì có thể cho Việt Nam kể cả máu của họ. Tôi còn nhớ mãi có lần đi xuống cảng Mariel và nhìn thấy con tàu Victoria đang đậu trên sóng.

Đấy là con tàu đã xuyên qua những bãi thủy lôi mà Mỹ rải ở cảng Hải Phòng để mang thuốc men cho Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và đầy thiếu thốn, bất chấp việc con tàu có thể bị vỡ vụn và tất cả các thủy thủ trên tàu có thể chết.

Đó là điều mà không ai trong những người Việt Nam đã học tập ở Cuba và những người Việt Nam đã sống trong những năm tháng chiến tranh có thể quên được.”

Những kỷ niệm của nhà thơ về đất nước Cuba, nơi đã cho ông thấy vẻ đẹp kỳ ảo của ngôn từ, bài học tuyệt vời về tình bạn thủy chung và ý nghĩa lớn lao của sự chia sẻ, đã hối thúc nhà thơ phải làm điều gì đó cho Acosta.

Ông và nhiều nhân viên sứ quán Việt Nam tại Cuba, cũng là những người bạn thân thiết của gia đình Acosta, trong đó có vợ chồng nhà ngoại giao: Trần Thị Thu Hương- nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba và Nguyễn Văn Tích- nguyên Đại sứ Việt Nam tại Chile, đã không quản khó khăn để liên hệ với nhiều trường đại học ở Việt Nam và cuối cùng cũng tìm được nơi sẵn sàng cho Acosta nhập học, đó là trường Đại học Hà Nội.

Thầy hiệu trưởng và Ban Giám hiệu nhà trường đồng ý giảm 50% toàn bộ học phí và phí ăn ở tại ký túc xá nhà trường cho cô. Gia đình nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng quyết định đỡ đầu cho Acosta, mua vé máy bay cho cô sang Việt Nam học và lo phần còn lại của học phí và phí sinh hoạt cho cô.

Thế là vào một ngày tháng 10 nắng đẹp sau chuyến bay dài nửa vòng Trái đất, Acosta đã có mặt ở nơi mà mình vốn yêu mến từ lâu dù chưa một lần đặt chân tới. Nhưng có lẽ cô không bao giờ có thể hình dung được những thương yêu mà mình được nhận lại có thể to lớn đến vậy, giúp cô nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà và hòa nhập nhanh hơn.

Acosta nói: “Ngay từ đầu mọi người, trong đó có bạn bè của gia đình em, đã giúp đỡ em rất nhiều và vẫn tiếp tục giúp em. Họ luôn quan tâm lo lắng cho em, thường xuyên đến trường thăm em, mời em đến nhà ăn cơm rồi gọi điện hỏi han xem em học hành ra sao. Họ như gia đình của em ở đây vậy.

Tất cả các phí tổn học, ăn ở, sinh hoạt đều là nhờ các cô chú ấy, nhất là chú Thiều, vì gia đình em đâu có khá giả gì. Các cán bộ trong trường cũng giúp em rất nhiều trong việc nhập học, giải thích cặn kẽ cho em xem em cần làm gì và phải mang những giấy tờ gì. Các thầy cô giáo cũng vậy.

Vì em nhập học muộn nên các thầy cô đã dạy thêm cho em để em có thể theo kịp các bạn. Sự quan tâm và giúp đỡ mà em nhận được ở đây vô cùng to lớn.”

Quả vậy, không chỉ là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bạn bè người Việt Nam của cha mẹ Acosta hay các thầy cô giáo trong trường, mà nhiều người khác qua những dòng chia sẻ của nhà thơ trên Faecebook đã kết nối với Acosta.

Đó là những nhà văn, nhà giáo, nhà báo, bác sỹ, công an, doanh nhân, cả các nhà ngoại giao, các cựu sinh viên Việt Nam từng học ở Cuba, những người đã về hưu và có cả những người nông dân, ở Hà Nội và cả những tỉnh xa như Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Thanh Hóa… muốn sẻ chia với Acosta không chỉ là những đóng góp vật chất mà tất cả tình cảm trân quý dành cho Cuba và người Cuba.

Ân cần như người cha

Trước những giúp đỡ không toan tính và những thương yêu mỗi ngày lại nhân lên gấp bội, của, Acosta chỉ biết nhủ lòng học thật tốt. Em không biết là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những người yêu thương em đã lên một kế hoạch tỉ mỉ cho việc học cũng như tương lai của em sau này, ân cần và chu đáo như cách người những cha lo cho con gái của mình.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Facebook của nhà thơ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Facebook của nhà thơ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: “Chúng tôi vạch ra một lộ trình để Acosta có thể thực hành tiếng Việt một cách tốt nhất ngoài việc học ở trường ra, đưa bạn ấy đến những vùng văn hóa đặc sắc, giúp bạn ấy thấu hiểu ngôn ngữ, con người, văn hóa, về ẩm thực và nhiều điều khác nữa của Việt Nam.

Và trong tương lai 4 năm nữa sau khi Acosta tốt nghiệp đại học nếu bạn muốn học tiếp chúng tôi cũng sẵn sàng làm tất cả những gì tốt nhất để giúp Acosta. Thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cũng cho biết là khi tiếng Việt của bạn ấy khá lên nhà trường dự định sẽ giúp cho Acosta thực hành tiếng Việt hoặc làm trợ giảng ở Khoa tiếng Tây Ban Nha tại trường giúp Acosta có thêm thu nhập.

Mặc dù vậy tôi cũng dặn Acosta là vì bạn ấy còn trẻ nên trong mối quan hệ với xã hội sẽ không khỏi có những bất trắc có thể làm cho bạn ấy tổn thương. Cho nên tôi nói bạn ấy cứ hỏi tôi những gì cần phải hỏi, vì ở tuổi này tôi như người cha với bạn ấy, và hơn ai hết tôi hiểu đất nước này, chúng ta có thể giúp bạn ấy hòa nhập nhanh nhất vào đời sống của Việt Nam trong và ngoài nhà trường.”

Khi viết về câu chuyện theo đuổi ước mơ của Lin Acosta, cô gái nhỏ Cuba đã tìm thấy gia đình lớn của mình ở Việt Nam trên con đường đến với ước mơ, tôi chợt nghĩ: không có ước mơ hay khát vọng nào trên đời này là không thể, một khi có tình yêu và sự sẻ chia, dù là bạn ở Việt Nam, Cuba hay bất cứ đâu.

Theo Vũ Hương Giang

VOV