Cô bé 9X giành giải quốc tế từ... túi nilon

(Dân trí) - Chú tôm hùm được bện từ hơn 200 sợi nilon đã giúp Nguyễn Thị Quỳnh Anh vượt qua hàng ngàn thí sinh trên toàn thế giới để giành giải đặc biệt tại cuộc thi “Làm đồ chơi bằng các vật liệu đã qua sử dụng”.

Cô bé 9X giành giải quốc tế từ... túi nilon  - 1
Quỳnh Anh tâm sự với PVDân trí: "Em cũng không ngờ mình lại nhận được giải thưởng cao quý này từ tổ chức Oxfam".

Nguyễn Thị Quỳnh Anh (sinh năm 1994, học sinh lớp 10D2, Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) là con độc nhất trong một gia đình buôn bán nhỏ. Ngay từ nhỏ, Quỳnh Anh đã tỏ ra là một cô bé rất khéo tay. 

Một lần thấy người bán hàng rong đan những con vật, những chiếc vòng tay xinh xinh từ những sợi len, Quỳnh Anh tỏ ra rất thích thú và quyết tâm học theo. Em dành hàng giờ liền chỉ để ...đứng xem các thao tác của chị hàng rong và khắc vào trong đầu những gì học được rồi về nhà tập làm theo. 

Dần dần Quỳnh Anh cũng có thể tự đan những chiếc vòng tay xinh xắn để tặng bạn bè. “Tay nghề” đan lát được luyện tập và không ngừng được nâng lên. Em có thể đan những vật khó hơn như những con ong, con bướm, tôm... để làm móc chìa khoá. Đến nay bộ sưu tập của em đã lên đến hơn 100 sản phẩm. Tất cả những đồ vật đó được đan bằng những sợi chỉ màu, len, sợi cước...


Cô bé 9X giành giải quốc tế từ... túi nilon  - 2
Quỳnh Anh đang se những sợi nilon cho PV xem.

Tháng 11/2009, Tổ chức Oxfam và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và tổ chức cuộc thi “Làm đồ chơi bằng các vật liệu đã qua sử dụng”. Tại Nghệ An, Trường THPT Lê Viết Thuật được lựa chọn để phát động cuộc thi này.

Làm thế nào để vừa phát huy lợi thế đan lát của mình mà lại vẫn đáp ứng yêu cầu của cuộc thi là dùng các vật liệu đã qua sử dụng?- sự phân vân này đã có ngay lời giải khi một hôm đang suy nghĩ thì mẹ Quỳnh Anh vừa đi chợ về và bảo em cất đồ vào tủ. Xách những túi đồ ăn một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu “Sao mình không dùng những túi nilon bỏ đi này để đan nhỉ?”. Nhặt nhạnh tất cả túi nilon trong nhà và cả trong ...thùng rác, Quỳnh Anh đem giặt sạch sẽ, đem phơi khô để chuẩn bị cho ý tưởng của mình.

“Hồi học lớp 8 em nhớ là có một bài học nói về tác hại của túi nilon đối với môi trường và cuộc sống con người. Nó không thể phân hủy nếu bị chôn xuống đất. Nhưng những túi nilon này sẽ không phải là kẻ thù của môi trường mà trái lại nó còn rất hữu dụng nếu mình biết cách sử dụng”, cô bạn 9X chia sẻ với PV Dân trí.

Cô bé 9X giành giải quốc tế từ... túi nilon  - 3
Quỳnh Anh cùng một thầy giáo trong trường se những sợi nilon
 
Những chiếc túi nilon đủ màu sắc được cắt ra thành từng khúc rồi kéo dãn ra hết mức có thể. Sau đó sẽ được xe lại thành những sợi mảnh như sợi chỉ nhưng hết sức chắc chắn. “Nói thì đơn giản vậy thôi chứ để se được một sợi nilon thì tay em cũng bị phồng rộp hết cả lên. se được sợi càng mảnh, càng chắc thì tay càng đau. Nếu có người cầm một đầu kéo ra thì đơn giản hơn nhiều nhưng ở nhà bố mẹ đều bận công việc, chỉ có một mình nên em phải buộc một đầu dây vào chân bàn và vừa kéo vừa se thành sợi. Những chiếc túi khi mình vò càng phát ra tiếng loạt xoạt lớn thì càng dễ se sợi”, Quỳnh Anh cho biết. 

“Từ khi cuộc thi được phát động đến thời hạn chót để nộp sản phẩm chỉ vẻn vẹn 5 ngày. Thời gian quá ít ỏi nên em chỉ kịp đan được con tôm hùm. Nếu có nhiều thời gian hơn thì em sẽ đan được sản phẩm đẹp hơn”, Quỳnh Anh tiếc rẻ.

Sản phẩm tôm hùm bằng những sợi túi nilon bỏ đi của Quỳnh Anh lên đường ra Hà Nội và trở thành sản phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi cấp quốc tế. Như một “phép màu”, con tôm hùm đã vượt qua hàng ngàn thí sinh đến từ nhiều nước trên thế giới để giành giải đặc biệt dành cho nhóm tuổi từ 13 - 19 tuổi.

Chưa hết xúc động, Quỳnh Anh cho biết: “Hôm thầy Bí thư đoàn trường thông báo sản phẩm của em đạt giải đặc biệt em bất ngờ lắm, vui đến rơi nước mắt anh chị à. Các bạn trong lớp vỗ tay rầm rầm chúc mừng vậy mà em khóc ngon lành ngay giữa lớp luôn”. 

Phần thưởng cho ý tưởng đặc biệt này là bằng khen của tổ chức Oxfam và khoản tiền thưởng 150USD. “Em trích một phần tiền ủng hộ cho quỹ học tập của lớp. Số còn lại em đưa cho mẹ để mẹ chữa bệnh”.

Được biết mẹ Quỳnh Anh hiện nay đang mắc một căn bệnh về cột sống nên mỗi tháng bà phải ra Hà Nội một lần để chữa bệnh.

Hiện nay Quỳnh Anh đã trở thành “cô giáo” dạy đan của 2 bạn cùng lớp. Ngoài chức vụ lớp trưởng, Quỳnh Anh cũng là Ủy viên Ban thường vụ Hội liên hiệp thanh niên thành phố Vinh. Trong hội trại chào mừng ngày thành lập Đoàn sắp tới, Quỳnh Anh và các bạn trong lớp sẽ tổ chức một gian hàng bán các sản phẩm được đan bằng tay từ các vật liệu đã qua sử dụng để gây quỹ cho các bạn nghèo. 

“Điều em thấy tiếc nhất là không có cơ hội được giao lưu với các bạn đạt giải trên thế giới để được chiêm ngưỡng các sản phẩm của các bạn, chia sẻ ý tưởng và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nhưng em cũng cảm thấy tự hào lắm vì sản phẩm của em đã gửi một thông điệp bảo vệ môi trường đến các bạn trẻ”, Quỳnh Anh tâm sự.

 

Cuộc thi “Làm đồ chơi bằng các vật liệu đã qua sử dụng” được tổ chức Oxfam phát động dành cho trẻ em từ 6 - 19 tuổi nhằm tạo ra một sân chơi cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới và nâng cao tầm hiểu biết của giới trẻ về hợp tác quốc tế - tình đoàn kết. Với việc phát động cuộc thi “Làm đồ chơi bằng các vật liệu đã qua sử dụng”, tổ chức Oxfam mong muốn tìm kiếm được những ý tưởng hay nhất thông qua việc quan sát và tái sử dụng đồ đạc để tạo ra những sản phẩm hữu dụng phục vụ cho con người.


 
Bài và ảnh: Hoàng Lam - Nguyễn Duy