Chuyện xúc động của bí thư chi đoàn giỏi thủ đô

Vì nhà nghèo nên em gác lại những sở thích. Vì nhà nghèo nên em chỉ đứng ngoài cửa sổ nhìn các bạn tập hát, múa,…Đó là những chia sẻ đầy xúc động của sinh viên Nguyễn Thị Thu Thanh – Khoa Đông phương học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN).

6 tháng gia đình đoàn tụ trên thành phố

 

Khi bố về hưu mất sức, cũng là khi gia đình phát hiện bệnh ung thư trực tràng. Bàn đi tính lại, cuối cùng gạt hoàn cảnh túng bấn sang một bên để cả nhà khăn gói từ Quảng Ninh lên Hà Nội để bố khám và chữa bệnh.

 

Đó cũng là quãng thời gian đầy vất vả nhưng ý nghĩa nhất của cô sinh viên nghèo Thu Thanh. Suốt thời gian bố ở bệnh viện hết theo dõi, lại kiểm tra, rồi điều trị, Thanh chạy đi chạy lại lo việc học ở trường rồi lại chạy vào với bố thay phiên cho mẹ nghỉ ngơi.

 

Nhìn bố nằm quanh máy móc lạnh lẽo trong bệnh viện, ngắm gương mặt gầy đi nhiều của mẹ, Thanh càng tự hứa phải học giỏi hơn nữa để bố mẹ đỡ vất vả hơn. 6 tháng trong bệnh viện tuy có thiếu thốn, nhưng Thanh không thể nào quên.

 

Bởi đó là suốt 6 tháng gia đình được quây quần bên nhau, lo lắng cho nhau từ bát canh, chiếc gối, đến san sẻ tiền xăng xe đi lại,…mà trước đây, khi ở nhà bố mẹ đều lo xoay xở miếng cơm manh áo, ít khi được ngồi cạnh nhau đầy đủ các thành viên.

 

May mắn, do căn bệnh được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời nên bố Thanh đã vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo này.

 
Nguyễn Thị Thu Thanh-Khoa Đông phương học (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN).

Nguyễn Thị Thu Thanh-Khoa Đông phương học (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN).

 

Kể về kỉ niệm từ ngày còn thơ bé, Thanh trầm ngâm, nhớ lại: tuổi thơ của em lớn lên bên gánh hàng rau của mẹ. Bố đi làm công nhân với đồng lương ít ỏi. Thu nhập hàng tháng của cả gia đình không quá 3 triệu đồng nhưng chi tiêu thì trăm thứ,…

 

Em còn nhớ những năm tháng mẹ đi bán rau từ sáng sớm tinh mơ, cho đến khi mọi nhà dọn dẹp sau bữa cơm tối mới thấy mẹ về. Một bông hồng dành tặng mẹ ngày 8/3 là điều quá xa xỉ đối với cả gia đình.

 

Càng thương bố mẹ, Thanh càng quyết tâm học thật tốt để thay đổi cuộc đời. Suốt những năm tháng học THPT cho đến giớ, năm nào Thanh cũng mang về những thành tích đáng nể: giải Nhì Học sinh giỏi môn Văn cấp Tỉnh; Giải ba môn Văn các trường Chuyên Duyên hải Bắc Bộ và miền núi phía Bắc; học bổng AEON của Nhật Bản cho sinh viên có thành tích cao.

 

Thanh cũng chính là sinh viên nhận học bổng Bay cao ước mơ dành cho sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn của Tỉnh Quảng Ninh…

 

Khi cơ hội đến, ấn tượng chỉ tạo 1 lần

 

Vì hoàn cảnh gia đình nên Thanh sớm có ý thức tự lập từ nhỏ. Nhưng cũng vì hoàn cảnh gia đình nên Thanh chưa bao giờ có ý định đi học năng khiếu mặc dù rất thích. Mỗi lần nhìn các bạn tập múa, hát, cô gái trẻ lại đứng ở cửa sổ nhìn chăm chú.

 

Cho tới khi, là sinh viên năm thứ nhất, trong một bài học Lịch Sử của thầy Trần Bách Hiếu, Thanh mới có cơ hội được …đóng kịch. Bài tập nhóm có vai diễn hài hước góp phần tô màu cho vở kịch mà Thanh sắm vai rất thành công với những tràng pháo tay của khán giả.

 

Hiện, cô sinh viên năm thứ 3 vừa đi làm thêm tại trung tâm học tiếng trung, vừa đảm bảo tốt việc học. Đồng thời, Thanh còn là một cán bộ Đoàn đáng nể về sự nhiệt huyết, năng động.

 

Những thành tích về hoạt động Đoàn của bí thư Thu Thanh ngày một dày lên không kém gì những thành tích học tập. Vừa qua, Thanh được Thành đoàn Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Bí thư chi Đoàn giỏi Thủ đô".

 

Đối với Thanh, đó là món quà lớn nhất dành tặng bố mẹ mà cô có thể làm được. Cũng 1 năm nay, Thanh có thể tự trang trải cuộc sống sinh viên xa nhà, vừa lo học phí và đôi lúc gạt đi sự tủi thân để mỉm cười khi bớt đi phần gánh nặng cho bố mẹ.

 

“Tái ông thất mã” lại hóa hay

 

Cho đến bây giờ, khi đã là sinh viên năm thứ 3, nhưng Thanh vẫn luôn mong muốn từng ngày nghỉ tết, nghỉ hè để về nhà với bố mẹ. Xa nhà, cuộc sống trên thành phố xa hoa nhiều cám dỗ nhưng Thanh luôn tự nhắc nhở bản thân “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

 

Nhớ lại năm đầu tiên, khi đủ điều kiện đăng ký đi học ở Đài Loan, Thanh đã định làm hồ sơ học tiếp chương trình cử nhân. Quá trình làm hồ sơ đối với một sinh viên chỉ vừa kết thúc một kì học, chưa bao giờ tìm hiểu đến việc xuất ngoại, vốn ngoại ngữ thì ít ỏi, lại thiếu sự hướng dẫn cụ thể khiến Thanh phải bỏ dở hồ sơ giữa chừng.

 

Không buồn vì điều đó, "Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQG" nói vui: Nếu ngày đó làm được hồ sơ, chắc bây giờ em cũng học được hai năm ở Đài Loan rồi. Nhưng cũng nhờ bài học kinh nghiệm “tái ông thất mã” ấy, mà giờ em đã được ở nhà, được gần gũi bố mẹ.

 

Trong tương lai, em sẽ cố gắng học tốt hơn nữa để về quê hương của mình góp phần xây dựng mảnh đất thân thương, nhiều kỉ niệm với em.

 

Theo Ngọc Trang

Giáo dục & Thời đại